Sau tết, bắt nhịp dạy và học online: Nghĩ “chiêu” để thu hút trò

22/02/2021 - 07:57

PNO - Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, học sinh tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành tiếp tục tạm dừng đến trường cho hết tháng Hai để phòng chống dịch COVID-19. Thay vào đó, thầy trò dạy và học bằng hình thức trực tuyến để việc học không bị gián đoạn.

Khó nhưng phải làm

Ngay sau kỳ nghỉ tết, học sinh tại TP.HCM và nhiều địa phương trở lại guồng quay học tập bằng hình thức học qua internet. Những chệch choạc khi chuyển từ học trong lớp sang học trên máy là không tránh khỏi. 

Nguyễn Hoàng Anh Thư, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh), cho biết: “Khi nghe tin phải học online tôi khá ngại, nhất là đang ở năm cuối cấp, cần chuẩn bị cho nhiều kỳ thi quan trọng. Vì học online, việc tiếp thu chắc chắn không được như học trong lớp. Khi mình có thắc mắc thì không dễ hỏi và được giải đáp ngay”.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du đang “lên lớp”
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du đang “lên lớp”

Theo học sinh này, cái khó đầu tiên là âm thanh. Một số bạn có sẵn laptop thì âm thanh có thể nghe trực tiếp, nhưng nhà Anh Thư chỉ có máy tính bàn nên phải mua thêm loa và webcam để học với thầy cô. Nhưng có hôm mạng ổn định thì học được trọn bài, hôm mạng không ổn định thì hình ảnh bị đứt đoạn, bài giảng cũng gián đoạn hoặc hiển thị chậm… 

Còn Bùi Nguyên Thư, học sinh lớp Chín Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), thừa nhận việc học trực tuyến không dễ dàng, dễ bị mất tập trung vào những thứ xung quanh. Chia sẻ trên màn hình không thể nào tiếp thu tốt bằng có thầy cô dạy trên lớp. Nguyên Thư thỉnh thoảng không “vào lớp” được khi phòng đầy, mạng yếu sẽ bị văng ra, phải cố gắng “nhảy vào” nhiều lần.

Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Thị Tuyết Minh, phụ huynh lớp Sáu tại TP.Thủ Đức, cho biết để học trực tuyến thì nhà phải có internet, máy tính hoặc điện thoại thông minh và phụ huynh phải có thời gian học cùng con. Nhiều phụ huynh phải đi làm ngay sau tết nên không quản lý con được, con ngồi vào máy nhưng lơ là, lo ra. Chưa kể, một số nhà chỉ có một cái laptop và phụ huynh phải mang đi làm…

Riêng con chị Minh được cho ID để đăng nhập nhưng ngày đầu tiên không vào được, bắt đầu tiết thứ hai mới đăng nhập được và ổn định sau đó. 

Việc dạy và học trực tuyến dù đã chuẩn bị trước nhưng cũng sẽ có những trục trặc khách quan về thiết bị, hạ tầng internet khi tất cả đồng loạt chuyển sang học online. Như Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) trong ngày đầu cũng có một số trường hợp bị trục trặc 7 phút do wifi chậm. Mỗi ngày có khoảng 20-25 học sinh vắng, có nhiều học sinh trường ngoài mượn tài khoản vào học bị phát hiện… 

Bà Phan Thị Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp), cho biết việc dạy và học trực tuyến không dễ nhưng cũng không lạ. Trước thời gian nghỉ tết một tuần, trường đã dạy học qua internet ở tuần 22. Qua tết, học sinh sẽ học tiếp chương trình của tuần 23, qua nhiều hình thức: online, offline, hệ thống giao bài. Tùy điều kiện, cha mẹ có thể chọn khung giờ học phù hợp với con và cha mẹ.

Khối 2, 3, 4, 5 khá thuận lợi vì đã làm quen. Tỷ lệ học sinh tham gia học, làm bài đạt 95%. Toàn trường chỉ còn khoảng 20 học sinh chưa thể tham gia do cha mẹ gửi về quê nên không có thiết bị học. Do đó, các cô gửi đường link, in sao bài giảng trọng tâm kiến thức cần truyền tải và bài tập gửi đến nhà cho các học sinh này. 

Nghĩ “chiêu” để thu hút trò
Không chỉ tập trung vào kiến thức, nhiều trường còn đưa kỹ năng, đố vui… vào dạy online để học sinh không chán khi học qua màn hình, và còn được giải phóng năng lượng trong thời gian ngừng học ở trường.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nói: “Trong thời gian này, học sinh không đến trường, hạn chế tiếp xúc nơi công cộng nên việc học tại nhà khiến các em có cảm giác bức bối, khó chịu, áp lực. Vì thế, nhà trường đưa kỹ năng sống vào dạy và tăng thời lượng lên gấp đôi so với bình thường. Chủ đề của những tiết học này sẽ tập trung vào các nội dung như giải phóng năng lượng tiêu cực, phát triển năng lượng tích cực…”.

Học sinh bắt nhịp học trực tuyến ngay sau kỳ nghỉ tết
Học sinh bắt nhịp học trực tuyến ngay sau kỳ nghỉ tết

Giáo viên môn công nghệ còn thực hiện clip dạy nấu ăn để học sinh truy cập vào website học. Ngoài ra, trường còn xây dựng “game” đố vui các môn toán, lý, hóa với giải thưởng quán quân là 100.000 đồng.

Năm nay, các trường và giáo viên đã có kinh nghiệm nên chủ động hơn, nhằm giúp học sinh hứng thú và tập trung khi học. Bắt đầu giờ dạy online bằng những clip ngắn, vui vẻ, nhẹ nhàng là cách thầy Huy Khôi, giáo viên Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp), đang áp dụng để học sinh không có cảm giác áp lực khi tham gia tiết học. Sau đó, thầy thường trò chuyện với học sinh rồi dần dần mới lồng ghép bài học vào. 

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Gò Vấp, cho rằng: với học sinh tiểu học, giáo viên không máy móc áp dụng một cách dạy trực tuyến, mà có thể đăng tải video để học sinh tải về xem… sẽ tạo sự hứng thú hơn. Người học có thể học mọi lúc mọi nơi thuận tiện khi rảnh, chứ không phải ngày nào cũng bắt buộc đúng giờ ngồi vào học. Điều này cũng giúp giải quyết khó khăn cho phụ huynh khi nhà chỉ có một máy tính mà có tới ba đứa con học.

“Phòng đã chỉ đạo các trường và giáo viên phải linh hoạt, chủ động xây dựng kế hoạch dạy hợp lý cho người học, và phụ huynh có thể giám sát việc học của con. Chúng ta ở tình thế “sống chung với lũ” nên rất cần sự phối hợp tốt, động viên, giám sát từ phụ huynh học sinh”, ông Thanh nói. 

Thanh Thanh - Phúc Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI