Sau tuyên bố của WHO về bệnh đậu mùa khỉ: Dịch bệnh lại đe dọa thế giới

25/07/2022 - 06:09

PNO - Hôm 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang không ngừng gia tăng là tình trạng khẩn cấp toàn cầu - mức báo động cao nhất.

Nỗi lo của thế giới

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) đánh dấu cột mốc mới cao hơn trong việc ứng phó với căn bệnh này. Các quốc gia có nghĩa vụ phản ứng kịp thời với PHEIC. WHO đưa ra tuyên bố nhằm thu hút nhiều sự chú ý và nhiều nguồn lực hơn cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Hiện số ca bệnh đã lên đến gần 17.000 trường hợp ở 75 quốc gia, với 5 trường hợp tử vong.

Hiện vắc-xin phòng bệnh đậu mùa được cho là có hiệu quả tốt trong việc chống lại đậu mùa khỉ - Ảnh: Getty Images
Hiện vắc xin phòng bệnh đậu mùa được cho là có hiệu quả tốt trong việc chống lại đậu mùa khỉ - Ảnh: Getty Images

Lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958 trên các đàn khỉ, bệnh đậu mùa khỉ có nhiều điểm tương đồng nhưng ít nghiêm trọng hơn so với bệnh đậu mùa. Các ca bệnh chủ yếu xảy ra ở Tây và Trung Phi. Trường hợp nhiễm đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Các triệu chứng bệnh thường kéo dài từ hai đến bốn tuần. Có thể bao gồm sốt, nhức đầu, sưng hạch bạch huyết, đau lưng và cơ, thiếu năng lượng và xuất hiện các vết đỏ như bệnh đậu mùa. Bệnh gây phát ban, sau đó chuyển sang dạng bong bóng chứa đầy dịch hoặc mủ. Giống như các thành viên khác trong “gia đình đậu mùa”, mụn nước có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Paul Griffin từ Đại học Queensland (Úc) chia sẻ: “Bệnh đậu mùa khỉ không lây lan nhanh như COVID-19 hay virus đường hô hấp khác. Thông thường, những người bị nhiễm thể hiện các triệu chứng khá rõ ràng”. 

Ở châu Phi, bệnh chủ yếu lây lan sang người từ những động vật hoang dã nhiễm bệnh chẳng hạn như loài gặm nhấm. Tuy nhiên sự xuất hiện của bệnh ở châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy sự lây lan giữa những người không có liên quan đến động vật hoặc từng đi đến châu Phi. Chuyên gia hàng đầu về bệnh đậu mùa khỉ của WHO là Rosamund Lewis cho biết: 99% các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ngoài châu Phi là nam giới và hầu hết liên quan đến quan hệ đồng giới.

Bệnh đang biến đổi nhanh

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine cho biết bệnh đậu mùa khỉ đột biến nhanh hơn 12 lần so với dự kiến. Theo nhóm tác giả, các virus như bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ phát triển một hoặc hai đột biến mỗi năm. Nhưng với số mẫu đột biến được xác định trong phân tích, họ thấy rằng virus đã tiến hóa sau khi tiếp xúc với hệ thống miễn dịch của con người. Chúng dường như tạo ra nhiều đột biến hơn khi lây lan từ người này sang người khác trong một khoảng thời gian ngắn. 

Gần đây, hai trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở trẻ em tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, một trường hợp là đứa trẻ mới biết đi tại bang California. Ca bệnh còn lại là một trẻ sơ sinh không phải công dân Mỹ. Các quan chức y tế công cộng đang điều tra xem những đứa trẻ bị nhiễm bệnh như thế nào. Cả hai đều có các triệu chứng bệnh nhưng sức khỏe tốt và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus tecovirimat (TPOXX). 

Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân đậu mùa khỉ bắt đầu thể hiện các triệu chứng không rõ ràng, dẫn đến việc chẩn đoán nhầm lẫn và bỏ sót. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học New England, một số bệnh nhân chỉ bị lở loét đơn lẻ, đôi khi ở miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục. John Thornhill - bác sĩ về sức khỏe tình dục và HIV, giáo sư tại Đại học Queen Mary (Anh) - cho biết: “Những triệu chứng bệnh khác nhau nhấn mạnh thực tế rằng nhiễm trùng do đậu mùa khỉ có thể bị bỏ sót hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai hoặc herpes. Do đó, chúng tôi đề nghị mở rộng các định nghĩa hiện tại về ca nhiễm”.

WHO cho biết vắc xin đậu mùa có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Vắc xin vẫn hiệu quả ngay cả khi được tiêm sau tiếp xúc với mầm bệnh, tốt nhất trong bốn ngày đầu tiên. Hiện không có xét nghiệm tại nhà cho bệnh đậu mùa khỉ. Ngay cả tại phòng khám, nhân viên y tế cũng cần lấy mẫu từ vết mụn nước để thực hiện xét nghiệm chính xác. Sau chẩn đoán, quá trình điều trị bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu bao gồm việc kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc giảm đau và ngâm nước ấm. Thuốc kháng virus, chẳng hạn như tecovirimat thường chỉ được khuyến cáo cho những người có nhiều triệu chứng toàn thân và có nguy cơ cao bị biến chứng, điển hình như ở trẻ em. 

Tấn Vĩ (theo New York Times, Bloomberg, Medical Daily, CNN, ABC)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI