Sau những thanh chocolate ngọt ngào là đắng cay của trẻ em châu Phi

27/10/2020 - 06:01

PNO - Báo cáo mới do Bộ Lao động Mỹ ủy quyền thực hiện tiết lộ mức nguy hiểm đáng quan ngại của lao động trẻ em trong ngành công nghiệp chocolate trị giá 100 tỷ USD.

Hàng triệu trẻ lao động trong điều kiện khắc nghiệt

20 năm sau khi ngành công nghiệp chocolate trị giá 100 tỷ USD cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em tại các cộng đồng trồng ca cao, báo cáo mới do Chính phủ Mỹ tài trợ cho thấy, vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn.

Theo đó, rất nhiều trẻ em trên khắp Ghana và Bờ Biển Ngà đang làm việc ca đêm, dọn đất, mang vác nặng và sử dụng công cụ sắc nhọn để cung cấp nhiên liệu cho ngành công nghiệp kẹo ngọt - được Tổ chức Grand View Research (Mỹ) ước đoán ​​sẽ tăng trưởng gần 5% mỗi năm cho đến năm 2027.

Lao động trẻ em tại châu Phi làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, với công cụ nguy hiểm  để cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất chocolate của thế giới - Ảnh: Getty Images
Lao động trẻ em tại châu Phi làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, với công cụ nguy hiểm để cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất chocolate của thế giới - Ảnh: Getty Images
 

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Chicago cho biết, gần một nửa số trẻ em (45%) trong độ tuổi từ 5-17 sống trong các hộ nhà nông làm việc trong lĩnh vực sản xuất ca cao. Tổng cộng, có khoảng 1,56 triệu trẻ em đang thu hoạch ca cao để làm chocolate ở các nước này, phần lớn làm việc trong điều kiện nguy hiểm, và con số đã tăng 30% trong mười năm qua. 

Kareem Kysia - một trong những tác giả của báo cáo - nói rằng sản lượng ca cao đang tăng ồ ạt. “Điều đó nghĩa là sẽ có nhiều trang trại sản xuất ca cao hơn và nhiều lao động trẻ em hơn”.

Có thể chấm dứt tình trạng lao động trẻ em?

Các nhà sản xuất chocolate lớn bao gồm Nestlé và Mars đã ký một thỏa thuận với các thành viên của Quốc hội Mỹ vào năm 2001 để chấm dứt tình trạng lao động trẻ em tại các trang trại ca cao ở Tây Phi.

Năm 2010, các công ty tương tự hứa cắt giảm 70% các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2020, và một năm sau đó, cam kết hỗ trợ hai triệu USD cho mối quan hệ đối tác mới với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Dù vậy, khi được hỏi liệu các thương hiệu chocolate lớn đã làm đủ hay chưa, ông Kysia nhận xét: “Những gì họ đang làm có hiệu quả, nhưng nó cần được mở rộng, vì quy mô hiện tại chỉ như đổ một xô nước vào bể bơi”. 

Charity Ryerson - người sáng lập nhóm chiến dịch Corporate Accountability Lab (Mỹ) - cho biết ngành công nghiệp chocolate là “đạo đức giả có đầu óc” vì nếu muốn, họ có thể chấm dứt tình trạng lao động trẻ em ngay lập tức: “Trong 20 năm qua, ngành sản xuất ca cao đầu tư rất nhiều kỹ năng và nguồn lực cho quan hệ công chúng về tính bền vững, nhưng sự gia tăng lao động trẻ em cho thấy, họ đã hoàn toàn thất bại trong việc sử dụng trình độ chuyên môn và mức đầu tư đó để tạo ra sự bền vững thực sự”.

Đáp lại những vấn đề trên, Mars nói rằng, công ty đã tài trợ một tỷ USD giúp “sửa chữa chuỗi cung ứng sai lầm”. Riêng người phát ngôn của Nestlé cho biết: “Lao động trẻ em là điều không thể chấp nhận được và đi ngược lại với những gì chúng tôi ủng hộ”, đồng thời nói thêm rằng: “Thật không may, nó vẫn là vấn đề tồn tại ở nhiều quốc gia”.

Đằng sau những thanh chocolate ngọt ngào là những đắng cay, nhọc nhằn của trẻ em châu Phi
Đằng sau những thanh chocolate ngọt ngào là những đắng cay, nhọc nhằn của trẻ em châu Phi

Hôm 24/10, Tổ chức Ca cao thế giới - với khoảng 100 công ty thành viên đại diện cho hơn 80% thị trường ca cao toàn cầu - cho biết họ sẽ tăng cường giám sát lao động trẻ em vào năm 2025 và hỗ trợ thêm 1,2 tỷ USD thu nhập cho nông dân trồng ca cao, dựa trên giá thị trường chính thức.

Richard Scobey - Chủ tịch Tổ chức Ca cao thế giới - nhận định: “Lao động trẻ em vẫn là một thách thức dai dẳng ở Bờ Biển Ngà và Ghana. Các mục tiêu giảm lao động trẻ em không tính đầy đủ về mức độ phức tạp, quy mô của hoàn cảnh đói nghèo ở nông thôn châu Phi và không lường trước được sự gia tăng đáng kể về sản lượng ca cao trong mười năm qua”.

Theo Quỹ Fairtrade (Anh), chỉ có khoảng 6% tổng doanh thu của ngành chocolate về tay nông dân. Quỹ đang tìm cách chống lại điều này bằng cách tăng giá tiêu dùng và chuyển phần thặng dư cho các hợp tác xã nông nghiệp. Mặt khác, để thúc đẩy thương mại công bằng, Chính phủ Ghana và Bờ Biển Ngà đã đưa ra kế hoạch trả giá cao hơn cho tất cả lượng ca cao bán ra. Động thái này cũng bao gồm các nỗ lực để tránh cung vượt quá cầu, bán hàng trước hạn và những hoạt động giảm phát khác. 

Tấn Vĩ (theo Business Insider, Guardian)

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI