Cây xanh đường phố trơ cành
Những ngày đầu tháng 9/2020, hàng chục cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) bị những con sâu to ăn trụi lá. Loài sâu này có màu xanh lá cây, dài 3-5cm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đoạn giao lộ Kha Vạn Cân đến cầu Gò Dưa thuộc quận Thủ Đức, có 48 cây sao đen từ mã số 627 đến 721 bị sâu ăn trụi lá. Người dân địa phương cho biết, tình trạng sâu ăn lá xuất hiện trên đường này từ gần cuối tháng Tám.
|
Nhiều loài côn trùng âm thầm tấn công gốc khiến cây xanh trở thành mối hiểm họa cho người đi đường |
Đại diện Xí nghiệp 1 thuộc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh (CVCX) cho biết, trong quá trình khảo sát, theo dõi sức khỏe của cây, nhân viên công ty đã phát hiện nhiều sâu xanh ăn trụi lá nên đã kịp thời đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, việc chuẩn bị thuốc xịt diệt sâu không hề đơn giản. Các đơn vị chức năng phải chọn loại dung dịch phù hợp để vừa bảo vệ cây, xua đuổi được sâu, vừa bảo đảm không gây hại sức khỏe người đi đường.
Đến nay, Xí nghiệp 1 đã chọn được một loại thuốc sinh học, xịt khoảng 500 lít lên những cây bị sâu bệnh tấn công và cây xanh xung quanh để phòng ngừa. Hiện đơn vị này đang theo dõi, nếu vẫn còn thì sẽ tổ chức phun thuốc thêm một lần nữa trong 7-10 ngày tới.
Theo một chuyên gia lâm nghiệp ở TPHCM, loài sâu xanh nói trên đã xuất hiện và tấn công cây xanh ở TPHCM từ vài năm trước. Hai, ba năm gần đây, tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng xuất hiện tình trạng sâu bệnh tấn công cây xanh trên đường phố. Kiểu thời tiết thất thường như hiện nay là điều kiện để sâu bệnh phát triển và tàn phá cây xanh.
Theo báo cáo của Công ty CVCX về công tác chăm sóc, phát triển, bảo tồn cây xanh ở TPHCM, sâu bệnh gây hại đối với cây xanh đường phố và các khu vực công cộng đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Những năm gần đây, tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Ngoài tình trạng sâu ăn lá trên cây sao đen, công ty cũng ghi nhận tình trạng rệp sáp và mối trên cây long não, sâu đục thân trên cây muồng hoa đào, sâu đục vỏ thân cây dầu rái, sâu bệnh trên cây kèn hồng…
Cây xanh bị sâu bệnh xâm hại thì chất lượng suy giảm, rất dễ bị gãy, đổ. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về biện pháp phòng, trừ sâu bệnh cũng như quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật. Do đó, các đơn vị chức năng bị động khi xử lý tình trạng sâu bệnh tàn phá cây xanh.
Chưa có quy hoạch về loài cây trồng ở đô thị
Theo báo cáo của Công ty CVCX, hiện đơn vị này đang chăm sóc khoảng 100.000 cây xanh ở TPHCM. Trong đó, có khoảng 96.000 cây xanh thuộc 140 loài trên các vỉa hè, tuyến đường, dải phân cách. Những năm gần đây, đơn vị chức năng cũng ghi nhận nhiều vụ xâm hại cây xanh do thi công vỉa hè, thi công lưới điện, cống thoát nước và do cố ý hủy hoại.
Các vụ xâm hại nói trên khiến chất lượng cây xanh đường phố bị giảm sút, dễ ngã đổ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Theo báo cáo của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Gò Vấp, trong những ngày đầu tháng Chín vừa qua, đơn vị đã tham gia cứu hộ nhiều vụ gãy cây xanh trên địa bàn.
Chiều 6/9, đơn vị đã cử cán bộ xuống nhà A1 Quang Trung, phường 3, đưa anh Trương Văn T. đi cấp cứu do cây đổ, đè bị thương và dọn dẹp hiện trường để đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Ngay sau đó, đơn vị lại đến trước số 52 đường số 4, phường 7 để xử lý cây xanh ngã, đổ. Sáng hôm sau, đơn vị tiếp tục xử lý vụ ngã, đổ cây trước khu dân cư City Land, phường 7.
Được biết, hiện TPHCM chỉ mới lập quy hoạch về không gian xanh (đất trồng cây xanh) mà chưa lập quy hoạch về loài cây trồng ở đô thị, nhất là những loài cây phù hợp trên các tuyến đường. Do đó, theo các chuyên gia, việc cải tạo, thay thế cây già cỗi, sâu bệnh, hư mục không thể bài bản. Kế hoạch cải tạo, thay thế, trồng mới cây xanh chỉ được xây dựng và thông qua hằng năm chứ chưa có kế hoạch dài hạn; việc lựa chọn cây trồng thay thế tùy thuộc vào nguồn cây đang có sẵn với một số chủng loại quen thuộc, phổ biến trên thị trường.
Việc lập quy hoạch về loài cây trồng đô thị sẽ là “bài thuốc” giúp cây xanh đường phố ở TPHCM phát triển bền vững.
Đốn bỏ cây bệnh trước mùa mưa bão
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2020. Văn bản này yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM kiểm tra, rà soát để đốn hạ những cây xanh ở đường phố, công viên bị sâu bệnh, già cỗi, mục thân, nghiêng; tỉa bỏ nhánh khô, cắt gọn những cây có bộ tán lớn, có nguy cơ bị gãy cành trên những tuyến đường tập trung nhiều phương tiện tham gia giao thông, khu vực tập trung đông người.
|
Không được tùy tiện xử lý cây xanh trong dự án
UBND TPHCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng công trình. UBND TPHCM yêu cầu, ngay từ bước lập dự án xây dựng, các đơn vị phải khảo sát hệ thống cây xanh hiện hữu xung quanh công trình và nghiên cứu, đề xuất giải pháp, phương án thiết kế phù hợp để hạn chế ảnh hưởng, di dời, đốn hạ cây xanh, nhất là cổ thụ, cây bảo tồn, cây có giá trị về văn hóa, lịch sử.
Tất cả các loại dự án có ảnh hưởng đến cây xanh công cộng (trên đường phố, hẻm, ven sông, kênh rạch, dải phân cách, nút giao thông…) do nhà nước, đơn vị, tổ chức quản lý hoặc được giao quản lý đều phải thực hiện quy định này.
UBND TPHCM giao Sở Xây dựng làm đầu mối tiếp nhận, tham mưu về phương án xử lý cây xanh đối với nhóm, loại cây xanh thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TPHCM; giao Sở Xây dựng phối hợp với chủ đầu tư lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM hoặc các viện, trường đại học chuyên ngành và ý kiến của các tổ chức chính trị, đoàn thể, người dân đối với các hàng cây có giá trị văn hóa, lịch sử, cây di sản, cây bảo tồn…
|
Hoàng Lâm