Sau trào lưu "bỏ phố về vườn" là... bán tháo

13/04/2023 - 08:19

PNO - Vài năm trước, trong lĩnh vực bất động sản, rộ lên phong trào đi mua đất vườn. Bây giờ, nhiều người đua nhau bán đất vườn để cắt lỗ do không kham nổi lãi vay ngân hàng.

Tháo chạy khỏi đất vườn, đất đồi
Trên mạng xã hội Facebook, anh Hải đang rao bán 1.000m2 đất vườn ở tỉnh Đắk Nông. Anh cho biết đã vay ngân hàng 500 triệu đồng, mua nền đất này với giá hơn 800 triệu đồng với dự định sau này dưỡng già. Nay lãi suất tăng cao, thu nhập lại giảm nên anh không thể trả nổi cho ngân hàng, đành bán lại. Dù giá anh rao bán chỉ bằng giá mua nhưng hơn 2 tháng qua vẫn chưa bán được.

Lâm Đồng từng là tỉnh có đông người từ các nơi khác đến mua đất vườn thì nay cũng có đông người rao bán đất vườn. Chị Lan đang rao bán khu đất gần 1.000m2 trồng cây lâu năm (có 300m2 đất thổ cư) ở gần TP Bảo Lộc với giá 1,7 tỉ đồng, giảm 30% so với giá rao ban đầu. Trước đây, chị định mua lô đất này để xây biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần nhưng nay lãi ngân hàng lên cao, vợ chồng chị không gồng nổi nên đành bán cắt lỗ. 

Một chủ đất rao giảm giá bán cắt lỗ lô đất ở Lâm Đồng
Một chủ đất rao giảm giá bán cắt lỗ lô đất ở Lâm Đồng

Ngoài đất nông nghiệp, đất nền ở khu dân cư cũng đang được rao bán ồ ạt. Chị Ngọc rao hạ giá 300 triệu đồng cho lô đất 650m2 có sẵn 200m thổ cư, góc 2 mặt tiền đường Lý Thái Tổ, xã Đam Bri, TP Bảo Lộc (từ 1,9 tỉ đồng xuống còn 1,6 tỉ đồng). Anh Chánh rao bán khu đất thổ cư 210m2 ở cùng xã với giá 1,8 tỉ đồng, giảm 300 triệu đồng so với giá đã mua. 

Ở tỉnh Bình Phước - nơi từng có hoạt động mua, bán đất nền rất sôi động trong năm 2022 - nay cũng có nhiều người rao bán đất nền cắt lỗ nhưng chẳng mấy người mua. 

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam, hiện tượng giảm giá đất nền, đất vườn, đất đồi xuất hiện từ quý IV/2022 và nay dần trở thành “làn sóng”. Ban đầu, mức giảm khoảng 100-300 triệu đồng/lô, nay giảm từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Việc giảm giá diễn ra phổ biến ở các khu vực từng sốt đất như các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Hòa Bình và các huyện Ba Vì, Sóc Sơn của TP Hà Nội. Ở những vùng này, mặt bằng giá đã tăng 30 - 50%, thậm chí tăng gấp 2-3 lần so với năm 2019. 

Người mua cần tìm hiểu kỹ

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam - cho rằng, việc vài năm trước, người ta đổ xô mua đất thổ cư hay đất nông nghiệp ở những khu vực mới nổi thực chất là đầu tư hoặc đầu cơ chứ không có nhu cầu ở thực. Khi lãi suất ngân hàng tăng, họ phải tìm cách bán lại khoản đầu tư này để tránh áp lực trả lãi vay ngân hàng. Lúc này, hạn mức tín dụng bị hạn chế, điều kiện cho vay khó hơn khiến dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản bị tắc. Do đó, người bán phải giảm giá để kích cầu.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Việt An Hòa - chia sẻ, do các loại hình bất động sản nói chung đều đứng giá hoặc giảm giá nên đây là thời điểm tốt để mua vào. Tuy nhiên, đối với đất nền, đất thổ cư và đất nông nghiệp, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về quy hoạch tổng thể khu vực và ở vị trí mảnh đất cần mua cũng như yếu tố pháp lý, đánh giá kỹ năng lực tài chính của mình, yếu tố cung cầu và khả năng sử dụng, khai thác của tài sản đó trước khi quyết định mua.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, vài năm trước, “bỏ phố về vườn” là trào lưu, một số người về tỉnh mua đất để được giá thì bán lại, không được giá thì xây nhà để ở, tạm xa phố thị ngột ngạt. Tuy nhiên, người mua đất lại quên tính đến việc những khu vực đó hạn chế về điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch... Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế, tài chính nên hiện nhiều người cùng đổ xô bán đất, dẫn đến cung vượt cầu. Các sản phẩm bất động sản này ế ẩm bởi chúng không tạo ra dòng tiền. 

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI