Lở đất Nhà Bè, những bản tin còn nóng, những cái nhìn còn chưa hết kinh hoàng. Nhưng đâu chỉ những người mới hôm qua hôm kia ù chạy trong tiếng thét khỏi ngôi nhà sập, mà hai năm trước, trong một đợt đất lở, nhà trôi, cũng có một đoàn người dắt díu nhau vạ vật trong những căn nhà tạm mà đến cái đinh muốn đóng để giăng màn cũng phải xin phép. Đến nay, họ vẫn ở nhà tạm, nhưng giấc ngủ không cồn cào bằng nỗi nhớ căn nhà xưa. Nước vẫn chảy. Đất vẫn lở. Những nỗi niềm cũ vẫn còn nguyên đó…
***
Chiều, bà Bảy mặc bộ bà ba, cắp cái nón ra ngồi chỗ cái ghế trước hiên, nói trống không: “Đứa nào rảnh chở má về coi cái gò còn bây lớn bây!”. Trong những cánh cửa phòng dọc mái hiên, con cháu, dâu rể cùng im lặng. Dãy nhà của năm gia đình, với 21 con người, mà như vắng tanh. Bà Bảy nhắc lại lần thứ ba. Dâu út bước ra, thưa: “Cái gò còn nguyên má ơi, ảnh mới về hôm qua đó!”. Bà Bảy thả phịch cái nón xuống nền, dằn dỗi: “Nhà tao tao không được ở mà bây kêu còn nguyên! Giờ má đi về nhà, có đứa nào chở má về không?”...
|
Dãy nhà với những bực chắn lũ bây giờ đã là chỗ ở của 21 người. |
Đi là “mất"
Những buổi chiều như thế đã trở thành nỗi ám ảnh với con cháu của bà Phan Thị Bảy suốt hai năm nay. Ngày lặng im, đêm trằn trọc, đến bữa chỉ ăn qua loa, mà cứ đến chiều, bà Bảy lại đòi “về thăm cái gò”. Bữa nào con cháu “cáo bận” được thì thôi, còn bữa nào hết lý do thoái thác thì phải có “đứa nào đó” nhận nhiệm vụ đưa bà đi. Rồi đến lúc trở về, bốn gia đình chung một mái hiên ấy lại chứng kiến cụ bà thẫn thờ ngồi khóc.
“Cái gò”, chính là mảnh đất tổ tiên có bốn căn nhà cũ sát mé sông, ở miệt ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM “từ cầu Mương Chuối đi xuống chừng cây số”. Mảnh đất đó bà Bảy thừa kế từ cha ruột, rồi lấy chồng, sinh bốn người con. Chồng mất, con cái lập gia đình, bà lại chia mảnh đất ra làm nhiều phần, “đứa nào muốn ra riêng thì cho một phần”. Mảnh đất rộng hàng trăm mét vuông dần trở thành chỗ ở của năm hộ gia đình, với bốn căn nhà quay ra sông, 19 nhân khẩu - đều là con, cháu của bà Bảy.
Chừng 10 năm trở lại đây, mé sông trước nhà thỉnh thoảng lại sạt đi một đoạn. Mỗi lần mảnh sân bị “cắt” đi một chút, bà Bảy lại sai con chạy lên xã báo cáo. Chuyện sụt lở đất như cơm bữa với dân sông nước, nên “cứ báo cáo xong rồi lại lo làm ăn, chừng nào sụt mất nhiều đất quá thì lại ở lùi về phía sau”. Đến 11 giờ đêm 24/5/2015, đang sửa soạn đi ngủ thì cô dâu út nghe hàng dây điện trước ngõ đứt kêu răng rắc. Chưa hoàn hồn, tiếng quẫy nước mạnh dữ dội vọng lại từ khúc sông phía trước, chiếc cột điện kéo cả hàng dây điện ngã nhào xuống sông.
Người lớn trong bốn căn nhà sấp ngửa chạy lên nhà trước thì con nước đã “liếm” vào đến sát hiên, chỉ còn lại nham nhở một khoảnh sân. Mấy chục mét đất, cùng cây cối, hàng rào đã trôi hết xuống sông. Từ căn nhà bên cạnh, anh Phan Văn Cường gào lên: “Nó sạt vô đến nhà rồi má cha ơi!”. Cả một khúc sông huyên náo tiếng người ta đánh thức nhau, gọi nhau “bỏ chạy”. Chạy ra đến đường lộ, bà Bảy lại chạy ngược lại phía sông, vô chính giữa gian phòng khách của mình, gào khóc.
|
Đến nhà tạm trong... bụng mẹ, bây giờ bé Trần Nguyễn Thùy Quyên đã hơn 2 tuổi |
Con sông vô tình, đến đúng đoạn có bốn căn nhà của mẹ con bà Bảy lại “liếm” vào một khúc sâu. Hết đường lùi, bốn gia đình đang tiến thoái lưỡng nan thì nhận được lệnh khẩn cấp di dời trong chuyến thăm của chính quyền xã Nhơn Đức. Chỗ ở mới là trạm y tế cũ của xã. Giữa lúc rối bời những đi ở, còn mất, con cháu lại nghe bà Bảy thẫn thờ, nói như đã quyết tâm: “Nhà còn đó, chỉ là… lơ lửng trước con nước. Nhưng đi lần này là coi như mất trắng”.
Chờ đến bao giờ?
Lúc tôi hỏi tìm “những gia đình tạm trú trong trạm y tế cũ xã Nhơn Đức”, người dân ngoài ngã tư Lê Văn Lương - Lê Bình đều lắc đầu: “Lâu lắm rồi, họ ở tạm thôi, sau đó về lại nhà mình rồi chứ!”. Tôi chuyển sang tìm “trạm y tế cũ”. Đến khi tôi bước xuống con dốc nối con lộ với khoảnh sân của trạm y tế cũ, người già, trẻ con đang mỗi người một việc trong một dãy nhà tươm tất đồ đạc. Sân phơi rợp quần áo người lớn, trẻ con. Cuộc “tạm định cư” của bốn gia đình đã bước sang năm thứ ba.
Trong căn nhà ẩm ướt vì mới qua một trận lũ, chị Nguyễn Thị Minh Thùy (33 tuổi), con dâu của bà Bảy chỉ đứa trẻ đang bước qua bước lại bực bê tông được xây thêm để chắn lũ, nói: “Hồi mới chuyển tới đây, con nhỏ còn ở trong bụng mẹ, giờ nó đã biết đi, biết nói rồi”.
|
Ngày 27/6 vừa qua, 5 căn nhà sát mép sông Rạch Giồng – Kinh Lộ, ấp 3, xã Hiệp Phước lại bị sạt lở xuống sông. |
Ngày mới đến, quanh trạm y tế cây cỏ cao quá đầu người. Ghe chở đồ vừa cập bến, đàn ông chia nhau người khuân vác đồ đạc, người phát quang. Phụ nữ cùng cọ rửa, dọn dẹp trong những căn phòng được cấp tạm. Bốn gia đình được cấp bốn phòng. Trong 19 người khi ấy có một cụ bà, 10 trẻ em và hai bà bầu. Bà Bảy được tính chung với gia đình con trai út, phân vào “phòng số 8”. Mỗi phòng rộng chừng 9-12m2. Chiều xuống, thủy triều dâng lênh láng, cả con đường phía trước và khu nhà ngập đến gối. Đồ đạc mang đến chưa kịp giở ra đã lật đật mang chất lên cao để… tránh lũ.
Chiều nào cũng vậy, khu nhà hoang lạnh chưa kịp dọn sạch đã ẩm ướt liên miên vì thủy triều. Chị Thùy còn nhớ, những ngày ấy ai nấy đều lặng im làm việc của mình, cả nhà không một tiếng chuyện trò. Lúc giở thùng xốp đựng dụng cụ nhà bếp ra, vừa thấy chén bát đã bể gần hết sau cuộc di dời, chị đang sững sờ thì đã nghe tiếng mẹ chồng gào khóc sau lưng: “bể hết, bể hết rồi con ơi!”.
“Vừa dọn vừa sống”, ở hết một tuần đầu, mọi người vẫn không dám đi vệ sinh vào ban đêm. Cả dãy nhà chỉ có một nơi có thể đặt bếp, bốn gia đình đành ăn chung. Nhưng cứ đến bữa ăn, người này lại phải gọi, dỗ dành người kia. Sẵn cảm giác “ở nhờ”, lại nghe bà con nhắc: “chỉ được ở, không được xâm hại tài sản nhà nước”, cả nhà từ bỏ luôn ý định đóng thêm mấy cây đinh để… mắc mùng. Cứ đêm đến, con trẻ khóc la vì bị muỗi cắn, người lớn dỗ con ngủ xong lại ra trước hiên ngồi, tính chuyện “về nhà”. Mãi đến khi giãi bày những bất tiện, được chủ tịch xã cho phép, mọi người mới dám... đóng đinh vào tường.
|
Nhà có tám người lớn, nhưng hết hai phụ nữ mang thai. Anh Phan Văn Cường, con trai cả của bà Bảy lại mắc bệnh tim, không thể lao động nặng. Mọi phần nặng nhọc dồn hết lên những người còn lại. Những đồng lương công nhân ít ỏi như muối bỏ bể trong một cuộc sống tạm không vườn tược, với 19 miệng ăn. Buổi tối, bà Bảy thức trắng. Thỉnh thoảng bước ra hiên, bà lại thấy con trai cả ngồi trầm ngâm hút thuốc.
Buổi sáng, trẻ con đi học, người lớn đi làm, những người còn lại trong nhà phụ nhau cọ rửa, sửa sang từng góc nhà. Thỉnh thoảng, anh Cường lại xách xe chạy đi, rồi mang về vài “thông tin trên xã”. Những tín hiệu mừng lần lượt trôi qua. Lời hứa nào cũng trôi đi vì “điều kiện chưa cho phép”. Nhưng, thấy vợ quần quật làm lụng, mẹ rầu rĩ bỏ ăn bỏ ngủ suốt mấy tháng trời mà không tin nổi rằng mình đã “mất nhà”, anh lại xách xe “chạy lên xã”. Có hôm, lên xã được vài chục phút, đến lúc trở về, anh phải dắt bộ, lội nước, vào đến nhà thì nước đã ngập đến gối vì thủy triều dâng.
Những “buổi chiều đầy ám ảnh” cứ xen kẽ nhau. Những hôm không bận bịu với thủy triều, bà Bảy lại cắp cái nón ra đứng chỗ hiên, đòi… “chở về coi cái gò còn bây lớn”. Đưa bà về gò, thấy nhà cũ còn trơ khung, mái tôn đã được giở đi hết theo đoàn di dời đợt ấy, con nước hồn nhiên trôi ngay trước hiên; không ai cầm lòng nổi. Dần dà, cứ nghe “về gò”, ai cũng từ chối.
Hai năm rồi, mỗi lần thủy triều dâng ngập hết khu trạm xá cũ, cái cảm giác “mình từng có nhà” lại trỗi dậy trong lòng những người mang mặc cảm “ở đậu”. Buổi chiều mới đây, sau khi nghe tin năm căn nhà ở Hiệp Phước vừa rơi vào cảnh ngộ bị nước sông cuốn trôi, chị Thùy lại phải đối diện với cơn thủy triều đang dâng ngập cả khu trạm xá cũ. Nước tràn qua khỏi bực xi măng chắn lũ, mấy mẹ con cùng nhau tát. Người tát ra, nước lớn lại tràn vào.
Tát được một chặp, chị Thùy nhìn sang mẹ chồng, buột miệng: “Mình cũng có nhà mà sao giờ mình phải ngồi đây tát nước hả mẹ?”. Bà Bảy buông cái ca nước, đứng dậy: “Thôi kệ nó, biết tát đến bao giờ hả con?”. Chị Thùy cũng đứng lên, ôm con ngồi trên giường. Đến chiều tối, thủy triều đã rút gần hết mà nước trong nhà vẫn còn đọng lại sau những bệ bê tông chắn lũ. Cả nhà lại lầm lũi chia nhau tát nước.
Suốt cả tháng nay, bà con rầm rì chuyện chính quyền xây lại bờ kè, gia cố lại toàn bộ mé sông. Cả khu trạm xá cũ lại khấp khởi. Bờ kè được xây lên, biết đâu cái gò cũ lại được phép ở. Nhưng, sau một lần “xách xe lên xã” trở về, anh Cường lại buồn bã thông báo “không có gì mới về khu đất”. Anh nhắc đi nhắc lại cái câu “đừng hy vọng để rồi thất vọng” trong cuộc rượu giữa trưa với một người bạn giữa hiên nhà. Từ “phòng số 8”, bà Bảy bước ra hiên.
Đi ngang mâm rượu của thằng con, bà dằn dỗi: “Má rầu muốn chết, bây sướng ích gì mà nhậu nhẹt!”. Anh Cường lè nhè: “Hai, ba năm rồi còn gì, rầu gì thì cũng phải sống chứ má ơi!". Bà Bảy ngồi phịch xuống cái ghế gần đó: “Sống cái gì, đến chết không biết có cái nhà mà về...”.
***
Lúc tôi quay xe ra khỏi sân, anh Cường đã ngà ngà say. Anh với theo, hỏi: “Rồi cưng tính sao?”. Tôi chưa kịp hiểu, anh đã trả lời: “Làm sao để tụi tui về nhà của mình được đây? Nhà đó, người đây, mà sao phải ở tạm quanh năm vầy? Đến cái rau cũng không trồng được mà ăn nữa”. Thấy tôi còn đứng đó, bà Bảy lật đật chạy ra, “đính chính”: “Cũng không đến nỗi đâu cô. Hồi mới mất nhà, chính quyền có hỗ trợ theo đầu người, cộng dồn 19 người được hơn 27 triệu. Đó giờ có đói khát gì tui cũng không cho sắp nhỏ đụng vô. Còn số tiền đó, chừng nào được về nhà, tui cũng có cái để mà lo”...
Minh Trâm