Sau Tết, người lao động Nghệ An đổ xô qua Lào, Trung Quốc làm việc

15/02/2017 - 11:34

PNO - Hết Tết, nhiều người dân tại Nghệ An lại đổ xô qua Lào, Trung Quốc để làm việc. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, mỗi năm Nghệ An có gần 30.000 lượt người làm giấy thông hành để sang Lào.

Hơn 10 ngày qua, hàng nghìn người dân tại Nghệ An đã đến Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh này làm giấy thông hành để sang Lào làm ăn. 

Khá lên nhờ sang Lào làm ăn

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, mỗi năm Nghệ An có gần 30.000 lượt người làm giấy thông hành để sang Lào. Số lượng người làm giấy thông hành sau Tết luôn tăng cao gấp nhiều lần khiến lực lượng chức năng phải tăng cường nhân lực, cũng như bàn tiếp nhận để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Vội vàng cầm trên tay tờ giấy thông hành vừa làm được để nhanh chân về quê chuẩn bị hành lý lên đường sang Lào cùng nhóm bạn, anh Trần Văn Hợp (22 tuổi) trú huyện Nam Đàn, Nghệ An, cho biết, ở quê không có việc làm. Anh nghe nhiều người rủ sang Lào phụ hồ nên cũng đi.

Làm việc vất vả, nhưng tích góp thì tháng cũng được 7-8 triệu đồng gửi về cho gia đình.

Theo anh Hợp, người lao động Việt Nam sang Lào làm đủ nghề, như buôn bán, cắt tóc, thợ hồ, khai thác gỗ, thợ cơ khí... với mức lương 6-10 triệu đồng mỗi tháng.

Sau Tet, nguoi lao dong Nghe An do xo qua Lao, Trung Quoc lam viec
Người lao động làm việc tại các công trường xây dựng ở Lào.

Tại Nghệ An, nhờ sang Lào làm việc mà đời sống của người dân nhiều xã, thị trấn tại huyện Yên Thành và Diễn Châu khá lên rõ nét.

Như tại xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) hiện có trên 1.400 lao động đang làm ăn, sinh sống tại Lào. Nhờ sang Lào làm ăn mà đời sống người dân ở đây khá giả hẳn. Diễn Tháp trở thành một trong những xã giàu nhất xứ Nghệ với các tòa “lâu đài” chọc trời và hàng trăm xe hơi tiền tỷ.

“Chui” qua Trung Quốc làm việc chui

Sau Tết, nhiều người dân tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành (Nghệ An) cũng đổ xô vượt biên sang Trung Quốc để làm việc chui. Chi phí bỏ ra thấp, không cần bất kỳ một giấy tờ nào khiến một lượng lớn lao động tại Nghệ An kéo sang đất nước này để làm việc.

Anh Trần Quốc L. (quê huyện Yên Thành) cho biết mỗi lần đi như thế anh chỉ phải mất 5 triệu đồng nộp cho “cò” để được sang Trung Quốc làm việc. Sau khi bắt xe khách ra đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), người lao động phải đi bộ qua các ngọn núi để vượt biên trước khi được ôtô đón đến nơi làm việc.

Đa số người lao động được “cò” đưa qua làm việc chủ yếu ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Châu… trong các xưởng sản xuất đồ chơi, đồ điện tử, phụ hồ…và phải làm việc quần quật 12 giờ mỗi ngày.

Mỗi tháng, trung bình người lao động làm việc 12 tiếng được nhận từ 8-9 triệu đồng, nhưng thường sau 2-3 tháng chủ mới trả lương.

“Nếu tích góp thì mỗi háng cũng có gần chục triệu, nhưng làm việc rất vất vả, lại phải sống chui lủi nếu không muốn bị công an bắt”, anh Phan Đ. nói.

Anh này cũng cho biết lao động làm chui tại Trung Quốc không có bất kỳ một giấy tờ nào hợp lệ, nên cũng thường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khi bị chủ quỵt tiền lương, nợ lương, bị công an bắt giam… mà không có bất kỳ một quyền lợi nào.

“Nói là vất vả và nhiều rủi ro nhưng do không có việc làm ổn định ở quê nên nhiều người vẫn kéo nhau đi rất đông”, anh Đ. nói.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI