Sau nhiều lần bị đình chỉ, cô giáo 'im lặng' tiếp tục đứng lớp

13/09/2019 - 07:43

PNO - Đầu năm học này, cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên toán Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), người từng bị học sinh phản ánh “im lặng không nói gì suốt ba tháng lên lớp”, lại được phân công dạy bốn lớp khối 10 và 11.

Cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên toán Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM) từng bị học sinh phản ánh “im lặng không nói gì suốt ba tháng lên lớp”. Vừa được đứng lớp trở lại, cô ném tập học sinh và thường xuyên cáu gắt dẫn đến bị đình chỉ dạy một lần nữa. Đầu năm học này, cô lại được phân công dạy bốn lớp khối 10 và 11. Phụ huynh lo lắng khi cô tiếp tục đứng lớp, điều gì sẽ xảy ra?

Hiệu trưởng: Áp lực như ngồi trên đống lửa

Từ đầu năm học 2019-2020, cô Trần Thị Minh Châu được phân công dạy toán cho bốn lớp: 10A3, 10A6, 11A3 và 11A6. Ba tuần nay, học sinh đang thích nghi với năm học mới.

Gặp chúng tôi, một vài học sinh lớp Mười đang được cô Châu dạy, cho biết: “Lớp em đã từng nghe những sự cố trước đó của cô nhưng mấy tuần qua, cô lên lớp bình thường, chúng em không thấy vấn đề gì. Cô giảng bài chúng em tiếp thu được. Tuy nhiên, cô hơi nóng tính trong giao tiếp”. Học sinh này ví dụ, khi một vài bạn nói chuyện trong giờ học, cô sẽ la nhiều hơn các thầy cô khác. Sau đó, cô kêu các bạn lên bảng làm bài, nếu không làm được cô sẽ la nhiều hơn. Sau khi la xong, cô có giảng lại bài. 

Ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, cũng thừa nhận, cô Châu khá nóng tính. “Tôi luôn hy vọng phụ huynh hoặc học sinh có thể góp ý trực tiếp với tôi. Tôi cần nắm tình hình để điều chỉnh cho phù hợp. Chứ để đến khi bất đồng vỡ lỡ ra rồi đi hỏi học trò, bắt làm chứng thì tội lắm”, ông Bình nói. 

Theo ông Bình, một giáo viên đòi hỏi nhiều tố chất ngoài chuyên môn, đó là sự bình tĩnh, khoan dung và có kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, bởi học sinh rất đa dạng và tinh nghịch. Một giáo viên từng dính “phốt” như cô Châu càng dễ bị “soi”. Đôi khi hành động đó với giáo viên khác được cho là bình thường nhưng nếu cô Châu mắc phải sẽ khác. Gần một tháng kể từ ngày phân cô đứng lớp trở lại, ban giám hiệu trường này phải thường xuyên theo dõi diễn biến, gặp gỡ học sinh và ban cán sự bốn lớp để nắm tình hình. 

Sau nhieu lan bi dinh chi, co giao 'im lang' tiep tuc dung lop

Trường THPT Long Thới đã phân công cô Trần Thị Minh Châu dạy bốn lớp trong năm học 2019-2020

Có thể nói, ngày cô Châu đứng lớp trở lại, không chỉ phụ huynh, học sinh đã từng nghe những sự cố của cô không yên lòng mà ban giám hiệu nhà trường cũng cảm thấy áp lực. Ông Bình thừa nhận ông là người khó xử và chịu nhiều áp lực nhất khi phân công cô Châu dạy. “Cứ như ngồi trên đống lửa. Chỉ cần cô ấy có chuyện gì thì tôi phải gánh trách nhiệm”, ông nói. 

Nhưng vì sao phải bố trí cô Châu dạy lại? Ông Bình giải thích: “Cô Châu được tuyển dụng vào vị trí việc làm chuyên môn là giáo viên. Muốn chuyển cô qua vị trí việc làm khác cũng khó vì kế toán, y tế, thư viện, văn thư… đều đòi hỏi có bằng cấp chuyên môn nhưng cô ấy không có. Hơn nữa, đâu phải ai cũng tự giác chịu chuyển qua làm nhân viên bởi thu nhập sẽ giảm khoảng một nửa so với giáo viên”. 

Ông Bình cũng cho biết: “Quyết định cho một viên chức thôi việc khó lắm, phải tuân theo các quy định. Nếu làm sai luật, người lao động sẽ kiện và tôi là người phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, khi tôi dự định phân công cô Châu đứng lớp trở lại sau thời gian bị đình chỉ thì có bàn bạc với ban giám hiệu, tổ chuyên môn và báo cáo Sở GD-ĐT TP.HCM. Tôi không bao che, cũng không thể chèn ép để cô thấy khó mà nghỉ việc”. 

Thông qua ban giám hiệu, chúng tôi muốn được trao đổi cùng cô Châu nhưng cô từ 
chối gặp.

“Bó tay” vì vướng quy định?

Việc một giáo viên sai phạm, sau khi chịu kỷ luật và có sửa chữa tích cực, được quay trở lại với công việc là bình thường. Nhưng trường hợp cô Châu lại khác. Nhìn lại quá trình giảng dạy dễ dàng nhận ra cô liên tục “giẫm” lại sai phạm của mình. Cô từng bị kỷ luật vì học sinh ghi âm “tố” có những lời nói thiếu chuẩn mực với học sinh khi dạy ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ.

Vài năm sau, cô lại quyết định không nói gì khi lên lớp. Khi dư luận chưa kịp quên chuyện cũ, cô lại một lần nữa “nổi như cồn” khi có hành vi ném tập học sinh… Mỗi hành vi của cô dù không xúc phạm thân thể ai nhưng có khả năng sát thương tinh thần của những học trò mới 16-17 tuổi. 

Từ năm 2000-2005, khi còn dạy ở Trường THPT Long Thới, cô bị đồng nghiệp tố cáo lén lấy 100 bài thi đã chấm đem về nhà sửa rồi đổ cho đồng nghiệp chấm sai. Sau đó, cô được chuyển về Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ. Được vài năm, cô lại bị “tố” có sai phạm trong giao tiếp ứng xử và phương pháp giáo dục với học trò. Đầu năm 2012, cô Châu nhận quyết định kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách nhà giáo, xâm hại môi trường sư phạm. Sau đó, cô được điều chuyển về Trường THPT Long Thới theo nguyện vọng. 

Ngày 23/3/2018, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn (lớp 11A1, Trường THPT Long Thới) bật khóc kể, trong lớp có cô giáo bộ môn toán khi lên bục giảng không nói gì với học sinh, không giảng bài, chỉ viết lên bảng suốt nhiều tháng liền. Học trò trong lớp này hoang mang không hiểu mình đã làm gì sai với cô?

Ngày 12/4/2018, Trường THPT Long Thới đã ra quyết định thi hành kỷ luật cô Trần Thị Minh Châu với hình thức cảnh cáo vì lỗi vi phạm nhiệm vụ giáo viên. Quyết định nêu rõ, cô Châu đã “không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1, điều 11 Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ”. Thời hạn thi hành kỷ luật là 12 tháng, kể từ ngày 13/4/2018. Nhận hình thức kỷ luật này, cô Châu bị điều chuyển làm nhân viên văn phòng.

Sau 10 tháng bị đình chỉ đứng lớp và nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, từ tháng 2/2019, cô Châu đã trở lại bục giảng. Cô dạy toán ở hai lớp 10A4 và 10A9. Cô lại bị học sinh phản ánh ném vở, ném bài kiểm tra của học sinh xuống đất khi các em không làm bài tập hoặc làm không đúng ý cô. Có phụ huynh cũng lên tiếng về thái độ cáu gắt của cô trong giao tiếp… Một lần nữa, cô bị đình chỉ việc giảng dạy.

Với hàng loạt sự cố trên, khi cô Châu một lần nữa đứng trên bục giảng, phụ huynh e ngại rồi cô lại “giẫm” lên những sai phạm của mình. Khi cô vừa nhận lớp chưa được bao lâu, đường dây nóng của Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhận được phản ánh của phụ huynh: “Cô Châu lại tiếp tục đứng lớp”.

Sự bất ngờ, thảng thốt không chỉ có ở phụ huynh mà người tiếp nhận thông tin cũng khó tin về điều này. Bởi đã năm lần bảy lượt cô vi phạm quy định nhà giáo, sự không phù hợp với nghề đã bộc lộ rõ ràng nhưng cô vẫn cứ đứng lớp. Cứ cho rằng, cô có năng lực dạy tốt nhưng người thầy đâu chỉ có dạy kiến thức là đủ. 

Có thể, với những quy định hiện hành, lãnh đạo trường này khó lòng cho cô nghỉ nhưng chẳng lẽ chỉ vì những quy định cứng nhắc, khiếm khuyết của các điều luật mà ngành giáo dục phải “bó tay”, chấp nhận một giáo viên thường xuyên có thái độ hằn học với trò, với nghề để tiếp tục dạy người? 

Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, quy định hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật:

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ bảy ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản nào quy định trường hợp xúc phạm học sinh đến mức độ nào mới là hậu quả nghiệm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để có thể xử lý.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI