Bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho biết, trước đây, một số người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng sầu riêng của Thái Lan ngon hơn sầu riêng của Việt Nam, nhưng suy nghĩ này đang thay đổi. Trong dịp tết Quý Mão 2023, sầu riêng của Việt Nam rất được ưa chuộng, săn đón ở thị trường này. Công ty Chánh Thu dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023.
Nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đang kiểm tra chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu - Ảnh: DNCC
Vina T&T Group là 1 trong 25 công ty Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng sầu riêng xuất sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc công ty - cho hay, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu 1.500 container trái cây các loại sang Trung Quốc trong năm 2023, trong đó có khoảng 900 container sầu riêng (mỗi container khoảng 30 tấn). Từ tháng 1/2023, công ty bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này.
“Lâu nay, sầu riêng Việt Nam vẫn được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng ít người tiêu dùng Trung Quốc biết đến do chưa có thương hiệu rõ ràng. Hiện nay, sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, có thương hiệu rõ ràng, được giao dịch qua nhiều kênh phân phối hiện đại nên rất được ưa chuộng. Thái Lan đã xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhiều năm, có mạng lưới phân phối rộng lớn nhưng chúng ta cũng có lợi thế là có nguồn sầu riêng quanh năm, ở gần Trung Quốc hơn nên tiện lợi trong khâu vận chuyển, sầu riêng tươi ngon hơn. Nhiều khách hàng khen sầu riêng Việt Nam ngọt, béo, đậm đà, chín mềm và rất thơm” - ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Hiện mỗi tháng, Công ty Vinamit xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Từ tháng 10/2022, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc vượt qua cả thanh long. Về việc sầu riêng được người tiêu dùng Trung Quốc săn đón, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit - lý giải, sầu riêng được người Trung Quốc ví là loại trái cây “cung đình”, chỉ có nhà giàu mới được ăn, và người Thái đã bán sầu riêng ở Trung Quốc với giá cao suốt nhiều năm qua. Đến tháng 9/2022, Trung Quốc mới chính thức cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này.
Ông nói: “Giá sầu riêng của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với của Thái Lan. Trước đây, chúng ta phải bán sầu riêng cho Thái Lan, còn nay xuất thẳng sang Trung Quốc. Với giá bán sầu riêng của doanh nghiệp Việt thì giới trung lưu và bình dân ở Trung Quốc cũng tiếp cận được. Đây là lý do khiến sầu riêng hút hàng vào mùa tết vừa rồi”.
Cũng theo ông Nguyễn Lâm Viên, Trung Quốc có 6 tháng mùa nóng, 6 tháng mùa lạnh. Sầu riêng giàu năng lượng, có tính nóng, ăn vào mùa lạnh sẽ giúp cơ thể ấm hơn. Trái cây của Việt Nam nói chung thì hơn về sản lượng nhưng lại thua về chất lượng so với trái cây của Thái Lan, nhưng trái sầu riêng của Việt Nam lại có chất lượng không thua gì Thái Lan. Nếu nông dân Việt trồng theo lối hữu cơ thì sầu riêng Việt hoàn toàn ăn đứt sầu riêng Thái. “Việt Nam đang có cơ hội tốt để xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc và việc khai thác thị trường này chỉ mới bắt đầu” - ông Nguyễn Lâm Viên đánh giá.
Phải giữ vững thương hiệu
Sầu riêng đang dần trở thành loại trái cây Việt có giá trị xuất khẩu lớn nhất nhì sang Trung Quốc nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Việt Nam cần sớm thành lập hiệp hội cho từng ngành hàng để doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân có một sân chơi, có luật chơi rõ ràng, làm chủ được vùng trồng và thị trường, kiểm soát được số lượng, thống nhất giá bán, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư vào chất lượng trái. Hiệp hội cần có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp, đại diện chính quyền địa phương, có quy định cụ thể, chặt chẽ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên.
Hiện giá sầu riêng trong nước cũng đã tăng vọt
Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, nếu không có quan điểm rõ ràng, quyết liệt, thương nhân nước ngoài sẽ thao túng, làm địa chủ trên nền nông nghiệp của nước mình. Họ sẽ xây dựng trạm thu mua ngay tại vùng trồng, quyết định giá cả, số lượng. Do đó, Nhà nước cần có sự hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu rủi ro cho nông dân, doanh nghiệp.
Bà Ngô Tường Vy thông tin, hiện sầu riêng đang trái mùa, cung không đủ cầu nên giá cao. Nếu Thái Lan và Việt Nam trùng vụ, giá cả và sức mua sẽ khác. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc rất lớn nhưng mức giá, chất lượng phải phù hợp mới tiêu thụ được. Theo bà, sầu riêng của Thái Lan có chất lượng rất đồng đều. Cơ quan quản lý của Thái Lan đã cử người sang để giám sát, quản lý chất lượng sầu riêng của họ ở Trung Quốc. Nhờ lợi thế về địa lý, sầu riêng Việt Nam tươi ngon hơn, thời gian bảo quản lâu hơn, giá rẻ hơn nhưng chất lượng lại không đồng đều do chưa có tiêu chí rõ ràng để người trồng tuân thủ.
Tình trạng khiến bà Ngô Tường Vy lo ngại là, lúc được giá thì nhiều người trồng, thương lái đua nhau thu hoạch trái non, trái xấu để kiếm lời, gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam: “Tình trạng này xảy ra đối với trái cây nói chung, trong đó có sầu riêng. Cần phải xây dựng bộ tiêu chí, biện pháp chế tài để nông dân tuân thủ các tiêu chí chất lượng, kỹ thuật mà các doanh nghiệp yêu cầu. Nếu quản lý tốt, trái cây Việt Nam - trong đó có sầu riêng - mới cạnh tranh được và thắng trái cây Thái Lan”.
Ông Nguyễn Đình Tùng cảnh báo, sầu riêng đang có giá trị cao là do mã số vùng trồng chưa được cấp rộng rãi. Khi được cấp đại trà, sản lượng sầu riêng của Việt Nam và Thái Lan cùng tăng mạnh, sầu riêng cũng có thể chịu số phận dư thừa, ùn ứ như xoài, mít, thanh long. Do đó, nhất thiết phải kiểm soát chặt chẽ diện tích vùng trồng. Thay vì tăng diện tích, sản lượng thì nên chú trọng giữ vững thương hiệu, tuân thủ chặt chẽ quy định về chất lượng, độ an toàn của bên nhập khẩu.
Ông nói: “Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là tình trạng lạm phát trên toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, hành vi tiêu dùng thay đổi. Doanh nghiệp cũng không rõ chính sách mở cửa biên giới của Trung Quốc có ổn định hay không. Một thách thức khác là hạn mức tín dụng trong thời gian tới có thể sẽ hạn hẹp khiến doanh nghiệp xuất khẩu không có dòng tiền ổn định để xoay xở, xử lý đơn hàng cho đối tác. Do đó, với những ngành tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, đủ điều kiện vay thì nên có những cơ chế riêng để dòng tiền luân chuyển liên tục”.
Sầu riêng đứng đầu về giá trị xuất khẩu
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, trong tháng 10/2022, các mặt hàng rau, quả của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc lần lượt là sầu riêng (50 triệu USD, tăng 4.000% so với cùng kỳ năm 2021), thanh long (33 triệu USD, giảm 25,9%), mít (14,4 triệu USD, giảm 6,5%), chuối (10,5 triệu USD, tăng 77,4%)…
Từ nửa cuối tháng Chín đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 20.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc và đến hết tháng 12/2022, đạt khoảng 30.000 tấn. Đến nay, Việt Nam được phía Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng và đang xem xét khoảng 300 mã.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.
Lúng túng với công nghệ, bị trừ nhiều khoản phí khi được nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng nên một bộ phận người cao tuổi chỉ muốn nhận "tiền tươi".