Bà có một số phận đặc biệt, từ cô bé mồ côi cha phải đi hát rong kiếm tiền phụ mẹ, bà trở thành cô đào chánh với cátsê mà nhiều nghệ sĩ (NS) cùng thời không dám mơ đến.
Bà nổi tiếng với giọng ca buồn nghe chơi với và lối diễn xuất nhẹ nhàng như đang sống với cuộc hôn nhân với "ông vua không ngai" - NS Thành Được, làm thành cặp đôi nghệ sĩ tài sắc trong thpp niên 1960... Nhưng phía sau hào quang của một cô đào từng làm hàng triệu trái tim khán giả thổn thức, NSƯT Út Bạch Lan có nhiều niềm đau có lẽ chỉ có những người phụ nữ mới thực sự thấu hiểu.
Sau hai lần lên bàn mổ, bà không còn khả năng sinh con. Nỗi buồn không được làm mẹ của bà nhân lên gấp nhiều lần khi một ngày, một người phụ nữ xa lạ mang đến nhờ bà nuôi giùm đứa trẻ - giọt máu rơi của chồng bà.
Nỗi đau tưởng chừng đủ sức xô đổ một gia đình và làm người phụ nữ dẫu có cứng rắn đến mấy cũng ngã quỵ ấy không đến với bà một lần mà những ba lần. Ngày bà và NS Thành Được ly hôn, bà lại cưu mang thêm một người con riêng của ông vì sợ ông vui duyên mới, bỏ con nhỏ bơ vơ như tuổi thơ của bà ngày xưa. Trong bốn người con riêng của chồng, bà là mẹ trong ba tờ khai sinh.
Nhưng rồi những đứa con ấy, người trước, người sau lần lượt trở về với mẹ ruột. Đứa con còn ở với bà được bà dựng vợ gả chồng. Và một lần nữa, bà quyết định làm thủ tục trả lại đứa con trai còn lại cho người mẹ ruột khi anh này đã hơn ba mươi tuổi.
Biết chuyện, có người nói bà dại; có người xúi bà đòi lại tiền nuôi dưỡng mấy chục năm vì người mẹ ruột của con bà giờ đã có cuộc sống ổn định ở nước ngoài; có người lại xúi bà đừng trả con… Bà chỉ cười nhẹ nhàng:
“Con phải về với mẹ, bởi đó là tình cảm thiêng liêng mà không ai được quyền tìm cách ngăn cản, dù vì bất kỳ lý do gì. Không sinh nhưng có dưỡng, tôi đã nuôi con từ khi còn đỏ hỏn và cũng thương yêu nó như chính núm ruột của mình. Con vui và hạnh phúc khi được gặp và sống với mẹ ruột trong điều kiện sống tốt hơn, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc”.
Bà tự nhận mình không rộng lượng như mọi người nghĩ. Trong trái tim bà vẫn thổn thức những đớn đau, những dằn vặt ghen tuông như mọi phụ nữ cùng cảnh ngộ… Nhưng bà phải kìm nén tất cả, phải học cách nhẫn nhịn và chấp nhận vì khi ấy bà đã là người của công chúng.
Khóc cho nhân vật trên SK, lui về phía sau cánh gà, bà lại khóc hết nước mắt cho cuộc đời mình. Không dưới một lần, bà đã nghĩ đến chuyện quyên sinh. Những lúc đó bà nghĩ về mẹ - người đã hy sinh cả cuộc đời cho con; nghĩ về SK - tình yêu lớn nhất trong cuộc đời mình để lấy thêm sức mạnh lần bước qua nỗi đau.
Cuộc sống cơ cực thời thơ ấu đã trang bị cho NSƯT Út Bạch Lan khả năng tự hóa giải mọi nỗi buồn và cả sự đau đớn để tìm cho mình sự cân bằng, niềm vui trong cuộc sống. 80 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc về mẹ, giọng bà lại vẫn run run nghẹn ngào. Bà được nuôi lớn từ sự tảo tần của mẹ, người phụ nữ nghèo, một mình làm thuê mướn đủ việc để kiếm tiền nuôi con.
Mới tám, chín tuổi, thương mẹ cực khổ, bé Út Lùn “dám” rủ danh cầm Văn Vĩ khi đó cũng chỉ chừng 11-12 tuổi đi hát dạo kiếm tiền. Bà và Văn Vĩ thương yêu nhau như anh em ruột thịt bởi cùng cảnh ngộ, đều là những đứa con côi cút của hai bà mẹ nghèo phải sống tha phương cầu thực.
Tài năng đờn ca của hai đứa trẻ vang xa khiến cô Năm Cần Thơ tìm đến tận nơi để mời họ về thu âm cho chương trình vọng cổ Đài phát thanh Pháp - Á. Năm đó Út Lùn mới 11 tuổi. Nghệ danh Út Bạch Lan được “khai sinh“ từ đây và mở đường cho cô bé hát rong đến với ánh hào quang của SK cải lương không lâu sau đó.
Với chất giọng đồng pha thổ, cách vô vọng cổ chồng hơi ngọt ngào, mùi mẫn và kiểu nhấn dấu sắc rất riêng, giọng ca của bà thời trẻ được nhiều ký giả ví von như những chiếc lá rơi, nhẹ nhàng nhưng khiến người nghe thổn thức, chơi vơi.
Khoảng giữa thập niên 1950, khi còn hát cho đoàn Kim Thanh, cô đào Út Bạch Lan được soạn giả Viễn Châu (NSND Viễn Châu) phát hiện sở trường trong giọng ca để sáng tác thêm theo kiểu “đo ni đóng giày” hai câu vọng cổ trong tuồng Đời cô Nga và Tình vương hoa thắm. Tên tuổi của cô đào trẻ nổi tiếng nhanh chóng hơn kể từ đó.