Bên cạnh việc nhiều loại vắc-xin phòng COVID-19 đã và đang được triển khai trên toàn cầu, các loại thuốc điều trị căn bệnh này cũng rất quan trọng để sớm có thể giảm thiểu thiệt hại nhân mạng và kiểm soát đại dịch.
Vì sao phải tìm thuốc trị COVID-19?
Các nhà khoa học trên thế giới đã phát triển thành công vắc-xin phòng bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hơn một năm rưỡi sau đại dịch, có rất ít lựa chọn điều trị COVID-19, và những lựa chọn hiện tại chỉ có tác động khiêm tốn đối với tiến trình của bệnh.
|
Bên cạnh vắc-xin phòng COVID-19, thế giới cần nhanh chóng tìm kiếm thuốc điều trị khi thế giới chạm mốc 4 triệu người tử vong do đại dịch - Ảnh: Getty Images |
Tỷ lệ tiêm phòng có thể đủ cao ở một số quốc gia phát triển để hình thành “miễn dịch cộng đồng”, nhưng nhu cầu về các liệu pháp mới vẫn còn cấp thiết. Vi-rút đang hoành hành ở nhiều quốc gia bị hạn chế về khả năng tiếp cận vắc-xin, trong khi các loại thuốc mới có thể giúp những người mắc COVID-19 tránh phải nhập viện, đặc biệt là ở những nơi mà số phòng chăm sóc tích cực (ICU) còn hạn chế. Các liệu pháp mới cũng có thể trở thành chốt chặn quan trọng, nếu SARS-CoV-2 đột biến đủ để tránh phản ứng miễn dịch ở những người đã tiêm chủng.
SARS-CoV-2 là loại Coronavirus thứ ba chuyển đổi từ động vật sang người trong 20 năm qua. Nhiều công ty đang nghiên cứu các loại thuốc kháng vi-rút để điều trị những người nhiễm COVID-19. Thuốc kháng vi-rút là loại thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm virus. Nhóm thuốc này có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau như ngăn không cho virus xâm nhập vào tế bào chủ, tái tạo hoặc giải phóng các phần tử để lây nhiễm sang các tế bào khác.
Gilead Raday - Giám đốc điều hành Công ty RedHill Biopharma (Israel) - cho biết, việc phát triển vắc-xin nhanh và dễ dàng hơn so với việc tìm kiếm một loại thuốc điều trị. Vắc-xin dễ kiểm tra và đánh giá hơn vì những người tham gia thử nghiệm chỉ có hai kết quả, nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19. Riêng trong thử nghiệm thuốc, người nghiên cứu phải chọn mức độ bệnh và giai đoạn bệnh cụ thể nhằm đánh giá lợi ích và đảm bảo không có sự sai lệch nào khác.
Hiện chỉ có một số ít các liệu pháp điều trị COVID-19 thành công. Phương pháp điều trị hiện có bao gồm các kháng thể đơn dòng, được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng cách nhân bản tế bào bạch cầu, và thuốc remdesivir. Các loại thuốc như dexamethasone, tocilizumab và baricitinib cũng có hiệu quả ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng.
Vào ngày 22/10/2020, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho Veklury (remdesivir), loại thuốc đầu tiên được phê duyệt để điều trị COVID-19. Trong khi đó, kháng thể đơn dòng và remdesivir được tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện hoặc phòng khám. Phương pháp không thích hợp cho những người bệnh điều trị ngoại trú.
Khi được sử dụng sớm, các kháng thể đơn dòng hoặc sự kết hợp của chúng làm giảm tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong từ 70% đến 87%, ở những người có nguy cơ chuyển biến nặng hoặc nhập viện. Tuy nhiên, sự kết hợp kháng thể của Regeneron - liệu pháp mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng sử dụng - dường như cũng giúp ích cho những người đã nhập viện và cơ thể chưa hoặc khó tạo ra kháng thể cho COVID-19. Vào giữa tháng Sáu, các nhà nghiên cứu thông báo rằng trong một thử nghiệm với 9.000 người, liệu pháp của Regeneron hạn chế được 20% số ca tử vong.
Đối với những bệnh nhân nặng nhất, các nghiên cứu chỉ ra rằng steroid dexamethasone làm giảm một phần ba nguy cơ tử vong nhờ giảm phản ứng viêm.
Khó sớm có thuốc điều trị COVID-19
Sự phát triển của thuốc kháng virus diễn ra chậm vì nhiều lý do. Cho đến năm 2019, các công ty không có nhiều động lực tài chính để sản xuất những loại thuốc này. Các loại thuốc kháng virus tồn tại chỉ nhắm vào 10 loại vi-rút và một nửa trong số đó dùng điều trị HIV.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề ra “Chương trình Chống virus” giúp tăng tốc độ thử nghiệm đối với 19 loại thuốc chống virus đang phát triển. Nhà Trắng thông báo chi 3,2 tỷ USD trong năm nay để phát triển thuốc kháng virus nhằm điều trị COVID-19, cũng như cung cấp khoảng 1 tỷ USD nhằm tìm kiếm các hợp chất có thể điều trị không chỉ SARS-CoV-2 mà còn cả các virus khác. Chính quyền Mỹ cũng thông báo rằng họ sẽ mua tới 1,7 triệu liều thuốc kháng virus molnupiravir của Công ty dược phẩm Merck với giá 1,2 tỷ USD.
Hơn 20 công ty công nghệ sinh học và dược phẩm trên thế giới đã liên kết với nhau để thành lập liên minh INTREPID nhằm nghiên cứu 25 ứng cử viên thuốc mới chống virus. Ngoài ra, COVID Moonshot - một sáng kiến quốc tế sử dụng vốn cộng đồng, bao gồm các nhà khoa học từ các viện hàn lâm, công nghệ sinh học và dược phẩm - hiện đang nghiên cứu phát triển thuốc ức chế một loại enzym cụ thể trong SARS-CoV-2. Tính mở của sáng kiến cho phép bất kỳ ai cũng có thể gửi mẫu thiết kế thuốc và xem những mẫu đã được gửi. Tính đến ngày 28/6, dự án đã thu thập được 17.976 thiết kế, tổng hợp và thử nghiệm gần 1.500.
Phần thưởng cho tất cả những sáng kiến mới này có thể không đến trong thời gian ngắn. Nhưng hy vọng là khi đại dịch tiếp theo ập đến, thế giới sẽ được chuẩn bị tốt hơn.
Tấn Vĩ (theo Healthline, Technology Review, NY Times, ABC News, Cleverland)