Sau trận ốm mới biết thương thân

17/03/2021 - 10:30

PNO - Nhìn vào gương, chị thấy mình tàn tạ đến chừng nào khi mới gần bốn mươi tuổi. Sau một trận ốm, chị chợt nhận ra, không ai thương mình bằng chính mình…

Chị luôn được khen là người phụ nữ đảm đang tháo vát, giỏi việc cơ quan lại chu toàn việc nhà. Mỗi lần về quê, nghe tiếng mẹ chồng nhắc nhở mấy đứa em cùng các cháu: “Tụi bây cứ nhìn chị Hoa mà học theo”, chị lại vui trong lòng. 

Với chị, muốn người khác thương mình, trước hết mình phải sống tốt. Chị không bao giờ phân biệt nội ngoại, việc gì cũng dốc lòng lo lắng chu đáo. Nhà chồng có bốn chị em dâu nhưng việc gì cũng đến tay chị.

Mỗi lần giỗ chạp, dù một mâm cơm cúng hay đãi khách mấy chục mâm, mọi người đều chờ chị về sắp xếp chợ búa, nấu nướng. Chẳng những lo việc nhà, chị còn cáng đáng cả chuyện kinh tế.

Chồng chị là nhân viên văn phòng một sở thuộc tỉnh, cứ đều đặn ba năm lên một bậc lương và không có thêm nguồn thu nào. Ngoài việc dạy ở trường, chị phải làm đủ nghề để kiếm thêm. Đến mùa lễ tết, chị lao vào buôn bán. Mùa thi, chị mở lớp dạy kèm. Quanh năm, chị làm việc đều đặn như một con thoi, chẳng giây phút nào nghỉ ngơi…

Sau trận ốm chị mới biết thương mình - Ảnh minh hoạ
Sau trận ốm chị mới biết thương mình - Ảnh minh hoạ

Nhờ thế, khi chồng cần tiền để sửa xe, chị đưa liền; mẹ chồng gọi điện nhắc tiền góp xây mộ ông bà, chị chuyển khoản ngay; em chồng thiếu tiền xây nhà, chị cho vay không ngần ngại.

Mọi người tưởng chị giàu có nhưng mấy ai hiểu những đồng tiền đó là mồ hôi nước mắt của chị. Nó là kết quả của những buổi dạy thêm nói nhiều đến mức tắt tiếng, của những đêm hè thức khuya bóc hạt sen đến bật máu mấy đầu ngón tay, của những ngày chạy xuôi ngược giao hàng cho khách dưới trời nắng như lửa đốt sau giờ dạy. Chị ham việc đến mức bỏ bê bản thân. 

Lần đó, chị đang dạy trên lớp bỗng đau bụng dữ dội rồi buồn nôn, vừa chạy vào nhà vệ sinh thì máu trong miệng hộc ra cả bồn rửa, phải vào viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị bị xuất huyết dạ dày nhưng cần xét nghiệm theo dõi thêm.

Những ngày nằm trên giường bệnh, chị mới thấm thía cái giá phải trả cho việc coi thường sức khỏe.

Chồng chị không xin nghỉ phép để chăm vợ do đang đợt cao điểm thi đua, anh lại nhắm cái chức phó phòng đã lâu, nghỉ sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Anh chỉ tạt qua buổi sáng và tối, chỉ tấm giấy ghi số điện thoại căng-tin bệnh viện dán trên tường rồi bảo: “Ăn gì thì em tự gọi”.

Hai đứa con trai vốn đã quen được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ trở nên luống cuống khi mẹ vắng nhà. Chúng gọi điện liên tục, không phải để xem mẹ khỏe chưa mà chỉ để hỏi: “Đồng phục của con đâu vậy mẹ?”, “Trưa nay ba không về, con ăn gì để kịp đi học đây?”…

Cứ thế, chị loay hoay một mình ở viện, cũng may có cô bạn thân nấu cháo ngày ba bữa mang vào. Chị đau dạ dày như thế làm sao nuốt được cơm hộp ở căng-tin bệnh viện, chưa kể chị còn bị dị ứng với bột ngọt.

Ba ngày sau khi chị nhập viện, em dâu chở mẹ chồng lên thăm. Hai mẹ con chỉ đứng ở cửa hỏi thăm chứ không vào tận giường.

Cô em dâu rón rén đặt mấy hộp sữa lên bàn rồi xin phép về vì không ai trông con. Chị cứ nghĩ mẹ chồng sẽ ở lại với chị vài ngày, nào ngờ bà bảo: “Mẹ phải về ngay chứ đàn lợn mới đẻ không ai chăm được”.

Chị càng buồn hơn khi nghe mấy người cùng phòng bệnh kể rằng mẹ chồng và em dâu nghi chị bị bệnh lao mới ho ra máu, và họ không dám đến gần vì sợ bị lây.

Chỉ một tuần nằm viện mà bao nhiêu quan điểm sống, suy nghĩ của chị đảo lộn hoàn toàn. Cũng may, chị chỉ bị xuất huyết dạ dày nhẹ, điều trị một thời gian sẽ khỏi.

Chị ra viện vài ngày, cô bạn biết chị buồn, đến rủ chị đi gội đầu dưỡng sinh ở spa. Chị định không đi nhưng cô ấy rủ nhiệt tình, còn mua sẵn vé nên chị không nỡ từ chối.

Hai tiếng được chăm sóc da, gội đầu, mát-xa, chị thấy nhẹ nhõm hẳn. Lần đầu tiên thân thể chị được nâng niu, chăm sóc. Chị không ngờ có những nơi khiến mình thư thái đến thế.

Nhìn vào gương, chị thấy mình tàn tạ đến chừng nào khi mới gần bốn mươi tuổi. Sau một trận ốm, chị chợt nhận ra, không ai thương mình bằng chính mình… 

Lam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI