Sau phản ứng tăng học phí đột ngột, Trường đại học Văn Lang định “co bóp” tín chỉ?

11/09/2020 - 07:34

PNO - Trường đại học Văn Lang vừa có báo cáo về học phí khóa 26 (tuyển sinh và nhập học năm 2020) đến Vụ Giáo dục ĐH Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi thí sinh trúng tuyển vào trường phản ứng việc trường tăng học phí đột ngột.

 

Học phí khóa 26 Trường đại học Văn Lang
Học phí khóa 26 Trường đại học Văn Lang

Giải thích với Bộ GD-ĐT, trường này cho biết mức học phí thu trong năm nhất khóa 26 như sau: đơn giá học phí tín chỉ đối với chương trình đào tạo tiêu chuẩn của đa phần các ngành từ 1.060.000-1.430.000 đồng (tùy ngành), học phí tín chỉ đối với chương trình tiêu chuẩn của các ngành đào tạo khối sức khỏe từ 1.380.000-4.480.000 đồng, học phí tín chỉ đối với chương trình hai văn bằng Pháp - Việt (Khoa Du lịch) 1.500.000 đồng, học phí tín chỉ đối với chương trình đào tạo đặc biệt từ 1.600.000-2.200.000 đồng (tùy ngành). Khối lượng chương trình đào tạo học kỳ I của từng ngành từ 14-19 tín chỉ.

Theo đó, mức học phí học kỳ I của đa phần các ngành đào tạo chương trình tiêu chuẩn từ 16.730.000-26.030.000 đồng. Riêng các ngành đào tạo khối sức khỏe, chương trình hai văn bằng Pháp-Việt, chương trình đào tạo đặc biệt, mức học phí học kỳ I từ 26.220.000-71.680.000 đồng.

Vừa qua, Trường ĐH Văn Lang công bố chính sách học phí cho khóa 26: là năm theo kế hoạch sẽ có nhiều cải tiến trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và trải nghiệm thực tế… nhằm đảm bảo giá trị tăng thêm cho sinh viên và đạt các chuẩn đầu ra theo yêu cầu thị trường, do đó đơn giá học phí tín chỉ của các năm học sau có thể sẽ thay đổi nhưng tăng không quá 8% so với đơn giá học phí tín chỉ của năm học trước đó. Ngày 31/8, trường thông tin cho thí sinh đăng ký xét tuyển và đủ điểm tuyển chi tiết về mức học phí nhập học của tất cả các ngành và chương trình đào tạo, để thí sinh có căn cứ quyết định phương án nhập học. Tại thời điểm thông báo thông tin học phí, nhà trường chưa gửi giấy báo nhập học cho thí sinh.

Tuy nhiên, trường cũng thừa nhận có một số điểm có thể gây khó khăn cho người học. Vì theo đề án tuyển sinh công khai trên website từ ngày 9/6, nhà trường công bố: “Đối với chương trình đào tạo tiêu chuẩn và chuẩn đầu ra đã công bố trên website của trường, mức học phí dự kiến dao động trong khoảng 15-20 triệu đồng/học kỳ”. Nhưng mức học phí chính thức của năm nhất khóa 26 có điều chỉnh tăng. Ngoài ra, thời điểm công bố thông tin học phí vào cuối tháng Tám sau khi nhiều thí sinh đã hoàn thành các đợt xét tuyển học bạ cũng như đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng bằng điểm thi tốt nghiệp THPT… cũng có thể gây khó khăn với những thí sinh chỉ lựa chọn xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang. 

Báo cáo này cũng cho biết: với các ngành học của chương trình tiêu chuẩn hiện có mức thu học phí học kỳ I có điều chỉnh cao hơn mức học phí đã công bố trong đề án tuyển sinh (cụ thể: cao hơn 20 triệu đồng/học kỳ), nhà trường có thể điều chỉnh số tín chỉ của chương trình đào tạo học kỳ I, đảm bảo mức thu học phí dao động từ 16-20 triệu đồng (trừ nhóm ngành sức khỏe và chương trình hai văn bằng Pháp - Việt).

Nếu thật sự dùng cách “co bóp” số tín chỉ của chương trình đào tạo học kỳ I để mức học phí mới bằng với mức học phí đã công bố trong đề án tuyển sinh thì nhà trường đang tạo ra hiện tượng không tăng học phí ảo cho người học. Bởi chương trình đào tạo được thiết kế với số lượng tín chỉ cụ thể bắt buộc sinh viên phải tích lũy đủ thì dù giảm số tín chỉ ở học kỳ I cũng phải hoàn thành số tín chỉ còn lại ở các học kỳ sau.

Giải pháp này chỉ có tác dụng đem khoản học phí sẽ (có vẻ) giảm ở học kỳ I sang đóng ở các học kỳ sau. Tổng học phí sinh viên phải đóng không thay đổi bởi đơn giá học phí tín chỉ được giữ nguyên và tổng số tín chỉ tích lũy vẫn y như cũ. Còn nếu điều chỉnh theo hướng giảm hẳn số tín chỉ ở học kỳ I mà không cần tích lũy thì vì sao lại đưa vào chương trình đào tạo? 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI