Sáu ngày không có ba, một ngày không có mẹ

05/04/2017 - 15:09

PNO - Cuộc chia ly không êm đẹp của người lớn tạo nên cuộc phân tách vô lý ở trẻ nhỏ: bây giờ mình thuộc về ai?

Ngân nhận làm gia sư Anh văn cho bé Na. Lịch làm việc của cô trò là từ 7g đến 8g30 mỗi tối thứ Hai, Tư, Sáu. Ngân quý mến cô học trò bảy tuổi ngay từ buổi học đầu tiên, dù trước khi nhận việc, mẹ bé Na cảnh báo: “Em phải kiên nhẫn, vì bé nhạy cảm, thất thường; nếu thỉnh thoảng nó lăn đùng ra bỏ học thì em từ từ vỗ về, tính bé hay thế đấy”.

Sau ngay khong co ba, mot ngay khong co me
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhưng, đứng trước Ngân là một khuôn mặt ngây thơ và háo hức, không có vẻ gì… khó lường cả. Bé hồn nhiên chỉ cho Ngân chỗ ngồi và sách vở đã chuẩn bị để đón cô giáo; ghế ngồi của Na màu xanh, còn ghế ngồi của Ngân màu đỏ… Ngân đâm ra cảm động: một cô bé bảy tuổi đang đón mình như đón người bạn mới.

Được vài buổi học, Ngân nhận ra bé Na sống với mẹ. Ngôi nhà lớn nhưng chỉ có ba người, hai mẹ con và cô giúp việc. Người đàn ông không hiện diện trong nhà, nhưng vẫn tồn tại trong cuộc sống của những người phụ nữ.

Hàng tuần, cứ tối thứ Sáu là bé Na không thiết tha với chuyện học, chỉ muốn bàn với Ngân xem ngày mai sang ba sẽ mặc gì, chơi gì. Thứ Bảy là ngày của Na và ba, sáu ngày còn lại là ngày của Na và mẹ. Ngân hiểu rất rõ những phân định này, dù cuộc ly hôn của ba mẹ Ngân không đạt được sự thỏa thuận rõ ràng như vậy. 

Ký ức đột ngột quay về làm cô thấy thít đau nơi lồng ngực: những trận cãi vã và tràng khóc tức tưởi của mẹ, những tiếng cửa đóng mạnh đến nỗi Ngân tưởng vỡ nát cả bức tường, những buổi thăm Ngân trong lén lút của ba, khuôn mặt giận dữ và cơn chì chiết của mẹ khi biết được.

Ba mẹ Ngân không đạt được thỏa thuận hòa bình như ba mẹ bé Na, nên những năm tuổi thơ của Ngân là sự giằng xé giữa nỗi mong chờ và nỗi sợ gặp ba, giữa cảm giác được mẹ yêu thương bù đắp và nỗi sợ cơn giận vô cớ của mẹ. Một đứa trẻ có cha mẹ ly hôn sẽ phải học cách trưởng thành giữa những thái cực đó.

Bé Na cũng thế, bảy tuổi và đã học được quy luật ấy rất nhanh. Thứ Bảy ở với ba là một bé Na không có mẹ, và sáu ngày còn lại là một bé Na không ba. Ngân có thể cảm nhận sự hằn học giữa hai người từng là vợ chồng còn in hằn lên không khí trong nhà. 

Cuộc chia ly không êm đẹp của người lớn tạo nên cuộc phân tách vô lý ở trẻ nhỏ: bây giờ mình thuộc về ai? Thông thường, một đứa bé bảy tuổi sẽ không lựa chọn được, như bé Na thích ở với ba và cũng thích ở với mẹ. Nhưng những câu chuyện vui khi đi chơi cùng ba sẽ là chủ đề khó chịu với mẹ, bé Na đủ nhạy cảm để hiểu như thế.

Sau ngay khong co ba, mot ngay khong co me
 

Nên nếu trước đây, đôi khi bé dằn dỗi, khó chịu để mẹ hiểu rằng mình cũng đang ngột ngạt, thì nay bé thường kéo Ngân vào những câu chuyện háo hức và lén lút trong các buổi học tối thứ Sáu: “Cô Ngân ơi, ba cháu hứa tuần này sẽ đưa cháu đi một nơi đẹp tuyệt vời, cháu có thể ngồi vào lòng con thuyền trong một bức tranh”. “À, phòng tranh 3D đấy”. “Tháng trước là sinh nhật cháu, ba tặng cháu một bộ đầm Elsa”. “ Đâu rồi, sao cô chưa thấy Na mặc bao giờ?”. “Dạ không, cháu sẽ cất đi, mẹ không thích đâu…”.

Vì đâu một đứa trẻ có thể có ý thức cảm thông với nỗi lòng bố mẹ đến thế? Trẻ con bao dung hơn người lớn rất nhiều. Chúng bảo toàn được tình yêu cho cả hai phía trong thế phân cực éo le dưới mỗi ngôi nhà. Chỉ người lớn đã vô tình hay cố ý tách những đứa trẻ thành hai nửa không trọn vẹn.

Và hình như cũng chỉ người lớn, trong nỗi đau khổ vì ly tan của mình, mới quy định tình yêu của con dành cho “nửa bên kia” là sự phản bội. Mẹ Ngân đã từng như thế. Ngân chờ được gặp ba vào ngày tốt nghiệp, Ngân nhận một món quà từ ba và dì, Ngân đi chơi với ba về muộn hay một nét vui vẻ trên khuôn mặt Ngân sau khi gặp ba… tất cả đồng nghĩa với sự phản bội dành cho mẹ.

Cuộc ly hôn của bố mẹ, khi nhìn từ góc độ của những đứa trẻ, sẽ không còn là câu chuyện của ngoại tình, không hòa hợp, của những bất đồng không thể giải quyết… mà chỉ đơn giản là sự mãi mãi phân tách thành hai thế giới. Làm sao để con trẻ đi giữa hai thế giới mà không chênh vênh, không hoang mang, không tổn thương… là bản lĩnh và trách nhiệm của người lớn. 

Hồng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI