Sau tết, TPHCM cần hơn 55.000 chỗ làm việc

06/02/2025 - 16:54

PNO - Tết Ất Tỵ 2025, TPHCM đảm bảo chăm lo đầy đủ cho hơn 1,3 triệu người dân, với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực sau tết cần hơn 55.000 chỗ làm việc.

Tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 6/2, bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết, tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TPHCM đã dành nguồn kinh phí gần 1.295,6 tỉ đồng để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tăng hơn 1,435 tỉ đồng so với năm trước.

Chương trình chăm lo được triển khai trên diện rộng, hỗ trợ hơn 1,33 triệu lượt người thuộc các nhóm chính sách, bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em và cán bộ, công chức, viên chức.

LĐLĐ TPHCM tặng vé tàu lửa đưa người lao động về quê ăn tết năm 2024 - Ảnh: Ngọc Trăm
LĐLĐ TPHCM tặng vé tàu lửa đưa người lao động về quê ăn tết năm 2024 - Ảnh: Ngọc Trăm

Nguồn kinh phí này được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó ngân sách TPHCM chiếm phần lớn, tập trung vào hỗ trợ người có công, bảo trợ xã hội, chúc thọ người cao tuổi, tặng quà cho các trạm y tế, khu phố và chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, ngân sách Trung ương đóng góp hơn 16 tỉ đồng, ngân sách quận, huyện và TP Thủ Đức là hơn 42 tỉ đồng. Đáng chú ý, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp và mạnh thường quân cũng tham gia tích cực với số tiền hơn 283 tỉ đồng, góp phần mang đến một cái tết ấm áp và đủ đầy cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính, lãnh đạo TPHCM cùng các sở, ban, ngành còn trực tiếp đến thăm hỏi, chúc tết các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ trực tết, cán bộ lão thành cách mạng và các địa phương kết nghĩa.

Năm nay, mức thưởng tết bình quân của người lao động tại TPHCM đạt khoảng 12,7 triệu đồng/người, nhỉnh hơn mức 12,3 triệu đồng của năm trước. Bên cạnh tiền thưởng, nhiều doanh nghiệp còn triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực như tặng quà tết, phiếu mua hàng, lì xì đầu năm, tổ chức xe đưa đón công nhân về quê, cũng như tổ chức tất niên và thăm hỏi lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đối với những công nhân không có điều kiện về quê sum họp, các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện tổ chức các hoạt động vui xuân ngay tại nơi làm việc, đảm bảo một mùa tết đủ đầy và ý nghĩa.

Sau kỳ nghỉ, đến mùng 8 tết, hơn 90% doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã trở lại hoạt động, với tỉ lệ lao động đi làm đạt khoảng 93%. Một số doanh nghiệp kéo dài kỳ nghỉ đến mùng 9 hoặc mùng 10 nhằm tạo điều kiện cho công nhân xa quê có thêm thời gian bên gia đình trước khi trở lại guồng quay sản xuất. Dự kiến, nhu cầu nhân lực sau tết cần khoảng từ 50.400 đến 55.500 chỗ làm việc.

Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao gồm may mặc - da giày, kinh doanh thương mại, hành chính - văn phòng, biên tập - phiên dịch, cơ khí - tự động hóa, vận tải - kho bãi, kế toán - kiểm toán, marketing… Trong đó, lao động ở độ tuổi từ 27 - 35 chiếm tỉ lệ cao nhất với 48,77%, tiếp theo là nhóm dưới 26 tuổi (28,77%). So với năm 2024, nhu cầu lao động sau tết tăng khoảng 7%, chủ yếu do xu hướng chuyển đổi công việc và nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường lao động sau tết, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp như theo dõi sát tình hình tuyển dụng, tổ chức các sàn giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng được triển khai kịp thời nhằm giúp người lao động sớm quay lại thị trường. Đồng thời, thành phố tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan như Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội, Mặt trận Tổ quốc, Công an TPHCM và Ban Quản lý các Khu chế xuất - KCN để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI