Sau vòng xe oan nghiệt

05/12/2017 - 20:17

PNO - Tai nạn giao thông khiến những gia đình vốn đã xác xơ vì nghèo khó ấy mất đi trụ cột, còn nỗi đau thì âm ỉ mãi.

Sau vong xe oan nghiet
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - động viên tinh thần, trao quà hỗ trợ của Hội cho anh Minh

NƯỚC MẮT NGƯỜI MẸ

Sau khi nấu xong bữa sáng và làm vệ sinh cá nhân cho cậu con trai Tô Phương Bình (SN 1984), bà Nguyễn Thị Khuyên (ngụ tại khu phố 1, P. Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) lật đật đóng cửa nhà, chạy ra bến xe buýt. Cầm vé số trên tay, bà đi một lượt xe rồi thả bộ suốt quãng đường dài, lòng cầu nguyện bán mau hết để được về bên con.

Đó là một ngày đầu năm 2017, vé số còn nhiều, nhưng linh tính của người mẹ mách bảo thế nào mà bà trở ngược lại, đi như có ai rượt. Khi bà đẩy cửa vào nhà, Bình đang hí hoáy ổ điện, cầu chì cháy khét lẹt. “Làm gì dại vậy con ơi” - bà Khuyên thảng thốt. Bình nghệch mặt cười. Sau hai lần bị tai nạn giao thông (TNGT), giờ Bình như đứa trẻ, miệng nói huyên thuyên suốt ngày nhưng không ai hiểu. Thỉnh thoảng, anh cáu gắt, đụng đồ gì trong nhà cũng phá, nhất là thiết bị điện. Thành ra, bà Khuyên phải xích con lại mỗi khi đi làm. 

Năm 2010, Bình bị TNGT, liệt nửa người đúng lúc mới được nhận vào làm bảo vệ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tỉnh lại trong trạng thái mù một mắt, mất thính lực tai trái, không thể tự vệ sinh cá nhân, Bình một hai đòi chết, trách mẹ sao không để mình đi luôn, chứ sống vầy chỉ làm khổ gia đình. 

Sau hơn một năm kiên trì tập vật lý trị liệu, Bình đứng dậy được, anh nằng nặc đòi đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ. Xót con, bà Khuyên cản. Sáng sáng, mẹ vừa ra khỏi nhà, Bình cũng tập tễnh chống nạng tìm chỗ nhận vé số bán. Thấy Bình kiên quyết quá, bà mua cho con chiếc xe lắc điện. Trừ những hôm bị người ta giật hết tiền và vé số, còn lại, ngày nào Bình cũng dúi vô tay bà Khuyên 100.000 đồng, nói để mua gạo. 

Cuối năm 2016, tại Q. Gò Vấp, một cậu sinh viên chạy ẩu đã tông vào chiếc xe lắc của Bình. Cú va chạm lần này khiến anh bị phù não, nôn ói liên tục và tinh thần không còn bình thường như trước. Lúc Bình nằm cấp cứu tại Bệnh viện 115, gia đình người gây tai nạn lên thăm, kể hoàn cảnh khó nghèo rồi gửi bà Khuyên 1 triệu đồng. “Tôi nghĩ, thôi thì xui của mình cũng là xui của người, đều khổ cả, nên phải thông cảm cho nhau. Bên đó đưa số điện thoại, dặn có chuyện gì thì cứ gọi, họ tới ngay. Thế nhưng, khi tình trạng Bình trở nặng, tôi gọi thì không ai nghe máy” - bà Khuyên buồn bã. 

NỖI ĐAU CÒN MÃI

Chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1967, ngụ tại ấp 2, xã Đông Thạnh, H. Hóc Môn, TP.HCM) ngước nhìn trần nhà: “Thằng Tính mới ứng trước lương hơn một triệu đồng, mua ba tấm tôn, hàng xóm cho hai tấm nữa lợp lên. Mùa mưa nào cũng vậy, nước trên trời đổ xuống, nước ngoài đường ập vô, tôi tát hoài đến kiệt sức, chịu không thấu”. 

Tính là con trai thứ hai của chị Phúc, năm nay 21 tuổi, là lao động duy nhất trong nhà với việc đi vác than thuê, mỗi ngày được 200.000 đồng. Năm 2007, đang chạy xe qua đoạn cầu vượt Trạm 2 (Q. Thủ Đức, TP.HCM), chị Phúc bị một người đi cùng chiều tông ngã ra vệ đường, bất tỉnh, chấn thương bả vai phải. Nghỉ ngơi một thời gian, chị trở lại làm lao công tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM. Chồng chị - anh Nguyễn Mạnh Tường - là người lính trở về từ chiến trường, bị thương, liệt nửa người bên phải, làm nghề sửa chữa thiết bị gia dụng. Năm 2014, con trai lớn của chị Phúc bị bắt và kết án 16 năm tù giam vì tội cướp giật tài sản. Con trai út là Nguyễn Phúc Tính hết đi làm hồ lại nhận rửa xe, vác than. 

Năm 2015, chạy xe về tới Ngã ba Bầu (H. Hóc Môn), chị Phúc bị TNGT lần thứ hai, gãy chân trái. Từ một phụ nữ cân nặng gần 60kg, giờ chị Phúc chỉ còn 29kg. Mới đây, chị lại phải nằm viện phẫu thuật do mắc bệnh polyp trực tràng. Hiện giờ, cả anh Tường và chị Phúc đều không còn khả năng lao động; ngay như bưng thau nước, chị cũng bất lực. Chị Phúc tâm tình: “Tôi là người rất giỏi chịu cực, đi làm lao công, bán vé số, rửa chén bát thuê, không ngần ngại gì. Vậy mà TNGT cứ như trêu ngươi mình, để giờ trăm gánh nặng đặt hết lên vai thằng Tính”.

Một ngày giữa tháng 11, khi bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - vừa bước vào nhà chị Phạm Thị Tuyết Mai (34 tuổi, ngụ tại P.Phước Bình, Q.9, TP.HCM) vội chạy đến giật dây buộc tóc. Thấy vậy, anh Phạm Quang Minh - anh trai Mai - nói như phân bua: “Tâm tánh Mai không được như người ta. Nó vậy chớ hiền lắm, chẳng đánh ai bao giờ”. Cạnh đó, bà mẹ anh Minh ngồi co ro. Em gái mắc bệnh tâm thần, mẹ bị lẫn, bản thân anh Minh cũng không còn khả năng lao động do bị TNGT phải ngồi xe lăn. 

Gần mười năm nay, một tay vợ anh Minh là chị Nguyễn Thị Hạnh lo từng chén cháo, bát cơm, ngày nối ngày tắm rửa cho chồng. Thời gian còn lại, chị đi giúp việc nhà theo giờ, thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng. Anh Minh thổ lộ: “TNGT là nỗi ám ảnh của quá nhiều gia đình. Tôi mong sao mỗi khi chạy xe trên đường, mọi người nhường nhau một chút, đi chậm một chút”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI