Sáng 7/11, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã tổ chức đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với hơn 300 đại biểu tham dự.
Mở ra một cách nhìn đúng đắn về quyền trẻ em
Cách đây sáu năm, vào tháng 10/2014, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM ra đời và tổ chức đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014 - 2019. Kể từ đó, công tác bảo vệ trẻ em và thực thi quyền trẻ em tại TP.HCM đã có nhiều chuyển biến mặc dù từ năm 1990 Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xác nhận ủng hộ công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Đại hội đề ra mục tiêu củng cố, phát triển tổ chức Hội trong toàn thành phố; 100% cán bộ Hội, chi hội được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng làm việc với trẻ và hoạt động bảo vệ quyền trẻ em; tham gia giám sát và phản biện các chính sách liên quan đến quyền trẻ em; phối hợp với các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước thực hiện mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; hướng đến công tác chăm lo, hỗ trợ đời sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi, khuyết tật, lang thang kiếm sống…).
|
Phiên tòa giả định - một trong những mô hình truyền thông hiệu quả của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM |
Bà Mai Thị Ngọc Mai, thành viên hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, bày tỏ: “Tại TP.HCM, có rất nhiều tổ chức xã hội thiện nguyện chăm lo, bảo trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức này chỉ mới dừng lại ở việc thực hiện chức năng xã hội chứ chưa đảm nhận trách nhiệm về vận động chính sách, tư vấn giám sát, phản biện đối với các chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em. Đây là nguyên nhân làm hạn chế việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em theo quy định pháp luật. Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố ra đời không ngoài việc bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em trên cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội… góp phần giảm bất bình đẳng trong việc thực hiện quyền trẻ em tại TP.HCM”. Và trong sáu năm qua, những mục tiêu này đã được Hội kiên trì thực hiện, góp tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng về vấn đề quyền trẻ em.
Trẻ bị xâm hại có luật sư bảo vệ
Chỉ sau hai năm thành lập, đến năm 2016, hầu hết các vụ án liên quan đến trẻ em trên địa bàn TP.HCM đều có các luật sư của Hội góp mặt. Phần lớn, các luật sư tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý. Cũng có nhiều trường hợp, luật sư đã bảo vệ trẻ cả trong lẫn ngoài tố tụng, trong suốt thời gian dài từ khi phát giác hành vi tội ác cho đến ngày ra tòa, thực thi bản án.
Tên tuổi luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM được đông đảo nhân dân, cán bộ Hội Phụ nữ và những người làm công tác trẻ em biết đến.
Từ năm 2015, xuất phát từ nhu cầu chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã liên kết với Hội LHPN thành phố thành lập tổ tiếp công dân, tư vấn pháp lý miễn phí cho phụ nữ và trẻ em đặt tại trụ sở Hội LHPN thành phố (32 Trần Quốc Thảo, Q.3, điện thoại đường dây nóng: 18009069). Qua hơn 5 năm hoạt động, tổ đã tiếp nhận gần 600 vụ việc liên quan đến trẻ em; 171 trường hợp can thiệp, xử lý đạt kết quả, trong đó 31 vụ xâm hại trẻ em, 15 vụ bạo hành, 12 vụ giành quyền nuôi con, 4 vụ nhận con nuôi, khai sinh và 25 vụ việc liên quan khác
|
Từ vụ án “đình đám” - cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ một bé gái trong thang máy, cho đến vụ cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội dâm ô các bé gái, bảo mẫu Trường mầm non Mầm Xanh (Q.12) bạo hành trẻ em và hàng trăm vụ xâm hại, bạo lực trẻ em khác xảy ra trên địa bàn thành phố đã được các luật sư của chi hội nhiệt tình vào cuộc. Nhiều vụ việc xảy ra ở các tỉnh như Đồng Nai, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận… các luật sư của Hội cũng không ngần ngại ngược xuôi để đòi lại công lý cho trẻ. Vì quyền lợi của trẻ, họ không khoan nhượng trước bất kỳ thế lực nào nhằm vạch mặt kẻ ác để xử lý, giáo dục, răn đe.
Tuy nhiên, không ít nạn nhân khi tìm đến với Hội thì sự việc đã trôi về quá khứ khá lâu, lại không nhân chứng, nên việc lật lại vụ án là vô cùng gian nan, dù tổn thương của trẻ là có thật (như từng bị đưa đi nạo phá thai…). Đó là chưa kể đến những khó khăn khác kiểu như thủ tục tố tụng bị “ngâm”, việc trưng cầu giám định pháp y quá muộn, trẻ bị người thân bạo hành, nhiều người lớn (kể cả công an viên) vẫn xem bạo hành, xâm hại trẻ là chuyện thường tình.
Trước những thực tế đau lòng đó, các luật sư của Hội đã kiên trì theo đuổi, rút tỉa và đưa ra những kiến nghị trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, các buổi tiếp xúc liên quan đến bảo vệ trẻ em, tố tụng về trẻ em… Các luật sư đã đề nghị sửa đổi các quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở và những kiến nghị ấy đã được ghi nhận trong Luật Trẻ em 2016 và rất nhiều thông tư, hướng dẫn, quy định pháp luật liên quan.
Gần đây, UBND TP.HCM đã ban hành quy trình phối hợp can thiệp, xử lý, hỗ trợ trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố. Sự ra đời của quy trình này có đóng góp không nhỏ của các luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố.
Dẫn đầu cả nước về bảo vệ quyền trẻ em
Hơn 5 năm qua, đúng như mục đích ban đầu, ngoài hành động quyết liệt nhằm bảo vệ trẻ em, can thiệp vào các vụ trẻ bị xâm hại, bị bạo hành, bị xâm phạm quyền trẻ em, thì việc tuyên truyền giúp lan tỏa những thông điệp bảo vệ quyền trẻ em đã được kiên trì thực hiện. Thế mạnh của Hội là huy động kinh phí để chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi. Hội đã thực hiện nhiều chương trình xã hội từ thiện trên khắp mọi miền đất nước với kinh phí hàng tỷ đồng. Trong đó, riêng chương trình “Chia sẻ yêu thương”, Hội đã huy động trên 8,7 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Nghi - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thăm và tặng quà cho các bè ở Ga Sài Gòn
|
Nhận xét về Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - nói: “Đây là đơn vị đồng hành cùng cả nước trong bảo vệ quyền trẻ em, các anh chị đồng lòng, sáng tạo trên các lĩnh vực từ tuyên truyền, chăm lo cho đến bảo vệ trẻ một cách toàn diện. Những mô hình, cách làm ấy đã được chia sẻ, nhân rộng ra cả nước như hoạt động của chi hội luật sư, tuyên truyền qua các phiên tòa giả định, việc chủ động hợp tác với các tổ chức, đoàn thể kể cả trong và ngoài nước để tạo tiếng nói bảo vệ quyền trẻ em mạnh mẽ, lan tỏa. Đó là sự sáng tạo không ngừng của những người có tâm huyết và tình yêu thương với trẻ”.
TP.HCM có hơn 2 triệu trẻ em (trong tổng số gần 13 triệu người). Trong gần 11.400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có 2.400 trẻ em được chăm sóc tại các cơ sở xã hội và 9.000 trẻ đang ở cộng đồng. Là địa phương rất quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhưng với một đô thị có quy mô dân số lớn, TP.HCM cũng đang đối diện với nhiều thách thức về trẻ em, trong đó có tình trạng trẻ lang thang xin ăn, trẻ có nguy cơ lao động sớm, trẻ bị xâm hại, ngược đãi, trẻ vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Cho nên, “Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi tin tưởng nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh để vững bước trên hành trình bảo vệ quyền trẻ em” - bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nói.
Nghi Anh