Bệnh vì cho bé ăn vô tội vạ
Tại khu khám bệnh ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đông nghẹt người. Nhiều trẻ ủ rũ trên tay mẹ, một số trẻ vừa được mẹ đút sữa, cháo đã nôn thốc nôn tháo. Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa sau Tết là hậu quả của việc cha mẹ để con ăn uống thoải mái, sinh hoạt không điều độ trong những ngày Tết.
Chị Trần Thị Phương (nhà ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) vừa thay đồ cho con gái 17 tháng tuổi, vừa than thở: “Chẳng biết con bé ăn trúng cái gì mà hai ngày nay ói, tiêu chảy suốt. Cho gì vô miệng cũng nôn ra, xì xoẹt ngày cả chục lần. Ban đầu thấy con ói 3-4 lần/ngày nên tôi cho uống men tiêu hóa".
Chị Phương tìm đủ cách trị tiêu chảy cho con như cho con uống lá ổi non, lá mơ lông, nhưng tình trạng không giảm. Đi khám phòng mạch gần nhà bé cũng không “cầm” nên nóng ruột quá đưa đến bệnh viện. Mới bệnh hai ngày mà bé sút hơn 1kg.
Tương tự, sau khi ăn Tết, bé Nguyễn Văn T. (3 tuổi, ở Long An) cũng bị ói, tiêu chảy liên tục. Ngay uống nước lọc bé cũng nôn ra hết. Sợ con bị mất nước, chị Yến - mẹ bé phải lấy xi lanh bơm từng giọt vào miệng con.
Chị Yến kể: “Do bận rộn và cũng để tập cho bé làm quen với nhiều thức ăn nên tết này tôi cho bé ăn chung với người lớn. Bé khá dễ ăn nên gặp món gì cũng ăn và suốt ngày ăn vặt, uống nhiều nước ngọt. Tôi hy vọng sau tết bé sẽ lên cân, nào ngờ bé lại bị rối loạn tiêu hóa".
Cũng theo chị Yến: "Bình thường, con khó tiêu tôi cho uống nước gừng là hết, lần này chẳng ăn thua. Thằng bé rất hiếu động, vậy mà hai ngày nay mệt đừ, sáng nay bé bị sốt nên tôi đưa lên đây khám. Kết quả là bé bị nhiễm trùng đường ruột. BS yêu cầu ở lại theo dõi đến chiều, nếu ổn thì cho điều trị ngoại trú”.
Khi nói đến rối loạn tiêu hóa, nhiều cha mẹ chỉ lo trẻ bị tiêu chảy, nôn ói, nhưng theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, sau Tết có một bệnh lý rất hay gặp ở trẻ mà cha mẹ chủ quan là táo bón. Khá nhiều trẻ sau Tết bị táo bón nghiêm trọng, nhiều ngày liên tục không đi ngoài, khiến bụng đầy, trướng lên, rất khó chịu.
Bé Nguyễn Chí T. (4 tuổi, ở P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM) vốn bị bón, 3-5 ngày mới đi ngoài một lần, Tết về nhà ngoại, bé được ăn uống thỏa thích, toàn những món chiên, đồ khô và thức ăn nhanh, lại uống nhiều nước ngọt nên tình trạng “táo” càng nặng. Bé muốn đi ngoài, nhưng rặn ị một lát là đau rát nên chỉ ngồi khóc và nhịn luôn. Đến ngày thứ 7, mẹ bé phải dùng dụng cụ bơm mới giải phóng được “ùn tắc” và đưa đến bệnh viện khám.
Uống nước, ăn rau: “Chiêu cũ” xin đừng quên
Với những trẻ bị táo bón đang phải uống thuốc điều trị, sau dịp Tết, tình hình càng xấu hơn, nhiều bé phải vào bệnh viện thụt tháo. Ngày tết, trẻ hay bị “ăn lệch”, với nhiều thực phẩm chiên, thức ăn nhanh, nước ngọt mà thiếu rau, trái cây, nước lọc nên “táo càng thêm táo”.
Khi bị táo, trẻ sẽ ngại đi ngoài, khiến phân ở trong ruột lâu, trở nên khô, rắn lại, khi trẻ đi ngoài dễ bị rách hậu môn, chảy máu và bị đau. Vì vậy, có nhiều trẻ chỉ nhìn thấy bô đã sợ hãi và nhịn luôn nên dẫn đến táo bón mãn tính, són phân, khiến trẻ cáu bẳn, tự ti, tự cô lập mình, khó hòa nhập với bạn bè.
Với trẻ nhỏ thì táo bón ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, vì trẻ không đi tiêu được, khiến chất độc ứ lại, làm trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, hay phân ứ lại có thể kích thích gây viêm trực tràng…
Dù táo bón ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tinh thần của trẻ, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chủ quan. Bác sĩ Phúc kể, có trường hợp sau Tết thấy con đau bụng dữ dội, mẹ tưởng con bị đau ruột thừa, nhưng khi vào bệnh viện khám mới biết trẻ bị đau do táo bón lâu ngày, phân cứng khiến trẻ khó chịu, đau bụng.
Để phòng ngừa táo bón, bác sĩ Hoàng Lê Phúc khuyên: cần cho trẻ uống đủ nước (không nhất thiết phải quá nhiều nước, vì uống nước nhiều sẽ khiến trẻ đầy bụng, không ăn được nhiều sẽ thiếu hụt dinh dưỡng, chậm phát triển. Hơn nữa, trẻ suy dinh dưỡng sẽ không đủ sức để rặn khi đi ngoài, càng làm tình trạng bón nặng nề).
Cha mẹ cũng cần cho trẻ ăn cân bằng với đầy đủ bốn nhóm chất: đạm, chất xơ, tinh bột, chất béo và cần tập cho trẻ đi ngoài mỗi ngày. Với những trẻ đang điều trị táo bón, việc uống thuốc và ăn uống cân bằng phải giữ liên tục và dài hạn, nếu ngưng thuốc giữa chừng sẽ khiến việc điều trị càng khó khăn và trẻ táo bón nặng hơn.
Lưu ý: khi trẻ bị bón, phụ huynh không được tự ý điều trị hay thụt tháo cho trẻ, vì có thể làm trẻ mất phản xạ đi ngoài hay thụt tháo không đúng cách khiến trẻ rách hậu môn, trực tràng. Với những trẻ bị tiêu chảy, hơn 90% trường hợp có thể xử trí tại nhà.
Phụ huynh cần chú ý ba nguyên tắc: trẻ phải uống nhiều hơn để ngừa mất nước; trẻ phải ăn nhiều hơn để có sức, mau phục hồi niêm mạc và tăng trưởng; những trường hợp bé có sốt cao khó hạ, đi tiêu phân có máu, tiêu chảy chuyển sang kiết lỵ, trẻ khát nước nhiều, uống nước liên tục, khóc không có nước mắt, trẻ ngủ li bì khó đánh thức, bị co giật phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Thùy Dương