Sau mùa “cách ly” - the bucket list của bạn là gì?

07/05/2020 - 07:30

PNO - Sau thời gian tạm dừng việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, giờ đây, dường như luồng sinh khí mới đang tràn vào cuộc sống của nhiều người. Những dự định, kế hoạch được họ “lên danh sách” thực hiện sau mùa dịch khiến tôi nhớ đến "The bucket list" - Niềm sống, bộ phim của đạo diễn Rob Reiner (kịch bản: Justin Zackham, đã công chiếu năm 2007).

Niềm sống trước bệnh tật

The bucket list - danh sách những việc phải làm trước khi chết của hai nhân vật chính Carter Chambers và Edward Cole (do hai diễn viên gạo cội Morgan Freeman và Jack Nicholson thủ vai). Một người chỉ là thợ máy (nhưng có gia đình hạnh phúc), người kia là tỷ phú đô la (nhưng cô độc). Hai con người với hai cá tính hoàn toàn trái ngược tình cờ gặp nhau trong bệnh viện, với căn bệnh hiểm nghèo và thời gian sống không còn bao lâu nữa. 

“Hai ông già” Carter và Edward Cole trong phim The bucket list
“Hai ông già” Carter và Edward Cole trong phim The bucket list

Trên giường bệnh, Carter bắt đầu viết ra những việc muốn làm trước khi chết. Edward biết được đã rất thích thú. “Ông già tư bản” này thậm chí còn thêm vào danh sách những điều xa xỉ: nhảy dù, đua xe, săn hổ, hôn người phụ nữ đẹp nhất thế giới… 

Phần lớn bối cảnh phim chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ ở bệnh viện, nhưng những cuộc đối thoại giữa hai ông già chưa bao giờ gây nhàm chán. Trái lại, sự thông minh của Carter và tính cách hài hước của Edward còn truyền cho người xem tinh thần lạc quan, về một “niềm sống” lựa chọn để được hạnh phúc, dù họ đang phải đối mặt với những sự thật khó chấp nhận nhất trong cuộc đời. 

Người chồng, người cha tận tụy Carter đã dành cả cuộc đời chăm lo cho vợ con. Còn Edward tuy sống trên đống tiền nhưng gia đình sớm tan vỡ, con gái lại không muốn nhìn mặt cha. Cũng chẳng ai nghĩ đến một lúc bệnh tật sẽ quật ngã họ. Cuối cùng, họ chọn “lên đường” để được tự do làm những gì mình thích, sống trọn cho bản thân trong khoảng thời gian hiếm hoi còn lại của cuộc đời.

Niềm vui bắt đầu từ đây, khi Carter lần đầu run rẩy nhảy dù từ máy bay trực thăng, cùng Edward đua xe như hai gã trai trẻ nghịch ngợm; vào công viên động vật hoang dã ở châu Phi, mạo hiểm băng qua con đường cheo leo bên sườn núi, chiêm ngắm kỳ quan Kim Tự Tháp, chạy mô tô trên Vạn lý Trường Thành, tận hưởng xa hoa giữa Hồng Kông hoa lệ…

Khi cái chết được báo trước, họ đã cùng nhau làm những điều mà bình thường chẳng bao giờ nghĩ tới, hoặc đủ can đảm làm. Nếu không, Carter sẽ mãi là người thợ máy chăm chỉ, còn Edward mãi ngụp lặn giữa những cuộc kiếm tiền rồi kiện tụng không ngừng nghỉ. 

The bucket list khiến người xem phải nghĩ đến “danh sách ưu tiên” của bản thân là gì. Nhất là sau những biến cố lớn của đời, bệnh tật, tai họa... Sau thời gian giãn cách xã hội, tôi đã nhìn thấy rất nhiều danh sách “những việc cần/phải/nên làm sau mùa dịch” của nhiều bạn bè trên facebook. Những dòng ghi chép lại đầy cảm xúc, mong muốn, khát khao, chờ đợi thời gian để được bắt đầu. Nó rất khác với tâm thế thường ngày về những công việc đã trở thành thói quen, hiển nhiên. Bây giờ là những nơi muốn đi, những ngoại ngữ sẽ học, những nấc thang mới muốn chinh phục, những người sẽ hẹn gặp; hay thiết thực hơn là để tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình, ăn sạch sống xanh… 

Đại dịch là biến cố lớn khiến con người dừng lại mọi hoạt động, có thời gian tĩnh tâm, suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống và quyết định những đổi thay của riêng mình. Điều chúng ta thực sự kiếm tìm và muốn làm nhất trong cuộc đời là gì? Đại văn hào Mark Twain từng viết: “20 năm nữa, bạn sẽ hối tiếc về những điều bạn chưa làm hơn những điều bạn đã làm. Vậy hãy giương buồm ra khơi, nhổ neo vượt khỏi vùng an toàn của mình, đón gió đại dương. Hãy khám phá, mơ ước và tìm thấy chính mình”. 

Và đừng quên người già của chúng ta

Hành trình tìm về chính mình chẳng phải đợi đến khi chúng ta già. Nhưng ngay cả những người già, họ cũng cần suối nguồn tinh thần cho một “niềm sống” đích thực. Cái hôn lên má đứa cháu gái xa cách nhiều năm đã hoàn thành cho Edward mong muốn được “hôn người phụ nữ đẹp nhất thế giới”.

Trong danh sách ưu tiên của hai ông già còn có việc phải “cười chảy nước mắt” - đã thực hiện trước khi Carter lên bàn mổ chỉ vì một câu chuyện phiếm về cà phê chồn. Niềm sống thiết tha đẹp đẽ là như vậy, gói trọn cả những giấc mơ và cả những điều bình thường chân thật nhất trong từng khoảnh khắc thường hằng của mỗi người. 

Hai ông già bệnh tật trong phim đã kết thúc cuộc đời của họ, bằng mong ước cuối cùng: được lên đỉnh Everest ngắm nhìn núi tuyết. Tro cốt họ được người cộng sự mang lên đặt cạnh nhau, trên đỉnh núi. Một kết thúc mất mát, nhưng lại có hậu khi cả hai đều hoàn thành được tất cả tâm nguyện trong “the bucket list” của mình.

Họ ra đi trong sự chấp nhận bình thản và không còn điều gì để nuối tiếc. Phim hài hước, nhiều tiếng cười nhưng cũng để lại sự cảm thông sâu sắc, sớt chia những thấu hiểu dành cho thế giới người già.  

Nhìn lại những người già của đời mình, chúng ta có biết - và có dành cơ hội để họ được thực hiện những “bucket list” của chính họ? Những người già của chúng ta, cho đến giờ phút này, niềm sống thật sự mà họ vẫn hằng mong muốn là gì? Giá mà họ cũng luôn tìm thấy được niềm vui, những chia sẻ và thấu cảm nhẹ nhàng - như chính hai ông già trong một bộ phim đã cũ… 

Trailer phim The bucket list:

 

 

Quyên Bùi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI