Sau sáp nhập tỉnh, không có đơn vị hành chính cấp xã nào được đặt tên Quảng Bình

25/04/2025 - 15:34

PNO - Sáng ngày 25/4, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức kỳ họp thứ 21 thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.

Tại kỳ họp, 100% đại biểu Hội đồng Nhân dân đã tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình năm 2025.

Theo đó Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình, sau khi sắp xếp tỉnh Quảng Bình còn lại 41 xã, phường (36 xã, 5 phường). Trong đó, thành phố Đồng Hới được sắp xếp thành 3 phường là phường Đồng Hới, Đồng Thuận và Đồng Sơn; thị xã Ba Đồn được sắp xếp thành 4 xã, phường là phường Ba Đồn, phường Bắc Gianh, xã Nam Gianh, xã Nam Ba Đồn. Tên gọi các xã phường ở tỉnh Quảng Bình không đặt theo số thứ tự.

Các đại biểu tham dự kỳ họp Hội đồng Nhân dân  sáng 25/4
Các đại biểu tham dự kỳ họp Hội đồng Nhân dân sáng 25/4 - Ảnh: V.M

Một số tên huyện, thị xã, thành phố được đặt tên cho xã mới để lưu giữ yếu tố lịch sử như phường Đồng Hới, xã Lệ Thủy, phường Ba Đồn, xã Minh Hóa, xã Tuyên Hóa, xã Quảng Trạch, xã Phong Nha, xã Quảng Ninh... Tỉnh Quảng Bình không có đơn vị hành chính cấp xã nào được đặt tên xã Quảng Bình.

Đối chiếu với các quy định liên quan, tỉnh Quảng Bình có 38/41 xã đạt tiêu chuẩn và 3/41 xã chưa đạt tiêu chuẩn do có yếu tố đặc thù là xã Thượng Trạch, xã Tuyên Sơn và xã Tân Thành.

Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình năm 2025. Kết quả có 143/144 đơn vị hành chính cấp xã có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 50% trở lên, trong đó 132 đơn vị hành chính có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tán thành chủ trương sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Bình và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Trị để thành lập tỉnh Quảng Trị; tỷ lệ tán thành đạt 100%. Tỉnh Quảng Trị (sau sắp xếp) có diện tích 12.699 km2, quy mô dân số hơn 1.845.000 người, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị (sau sắp xếp) đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị trung ương tích hợp quy hoạch tỉnh của 2 địa phương thành quy hoạch tổng thể tỉnh mới theo hướng sắp xếp, tái cấu trúc không gian phát triển, phân bổ lại nguồn lực giữa các vùng, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế, khắc phục tình trạng phát triển cục bộ hoặc chênh lệch vùng miền. Song song với việc đặt trung tâm hành chính - chính trị tại tỉnh Quảng Bình, trước mắt nghiên cứu để có thể duy trì một số bộ phận của các cơ quan, đơn vị làm việc tại trụ sở cũ, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động, vừa giảm gánh nặng chi phí di chuyển, thuê nhà ở và tạo điều kiện ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức.

Nguyễn Văn Phương -  Chủ tịch UBND TP  Huế  giải thích tên gọi các xã thuộc huyện A Lưới được đánh số tại  kỳ họp chuyên đề lần thứ 23 của HĐND thành phố Huế diễn ra sáng 25/4
Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Huế giải thích tên gọi các xã thuộc huyện A Lưới được đánh số tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 23 của HĐND thành phố Huế diễn ra sáng 25/4

Tại TP Huế kỳ họp chuyên đề lần thứ 23 của HĐND thành phố Huế diễn ra sáng 25/4 đã thông qua 20 nghị quyết. Đáng chú ý, các đại biểu đã thống nhất rất cao về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (Đề án) cấp xã. TP Huế tiến hành sắp xếp để tổ chức lại thành 40 ĐVHC cấp xã, gồm 21 phường và 19 xã. Kết quả này tương ứng với việc giảm 93 đơn vị (27 phường, 59 xã và 7 thị trấn), tức giảm khoảng 69,92% tổng số ĐVHC cấp xã.

Liên quan đến các ĐVHC cấp xã mới, thời gian qua có một số cử tri A Lưới băn khoăn về tên gọi. Thông tin vấn đề này ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Huế cho biết: Việc đặt tên ĐVHC mới chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, bởi trong quá trình sáp nhập, một tên gọi khó có thể bao quát đầy đủ tất cả các vùng, khu vực được nhập lại.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, khi địa phương đề xuất phương án đặt tên theo số thứ tự (từ A Lưới 1 đến A Lưới 5), đó là sự lựa chọn mang tính đại diện cao, đảm bảo tính nhận diện, dễ tiếp cận trong công tác quản lý hành chính, số hóa dữ liệu, đồng thời vẫn giữ được tên "A Lưới" thân thuộc. “Một số ý kiến mong muốn có thể bổ sung thêm yếu tố địa danh vào tên gọi để phản ánh đặc trưng từng vùng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc đặt tên ĐVHC đã được thực hiện rất chặt chẽ, công khai, dân chủ; quy trình lấy ý kiến được tổ chức kỹ lưỡng từ cơ sở, với sự tham gia tích cực của HĐND xã. Không thể nói rằng đại biểu cấp cơ sở thờ ơ với ý kiến của người dân” – ông Phương nhấn mạnh.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI