Sau Tết Nguyên đán, trẻ từ 3 - 6 tuổi tại TPHCM sẽ đến trường đầu tiên

19/01/2022 - 10:43

PNO - Tại cuộc họp giao ban mầm non do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sáng 19/1, Bà Lương Thị Hồng Điệp (Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, dự kiến thời gian đầu TP sẽ chỉ tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo từ 3-6 tuổi để đảm bảo an toàn và từng bước thích ứng linh hoạt, xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra trong cơ sở giáo dục mầm non.

Chia sẻ cụ thể về kế hoạch đảm bảo an toàn đón trẻ trở lại trường sau Tết Nguyên đán, bà Lương Thị Hồng Điệp cho hay, thời gian này, các trường mầm non chuẩn bị điều kiện để tổ chức bữa ăn bán trú, tuy nhiên chưa tổ chức cho trẻ ăn sáng tại trường. Phân luồng và tổ chức đón, trả trẻ tại cổng trường hoặc các khu vực phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Hướng dẫn trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và một số nội dung về công tác phòng chống dịch COVID-19. Sử dụng tối đa diện tích phòng, nhóm để bố trí các hoạt động phù hợp, tránh tập trung đông trẻ vào một chỗ chơi. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung trẻ giữa các khối, lớp.

Về kế hoạch cụ thể khi đón trẻ, bà Lương Thị Hồng Điệp thông tin, trong ngày đầu tiên khi trẻ trở lại trường, giáo viên sẽ làm quen trẻ, hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác vệ sinh cá nhân (rửa tay, đeo khẩu trang, sát khuẩn đúng cách…). Đồng thời hướng dẫn trẻ sử dụng đồ dùng ăn uống cá nhân, đi vệ sinh đúng nơi quy định cũng như dạy trẻ kỹ năng và các quy tắc khi đến trường đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh...

Dự kiến trẻ từ 3 đến 6 tuổi tại TP.HCM sẽ đi học trước tiên
Dự kiến trẻ từ 3 - 6 tuổi tại TPHCM sẽ đi học trước 

Trong ngày thứ 2 sẽ tập trung giáo dục trẻ ý thức giữ gìn bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh (sốt, ho, mệt...), xử trí kịp thời qua việc trao đổi với giáo viên hoặc bạn. Tổ chức các trò chơi theo nhóm nhỏ tăng cường vận động, kết nối trẻ với trẻ, cô với trẻ.

Vào ngày thứ 3 khi trở lại trường, trẻ tiếp tục được củng cố các thói quen vệ sinh cá nhân, ý thức thực hiện 5K để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Tăng cường các hoạt động, trò chơi theo nhóm nhỏ để củng cố cho trẻ kiến thức và kỹ năng đã được hỗ trợ qua clip.

Ngày thứ 4 sẽ mở rộng các hoạt động giáo dục, chú trọng các vận động phát triển thể chất nhằm khích lệ tinh thần, tăng cường sức khỏe cho trẻ. Giúp trẻ nâng cao kỹ năng tự phục vụ bản thân và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ngày thứ 5 trường sẽ dạy trẻ nhận biết các thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, các kỹ năng sống thích ứng trong mùa dịch. Chú trọng tổ chức các hoạt động cốt lõi đảm bảo nội dung trong bộ tiêu chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 và hình thành kỹ năng học tập sau này. 

Bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh, sau mỗi tuần, phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND địa phương điều chỉnh phương án theo hướng mở dần với các lứa tuổi và phù hợp với tình hình thực tế.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, TPHCM có 622 cơ sở giáo dục mầm non được sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch. 1.331 cơ sở giáo dục mầm non ngừng hoạt động từ 3 đến 6 tháng, trong đó 468 cơ sở công lập, 863 cơ sở ngoài công lập và 1.766 cơ sở độc lập. Số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giải thể là 20 trường và 79 nhóm lớp.

Tổng số ca F0 ở bậc học này là 11.087 ca, trong đó có 5.813 trẻ và 5.274 cán bộ, giáo viên, nhân viên mắc bệnh. 9.858 ca đã được điều trị khỏi, 1.205 ca đang điều trị

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI