Sau Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành... sẽ còn gì nữa "mọc" lên ở Đà Lạt?

03/09/2020 - 07:30

PNO - Rất may, ý tưởng xây dựng Tử Cấm Thành với việc trưng bày hàng trăm bức tượng "binh lính" cuối cùng không thành hiện thực.

Cuối cùng thì ông Ngô Quang Phúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Liên Minh Group cũng chính thức lên tiếng từ bỏ ý định "xây dựng một khu phim trường gồm Hoàng Cung, Hoàng Thành hay Tử Cấm Thành như khởi nguồn ý tưởng dự kiến ban đầu trên một khu đất tư nhân do Liên Minh làm chủ, đã được mua từ nhiều năm trước với tổng diện tích tương đương khoảng 12ha".

Nhờ dư luận lên tiếng, đội tinh binh sẽ được chuyển trả về nơi sản xuất.
Nhờ dư luận lên tiếng, những "binh lính" này sẽ được chuyển trả về nơi sản xuất. Ảnh: Facebook ông Ngô Quang Phúc

Trên trang Facebook cá nhân mới đây, ông Phúc viết: "Nếu chính quyền và nhân dân không ủng hộ thì ý tưởng về đề án phim trường lịch sử Việt Nam này sẽ được khép lại tại đây trong sự hoan hỷ và không bàn cãi gì thêm nữa. Chúng tôi sẽ trả những bức tượng về nơi sản xuất". Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu Liên Minh Group chuyển trả những tượng lính về Bình Dương. 

Một quyết định hợp lòng người.

Nghĩ lại, cũng rất may là ông Ngô Quang Phúc đã chủ động chụp ảnh những bức tượng trong quá trình vận chuyển về Lạc Dương rồi "khoe" trên Facebook, nhờ đó dư luận mới biết mà phản đối. Nếu không, đến một lúc nào đó những "binh lính" này bất ngờ xuất hiện ở "Tử Cấm Thành Đà Lạt", quả thật không biết phải nói như thế nào. Những mảng xanh đô thị của Đà Lạt đang dần bị thu hẹp, thành phố này còn phải liên tục chịu đựng những công trình du lịch nhân tạo phá nát cảnh quan.

Nhân vụ "đội quân đất nung", cộng đồng mới dậy sóng trở lại với mô hình Vạn Lý Trường Thành ở Khu du lịch đồi Mộng Mơ (do TTC Group đầu tư xây dựng). Sự thật, mô hình Vạn Lý Trường Thành với câu "Bất đáo trường thành phi hảo hán" - mà cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh những ngày qua - đã tồn tại từ hơn 10 năm trước. Báo chí cũng từng một thời phản đối mô hình du lịch lai căng giá trị này, nhưng rồi Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ đến nay vẫn chễm chệ ở đồi Mộng Mơ. 

Tiểu Vạn Lý Trường Thành ở đồi Mộng Mơ. Ảnh: du lịch Việt Nam.
"Tiểu" Vạn Lý Trường Thành ở đồi Mộng Mơ. Ảnh: Du lịch Việt Nam.

Đà Lạt xưa nay được nhắc đến bằng những danh xưng mỹ miều: thành phố ngàn hoa, xứ sở hoa anh đào, xứ sở sương mù, thành phố ngàn thông. Giờ Đà Lạt "cái gì cũng có". Hết Vạn Lý Trường Thành đến Công viên kỳ quan thế giới (nằm ở trung tâm Khu du lịch Thung lũng Tình yêu) với những mô hình thu nhỏ: tháp nghiêng Pisa, tượng Nữ thần Tự do, Tháp đôi Petronas, nhà hát Conấò, tháp Big Bang, Ankor Wat, tượng đài Thành Cát Tư Hãn, tượng nhân sư Ai Cập...

Hàng loạt công trình nhân tạo được dựng lên, phục vụ cho nhu cầu check-in của du khách. Những ý tưởng quái dị liên tục được triển khai như Khu du lịch Quỷ Núi Suối Ma, rồi đến đội "binh lính" chuẩn bị cho Tử Cấm Thành... Xin đừng biến Đà Lạt thành một không gian hỗn tạp và hủy hoại cảnh quan khi bản thân những gì nguyên sơ nhất của thành phố này đều đã mang giá trị lớn lao rồi. 

Hãy để Đà Lạt được yên với những cảnh quan văn hóa vốn có
Hãy để Đà Lạt được yên với những cảnh quan văn hóa vốn có. Ảnh: T.Q

Hãy đọc lại những ghi chép của bác sĩ Alexandre Yersin về Đà Lạt, trong hồi ký Bảy tháng nơi xứ Thượng, khi ông phát hiện ra vùng đất tuyệt vời này: 

"Trên đường đi, cao nguyên nhấp nhô cao từ 900m đến 1.200m khoảng từ 15km đến 20km trước khi đến chân núi. Đất đồi mấp mô khiến tôi cảm giác như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Lang Biang đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như ngày càng xa dần khi tôi đến gần. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho chúng tôi đến gần vài trăm mét. Đàn nai vụt chạy ra xa rồi ngoái cổ lại nhìn chúng tôi".

Đó là những ngày tháng 6/1893 khi ông đến thác Prenn và sau đó lên đỉnh Lang Biang. 

Cảnh vật trong ghi chép của Yersin hiện ra trước mắt người đọc hoang sơ, lộng lẫy, thanh khiết; có lẽ cũng là cái nhìn đầy mong chờ với những ai lần đầu tiên được đặt chân đến thành phố cao nguyên này.

Đến Đà Lạt từ phía TPHCM hay Nha Trang, đều phải qua "vùng chuyển đổi" là những cung đường đèo, núi đồi biêng biếc. Đến đèo Prenn, "trong sương mù hiện ra" trước mắt là ngàn thông xanh reo. Hồ Xuân Hương như trái tim trong vắt nằm trong lòng phố, ga Đà Lạt cổ kính dấu xưa, biển mây hừng đông mê đắm trên đồi Thiên Phúc Đức, bạt ngàn mênh mông xanh với đồi chè Cầu Đất... Đó chẳng phải đã là mỹ cảnh tuyệt vời sao?

Có ai mong đến Đà Lạt để được nhìn thấy Tử Cấm Thành hay Vạn Lý Trường Thành?

Những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp nép mình giữa rừng thông đủ làm nên vẻ mỹ miều mê hoặc
Những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp nép mình giữa rừng thông đủ làm nên vẻ mỹ miều mê hoặc. Ảnh: T.Q

Đà Lạt không cần phải xuất hiện thêm những mô hình nhân tạo, những công trình lai căng, bắt chước nào khác thì mới thu hút được du khách phương xa. Hãy để thành phố mộng mơ được yên. Người Pháp từng ví nơi này là "tiểu Paris" nhưng họ cũng chẳng muốn biến miền đất này thành kinh đô ánh sáng. Tin rằng, người dân phố núi lẫn du khách đều không muốn Đà Lạt cứ mỗi lúc một "mọc" thêm ra những công trình nhân tạo nào nữa. 

Những gì tinh khôi, thanh khiết còn lại của Đà Lạt, xin hãy giữ gìn cho Đà Lạt. Nếu muốn, hãy trồng thêm những đồi thông, những cánh đồng hoa... 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI