Sáu năm chăm sóc, vun trồng và ngày hái quả

08/01/2020 - 11:13

PNO - Chúng tôi đi dạo một vòng con hẻm 49 Trịnh Đình Trọng (khu phố 4, P.Phú Trung, Q.Tân Phú). Buổi sáng sớm những ngày đầu năm, con hẻm sạch sẽ, tinh tươm.

Bước sang năm thứ 7 của việc triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, bộ mặt Q.Tân Phú có nhiều thay đổi. Không chỉ là câu chuyện phân loại rác tại nguồn, mà từ đó, câu chuyện về bảo vệ môi trường sống đã mang một màu sắc mới. 

Miệt mài vận động

Chị Nguyễn Thị Vóc, dẫn tôi đi dạo một vòng con hẻm 49 Trịnh Đình Trọng (khu phố 5, P.Phú Trung, Q.Tân Phú). Buổi sáng sớm ngày cuối tuần đầu tiên của năm mới, con hẻm sạch sẽ, tinh tươm. Trước mỗi ngôi nhà đều có hai túi rác dán nhãn chất thải hữu cơ và chất thải còn lại hoặc chứa rác trong thùng rác hai ô phân loại ngay ngắn. Nhìn ánh mắt thán phục của chúng tôi, chị mỉm cười: “Không phải chỉ con hẻm này đâu, cả khu phố tôi hơn 500 hộ dân, hộ nào cũng cam kết sạch nhà, đẹp ngõ, nói thật và làm thật”.

Thu gom ve chai, phế liệu đổi thành tiền thực hiện hoạt động an sinh xã hội, tặng quà cho phụ nữ khó khăn
Thu gom ve chai, phế liệu đổi thành tiền thực hiện hoạt động an sinh xã hội, tặng quà cho phụ nữ khó khăn

 

Theo lời chị Vóc, từ năm 2014, khi Q.Tân Phú phát động việc hưởng ứng phân loại rác tại nguồn đến tổ dân phố, các ban điều hành khu phố cùng đại diện Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ đều vô cùng vất vả, gõ cửa từng nhà vận động mà người dân vẫn thờ ơ. Sau đó, các chị cán bộ Hội bàn giải pháp “nêu gương”. Các chị rủ nhau sáng lấy chổi quét nhà, quét sân, quét luôn khoảng sân hai nhà bên cạnh… Thế là từ từ người dân trong khu vực (có cả nam giới) bắt đầu tham gia cùng. Lâu dần, sân nhà nào cũng được dọn sạch, dọn ra tới lòng đường chung. Cứ vậy, câu chuyện phân loại rác tại nguồn không còn là chuyện khó nói nữa. Các cán bộ đoàn thể, tổ dân phố nêu gương, người dân tiếp tục làm.

Cách làm ở khu phố 4 không phải là duy nhất và độc đáo nhất, bởi nhiều địa phương trên địa bàn Q.Tân Phú đã cùng chọn cách “nêu gương” để lan tỏa câu chuyện phân loại rác tại nguồn. 

Chị Nguyễn Tuyết Ngọc Kim Ngân, Bí thư đoàn P.Tân Thành, đơn vị làm điểm về phân loại rác tại nguồn nhớ lại: “Khoảng năm 2014, khi chúng tôi gõ cửa từng nhà để vận động, nhiều hộ dân từ chối tiếp, nhiều đoàn viên bị sốc. Có bạn bị la, kiểu như xía vào chuyện nhà người khác. Thế nhưng dần dần, câu chuyện phân loại rác tại nguồn thành đề tài cho các cuộc sinh hoạt chi đoàn thanh niên của chúng tôi. Cùng với các tình nguyện viên từ công ty Môi trường đô thị, chúng tôi được huấn luyện kỹ năng, trang bị thêm kinh nghiệm tuyên truyền. Mỗi đoàn viên thành một tuyên truyền viên… Cùng với đó, là sự cổ vũ mạnh mẽ của truyền thông, báo đài làm câu chuyện phân loại rác tại nguồn gần gũi hơn, dễ hiểu hơn với mọi nhà. Bây giờ không cần gõ cửa từng nhà nữa, nhiều hộ dân đã trở nên tự giác. Không phải là hơn 2.000 hộ tham gia thí điểm mà đã có hàng chục ngàn hộ dân ở phường hưởng ứng.

Quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo

Có thể nói, hiệu quả của việc thí điểm phân loại rác tại nguồn ở Q.Tân Phú trong hơn 6 năm qua chưa đạt như mong muốn, nhưng nhờ có chương trình phân loại rác tại nguồn, bộ mặt quận này đã có rất nhiều thay đổi.

Có dịp dạo ngang các con phố trên địa bàn, đập vào mắt chúng ta là hình ảnh đường phố sạch sẽ, tinh tươm. Nhìn sự gọn gàng đến mát mắt của tuyến đường Dân tộc, P.Tân Thành, Q.Tân Phú nhiều người thích thú. Tuyến đường có 70 gia đình thì 100% hộ cam kết thực hiện 4 tiêu chí: sạch - xanh - đẹp - an toàn.  Không chỉ phân loại rác tại nguồn, để rác đúng nơi quy định, mà 70/70 hộ gia đình không phơi quần áo trước mặt tiền nhà, chủ động tháo gỡ, xóa các bảng quảng cáo sai quy định tại các cột điện, sắp xếp trật tự, mỹ quan cây xanh trước nhà...

Ngay nhiều “điểm nóng” như chân cầu Tham Lương, kênh Hiệp Tân cũng được xóa sổ. Lòng kênh được cải tạo không còn rác chất chứa lổm nhổm như khoảng năm 2018 về trước, thay vào đó, con nước đã có dòng chảy, trong sạch dần lên. Phía chân cầu Tham Lương, nơi người ta vẫn lén đổ rác thải với đủ loại mùng mền, chiếu gối, chăn nệm, đã được chính quyền địa phương tổng vệ sinh, lát gạch tinh tươm, sạch sẽ.

Song song với việc vận động các hộ gia đình phân loại rác, chính quyền địa phương còn vận động các tổ lấy rác (nơi không có dự án thí điểm) cùng tham gia phân loại rác để người dân không bị cảm giác hụt hẫng, “công cốc” khi phân loại rác cả ngày lại bị người lấy rác đổ ụp hết vào lòng xe để mang về bô rác. Đồng thời giao nhiệm vụ các đoàn thể cùng chịu trách nhiệm bảo vệ mỹ quan, màu xanh cho từng tuyến đường ở từng 
khu phố.

Tuy chính quyền và các đoàn thể, nhân dân rất nỗ lực, nhưng không phải cuộc vận động phân loại rác tại nguồn ở Q.Tân Phú đã đạt kết quả mỹ mãn. Phát biểu tại buổi tọa đàm "Giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân không xả rác ra đường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn", ông Trần Văn Phúc - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Q.Tân Phú đã chỉ ra một số hạn chế vẫn còn tồn tại như công tác tuyên truyền, vận động ở một số phường đạt hiệu quả chưa cao, các hoạt động tổ chức thực hiện vẫn mang tính phong trào; thiếu giải pháp chế tài; hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng lực lượng thu gom rác chưa phối hợp đồng bộ; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác thu gom còn hạn chế, thiếu thùng rác công cộng ở nhiều khu vực; phương tiện thu gom vận chuyển rác thô sơ, không đảm bảo các quy định chung về kỹ thuật, bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, qua hội nghị này cho thấy sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân Q.Tân Phú trong thực hiện bảo vệ môi trường và gìn giữ vẻ mỹ quan, văn minh cho thành phố.

Hạnh Chi - Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI