“Giờ ba lẫn, không nhớ rõ gì đâu. Lúc trước hồi nhớ, hồi không. Những lần tỉnh táo ba hay nhắc đình Thanh Sơn, miếu, cổng làng, cây đa… Có lúc thì vẻ mặt hốt hoảng, sợ sệt” - bao năm sống bên ba, ký ức của chị Hà là nỗi khắc khoải, ám ảnh về nguồn cội.
Tìm đường về nhà
Chập choạng chiều cuối đông tháng 10, rời khỏi trụ sở ủy ban xã, chiếc ô tô bốn chỗ chạy chầm chậm trên đường quê. Trời xám xịt, thoáng chốc bóng đêm phủ mịt. Chiếc xe dò đường. Qua ngã ba, ngã tư xe dừng lại định hướng rồi tiếp tục lăn bánh.
Bóng đêm phủ dần trên chiếc ô tô màu bạc, chỉ còn ánh đèn xe dẫn lối. Rẽ vào xóm ở một khúc cua, ô tô dừng lại trước căn nhà nhỏ. Bốn người trung niên dìu hai người đàn ông bước xuống xe. Cụ ông dong dỏng cao, tóc bạc trắng, thanh toát cùng người lục tuần đậm thấp, tóc sương đi vào nhà.
|
Danh chỉ bản vân tay của “liệt sĩ” Phan Long Nghê năm 1973 và hiện tại trùng khớp hoàn toàn. Ảnh: Nam Minh |
Cầm di ảnh trên bàn thờ, bằng Tổ quốc ghi công, người đàn ông nhìn chăm chăm, ngẩn ngơ rồi quay sang nhìn những người bên cạnh, thoáng chốc lại nhìn di ảnh và cười. “Ba biết hình ai đấy không? Ba nhớ không?”. Người đàn ông lắc đầu. “Đây là ảnh thờ của ba, liệt sĩ Phan Long Nghê, đây là bằng Tổ quốc ghi công của ba đấy”. Mặc cho con gái cố gợi, người đàn ông vẫn ngẩn ngơ, cười hiền.
Chị Hà thở dài: “Ba bị đánh nặng thế, móp cả sọ sao mà nhớ gì được. Cũng may là tìm được về nhà”.
Nhìn người đàn ông bên cạnh, nhìn bức chân dung liệt sĩ, trong nhất thời, chị vẫn chưa thể nhận ra mối tương quan giữa người già và chàng trai trẻ trong di ảnh. Và chị càng không thể tin cả gia đình tìm về quê hương, nguồn cội sau bao năm lang bạt.
Chị Phan Thị Thúy Hà là con thứ tư trong gia đình có sáu anh chị em, sinh sống tại Đà Nẵng. Từ ký ức mơ hồ của cha, chị chỉ biết quê hương xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Sau mấy mươi năm, cơ duyên đã giúp gia đình chị tìm được quê cha, dòng tộc.
Tháng 9/2018, gia đình chị làm hồ sơ lý lịch cho con trai kết nạp Đảng. Hồ sơ gửi về xã Phổ Cường xác minh lý lịch cha chị là ông Phan Long Nghệ, để hoàn tất thủ tục cho con trai.
Từ đơn xác minh, các cấp thôn, xã lần tìm, truy lục hồ sơ vẫn không tìm được người có tên Phan Long Nghệ. Là vùng đất cách mạng, xã Phổ Cường không quá lớn hay khó khăn trong việc tìm kiếm, xác nhận nhân thân, quê hương.
“Thôn xã truy lục hồ sơ nhưng họ khẳng định không có ai là Phan Long Nghệ làm nông, từng sinh sống ở đây. Chỉ có người tên Phan Long Nghê, nhưng là liệt sĩ, hy sinh lâu lắm rồi”, chị Thúy Hà nhớ lại.
Mọi thứ dường như bế tắc. Manh mối duy nhất là tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng tộc, cao niên dòng họ thôn, xã. Từ sự tha thiết của gia đình, chính quyền địa phương đã kết nối gia đình chị Hà với người thân, dòng tộc Phan Long.
|
“Liệt sĩ” Phan Long Nghê đoàn tụ cùng gia đình ở quê hương. Ảnh: Nam Minh |
“Lúc xã điện thoại cho tôi hỏi về người tên Phan Long Nghệ, tôi khẳng định ngay là không có người tên này. Tôi đề nghị gửi hồ sơ xem có giúp được gì không. Khi nhìn ảnh của người tên Phan Long Nghệ tôi không tin vào mắt mình. Tôi linh tính và đoán chắc là Phan Long Nghê còn sống chứ chưa hy sinh”, cụ Phan Công Chánh chăm chú nhìn người đàn ông đang ôm di ảnh.
Gần nửa thế kỷ là thời gian dài để mọi nỗi đau lắng dịu. Với gia đình, dòng tộc, sự trở về đột ngột của “liệt sĩ” Phan Long Nghê xa lạ, ngỡ ngàng đến khó tin. Trích lục, tra cứu tàng thư lưu trữ thông tin năm 1973, địch bắt giữ một người đàn ông lang thang tên Phan Long Nghệ. Thấy người đàn ông tâm thần bất ổn, thương tích tàn phế địch đã thả vài ngày sau đó.
“Một người đã hy sinh năm mươi năm trở về là ngoài sức tưởng tượng của gia đình. Để có cơ sở chắc chắn, chúng tôi đã nhờ hỗ trợ của Công an tỉnh Quảng Ngãi. Khi đối chiếu danh chỉ bản là dấu vấn tay hiện tại của Nghê với vân tay lưu trong tàng thư năm 1973 thì khớp hoàn toàn”, cụ Chánh khẳng định.
Tóc bạc trắng, đôi mắt tinh anh, cụ vẫn giữ được phong thái thanh toát, minh mẫn của người từng trải chiến trường. Tuổi 90 xế chiều, cụ Chánh không thể tin được mình còn gặp lại Phan Long Nghê - cháu ruột và là người cụ đích thân dẫn dắt đi theo cách mạng hơn năm mươi năm thế kỷ trước. Những tháng ngày chiến đấu, chuyện chiến trường ẩn sâu trong ký ức ông hiển hiện.
Ký ức... ám ảnh
Sinh năm 1945 ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), năm 16 tuổi, chàng trai trẻ Phan Long Nghê tham gia đội du kích tập trung của xã. Nhiều trận càn quét, tấn công vùng căn cứ tại Đức Phổ của địch khiến việc liên lạc, vận chuyển lương thực cho quân giải phóng, cho nhân dân gặp nhiều khó khăn.
“Năm 1966 bác bị thương, được điều về Trường phân hiệu đào tạo cán bộ thông tin Quân khu 5, đóng tại xã Sơn Màu, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Đợt đó sau khi về thăm nhà lên lại đơn vị thì gặp địch càn nên bác đề nghị xã cho Nghê dẫn đường đưa lên căn cứ. Cuộc càn kéo dài Nghê không về được, bác giữ lại đơn vị”, cụ Phan Công Chánh hồi tưởng.
|
Ông Phan Long Nghê bên bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh của chính mình. Ành: Nam Minh |
Năm 1969, Phan Long Nghê tham gia lớp Trung đội trưởng Thông tin, khóa 4 đào tạo sơ cấp Trường Thông tin Quân khu 5. Sau khi hoàn thành khóa học, người lính trẻ được điều về công tác tại Đại đội 506a, Tỉnh đội Quảng Ngãi (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi).
Trong một chuyến chuyển gạo cuối năm 1969, Nghê đi trước trinh sát dẫn đường, vừa qua khỏi đèo Đồng Ngô thì bị địch phục kích bắn dữ dội. Nghê bị bắt giữ, cả đoàn tải gạo rút về hướng Hành Tín, huyện Nghĩa Hành. Địch tra tấn, hành hạ và dùng mọi thủ đoạn để Nghê khai căn cứ, đơn vị hoạt động.
Lo sợ lộ bí mật, nguy hiểm đơn vị, tính mạng, Nghê khai là Phan Long Nghệ, làm ruộng. Những báng súng liên tục đập vào đầu và mắt khiến cho Nghê bị chấn thương, mê sảng. Móp sọ, hỏng mắt, tinh thần bấn loạn, Nghê bị lãng trí từ đó.
Lợi dụng sơ hở, Nghê lẻn ra ngoài, bám xe khách ra Đà Nẵng. Vết thương hành hạ, tinh thần hoảng loạn cùng nỗi ám ảnh tra tấn khiến thanh niên trẻ không nhớ rõ mình là ai. Trong thời gian dài ông lang thang vô định, gặp gì xin nấy sống qua ngày. Sau một thời gian lang bạt, ông gặp bà Lê Thị Chư và kết nghĩa vợ chồng, sinh được sáu người con.
Cuộc sống gia đình không làm cho ông vơi nỗi nhớ cố hương. Lúc tỉnh, lúc mê, ký ức ẩn sâu trong ông hình ảnh miếu, đình làng, cây đa. Nỗi khắc khoải cố hương ám ảnh tâm trí hóa thành nỗi nhớ khôn nguôi, day dứt. Là người, dù sống ở đâu, phương trời vô định cũng luôn mang trong mình cội nguồn, gốc rễ. Cái gốc xưa cũ lại trỗi dậy khi có người nhắc đến.
“Ở đó có đình Thanh Sơn, núi với cây đa to”, nhìn chân dung thời trẻ, “liệt sĩ” Phan Long Nghê tìm lục trong ký ức.
Trong trí nhớ lan man, thôi thúc, năm 1973, ông tìm về Quảng Ngãi. Lần dò bước chân đi cùng ký ức, ông vẫn không thể tìm được cố xứ. Những ngày lang thang, ông bị địch bắt trở lại. Thần trí ngơ ngẩn, nỗi sợ hãi của người đàn ông tàn phế, địch lại thả ông sau vài ngày bắt giữ. Ông lại dạt trôi đi Bình Định. Đất nước thống nhất cũng là lúc gia đình ở quê hương Phổ Cường nhận giấy báo tử, "liệt sĩ" Phan Long Nghê đã hy sinh.
|
Cụ Phan Công Chánh - chú ruột, người dẫn dắt “liệt sĩ” Phan Long Nghê đi theo cách mạng. Ảnh: Nam Minh |
“Lúc đó tôi không tin cháu mình hy sinh. Nhiều lần tôi lên Tỉnh đội hỏi rõ Nghê hy sinh vị trí nào, mộ phần ở đâu để đưa về nhưng tất cả đều vô vọng. Gia đình thờ “liệt sĩ” Phan Long Nghê gần năm mươi năm nay”, cụ Phan Công Chánh giọng trầm buồn.
Đau thương thân thể không bằng nỗi đau đáu về nguồn cội. Đôi lúc tĩnh lặng, ông lại lục tìm ký ức tên làng, tên xã. Nỗi nhớ khắc khoải đường làng, gốc đa, miếu, đình Thanh Sơn chưa bao giờ dứt. Và lẫn trong ký ức ấy, là nỗi ám ảnh, hoảng sợ dai dẳng những đòn roi tra tấn, hành hạ. Tất cả lẫn sâu trong nỗi nhớ quê hương dày vò “liệt sĩ” Phan Long Nghê gần năm mươi năm. Ký ức ám ảnh khiến đường về nhà cách xa nửa thế kỷ.
“Cứ nói đến chuyện tìm về quê ông lại hoảng sợ, nói không nhớ, không biết. Nhớ quê nhưng cứ hỏi tên là vẻ mặt ông sợ hãi. Mười mấy năm trước, gia đình mình tìm về nhưng không ai biết. Họ nói ở đây không có ai là Phan Long Nghệ, chỉ có liệt sĩ Phan Long Nghê. Xưa giờ mình nghĩ ba mình làm nông, tâm trí thế sao mà nghĩ là thương binh được. Không ngờ ông là liệt sĩ bị thất lạc như vậy”, chị Thúy Hà bùi ngùi xúc động.
Chiến tranh, chia ly, đoàn tụ. Nửa thế kỷ, “liệt sĩ” Phan Long Nghê lang bạt xứ người tìm về cố hương. Và sau nửa thế kỷ trở về, trong tâm thức ông vơi đi nỗi khắc khoải nguồn cội…
“Chúng tôi đã nhận được đơn và hồ sơ của gia đình liệt sĩ Phan Long Nghê về việc ông vẫn còn sống và trở về. Sở Lao động Thương binh & Xã hội sẽ phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi lập đoàn thanh tra để thẩm tra, xác minh. Sau đó sẽ thực hiện các thủ tục như thu hồi bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử… Đồng thời, xem xét giải quyết các chế độ chính sách theo quy định”, ông Đinh Xuân Sâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
“Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ thẩm tra, làm rõ trường hợp liệt sĩ trở về để sớm có kết luận, trả lại nhân thân cho ông Phan Long Nghê”, Đại tá Vũ Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi nói.
|
Nam Minh