Sau mũi bổ sung và Omicron sẽ là gì?

25/01/2022 - 06:12

PNO - Vắc xin là chìa khóa chấm dứt đại dịch, nhưng không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề.


 Dù vắc xin có thể bảo vệ khỏi ca bệnh nghiêm trọng và tử vong, nhưng hiệu quả lại giảm dần theo thời gian và các biến thể COVID-19 mới không ngừng xuất hiện. Vậy, thế giới sẽ ra sao sau khi tiêm mũi bổ sung và vượt qua Omicron?

Israel trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện mũi tiêm bổ sung thứ hai vào đầu tháng 1/2022 - ẢNH: REUTERS
Israel trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện mũi tiêm bổ sung thứ hai vào đầu tháng 1/2022 - Ảnh: REUTERS

Mũi bổ sung giảm dần hiệu quả

Ở Israel - nơi đã triển khai tiêm mũi thứ ba và thứ tư bằng vắc xin Pfizer từ rất sớm - nhà chức trách kết luận rằng liều bổ sung đầu tiên (mũi thứ ba) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chống lại biến thể Delta vào năm 2021. Trước làn sóng Omicron, Israel quyết định cung cấp liều bổ sung thứ hai (mũi thứ tư) cho những người trên 60 tuổi, những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại và nhân viên chăm sóc sức khỏe. 

Khi chiến dịch tiêm chủng mới được phát động vào đầu năm 2022, các dấu hiệu ban đầu đầy hứa hẹn, với lượng kháng thể trong những người được tiêm tăng cao. Nhưng vào ngày 17/1, Gili Regev-Yochay - nhà khoa học nghiên cứu về mũi tăng cường thứ hai tại Trung tâm Y tế Sheba - thông báo rằng tác dụng mũi tiêm thứ tư không mấy hiệu quả trước Omicron.

Bà giải thích: “Mặc dù có sự gia tăng đáng kể về lượng kháng thể sau lần tiêm thứ tư, nhưng biện pháp bảo vệ này chỉ có tác dụng một phần đối với chủng Omicron, không nhiều hơn so với liều thứ ba”. Kết quả nghiên cứu theo dõi 154 nhân viên chăm sóc sức khỏe tại một trung tâm đã tiêm liều tăng cường hai tuần trước đó cho thấy: lần tiêm bổ sung thứ hai không ngăn ngừa được lây nhiễm. 

Nhìn chung, các loại vắc xin mRNA có thể được tái cấu trúc. Giám đốc điều hành của Pfizer - Albert Bourla - cho biết một loại vắc xin mới sẽ sẵn sàng vào tháng Ba, giúp giải quyết vấn đề Omicron cũng như các biến thể khác. Việc chỉnh sửa vắc xin cho Omicron đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu biến thể Omicron có còn phổ biến ở thời điểm vắc xin mới sẵn sàng hay không? Hoặc nếu chuyển đổi sang một loại vắc xin mới, liệu nó có thay thế các loại vắc xin hiện tại? Những loại vắc xin nào nên được sử dụng cho những người đã được tiêm phòng trước đó và những người chưa tiêm? Có thể thấy, virus thì không ngừng biến đổi, và chúng ta vẫn đang bị động đi sau.

Cùng với cuộc chiến chống Omicron, thế giới phải nỗ lực hơn để phát triển các loại vắc xin thế hệ tiếp theo, cung cấp khả năng bảo vệ rộng hơn, lâu hơn và làm giảm sự lây truyền. Lý tưởng nhất là các nhà khoa học sẽ phát triển một loại vắc xin coronavirus phổ quát, có khả năng bảo vệ chống lại nhiều - hoặc tất cả - các biến thể đã biết. Dù vậy, viễn cảnh đó không thể đến trong ngắn hạn. 

Không thể tiêm chủng quá thường xuyên

Các cơ quan quản lý châu Âu cho biết việc tiêm phòng COVID-19 tăng cường quá thường xuyên có thể làm suy yếu phản ứng miễn dịch. Tại một cuộc họp báo, các chuyên gia từ Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng không nên tiêm các mũi tăng cường COVID-19 quá gần nhau. Marco Cavaleri - người phụ trách chiến lược về các mối đe dọa sức khỏe sinh học và vắc xin tại EMA - cho biết: “Chúng tôi khá lo ngại về một chiến lược liên quan đến việc tiêm chủng lặp lại trong thời gian ngắn sau mỗi 3 - 4 tháng”. 

Giáo sư Sarah Fortune - Khoa Miễn dịch học Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ) - giải thích rằng việc tiếp xúc các kháng nguyên (như được cung cấp bởi vắc xin) lặp đi lặp lại có thể làm “kiệt sức” tế bào T, vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại COVID-19 khi nó xâm nhập vào cơ thể. “Tế bào T trở nên rối loạn chức năng khi phải liên tục tiếp xúc kháng nguyên trong một số bối cảnh nhất định, tương tự như những gì diễn ra với HIV hoặc ung thư, nơi kháng nguyên luôn tồn tại”, giáo sư Fortune nói thêm. Dù tình trạng đó chưa được ghi nhận ở người tiêm chủng COVID-19 thường xuyên, các nhà khoa học không thể loại trừ nguy cơ này.  

Tiến sĩ William Schaffner - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee (Mỹ) - cũng nhận định rằng điều quan trọng của tiêm chủng là phải cho hệ thống miễn dịch thời gian để xử lý những gì nó nhận được thông qua vắc xin. 

Riêng ông Albert Bourla nói rằng, tiêm vắc xin COVID-19 hằng năm sẽ thích hợp hơn các mũi tiêm nhắc lại thường xuyên trong việc chống lại đại dịch COVID-19. “Mỗi năm một lần. Mọi người sẽ dễ nhớ lịch tiêm hơn và nhà chức trách cũng dễ thuyết phục mọi người làm điều đó hơn. Vì vậy, từ góc độ sức khỏe cộng đồng, tiêm một mũi mỗi năm là lý tưởng nhất. Chúng tôi đang tìm hiểu khả năng tạo ra một giải pháp cho Omicron và cả các biến thể khác”, ông nói. 

 Tấn Vĩ (theo Washington Post, DW, Reuters, Healthline)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI