Sau một ngày, Covid-19 cướp đi mạng sống thêm 142 người ở Hồ Bắc

16/02/2020 - 07:41

PNO - Cơ quan y tế tỉnh Hồ Bắc hôm nay (16/2) báo cáo 142 ca tử vong do coronavirus và 1.843 trường hợp lây nhiễm mới xác nhận, mặc dù số người nhiễm virus giảm so với ngày hôm trước (2.420 ca), nhưng con số tử vong không thay đổi.

Một nhân viên bảo vệ kiểm tra thân nhiệt của một người đàn ông tại một khu chợ ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg
Một nhân viên bảo vệ kiểm tra thân nhiệt của một người đàn ông tại một khu chợ ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg

Báo SCMP dẫn theo số liệu cập nhật của Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, tính đến ngày 16/2, tổng số trường hợp nhiễm virus trên toàn thế giới là 69.195 người, số người tử vong là 1.669 và số người bình phục sau khi điều trị là 9.465 người. Riêng tại Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan, các con số tương ứng là 68.574 (nhiễm) – 1.666 (tử vong).

Đáng chú ý, một du khách Trung Quốc đã chết ở Pháp do virus corona chủng mới, đây là trường hợp tử vong đầu tiên của Covid-19 bên ngoài châu Á. Kênh truyền hình BBC dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn cho biết nạn nhân là một người đàn ông 80 tuổi sống ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Người đàn ông đến Pháp vào ngày 16/1 và được đưa vào cách ly tại bệnh viện ở Paris vào ngày 25/1.

Đến nay, đã có bốn trường hợp tử vong do Covid-19 được báo cáo bên ngoài Trung Quốc đại lục, một tại Hồng Kông, một tại Philippines, một tại Nhật Bản và một tại Pháp.

Cuối tháng Giêng, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên xác nhận có các trường hợp nhiễm virus. Pháp có 11 ca nhiễm virus đã được xác nhận, đến nay – trừ trường hợp tử vong – 4 người đã bình phục, 6 người vẫn điều trị cách ly trong bệnh viện. Đáng chú ý, con gái 50 tuổi của người đàn ông tử vong nằm trong số 6 người nhiễm virus còn nằm viện.

Trong một diễn biến khác, một phụ nữ Mỹ 83 tuổi đi trên tàu du lịch MS Westerdam cập cảng Campuchia, đã thử nghiệm dương tính với virus sau khi rời tàu đến Malaysia bằng đường hàng không. Người phụ nữ và chồng là hai trong số 145 hành khách rời con tàu bay tới Malaysia sau khi nó cập cảng. Cả hai đều cho thấy các triệu chứng, nhưng người chồng thử nghiệm âm tính với virus.

Phát biểu công khai lần đầu tiên kể từ khi được phái đến Vũ Hán, phó giám đốc NHC Wang Hesheng cho biết ông sẽ đảm bảo rằng “sẽ không có thêm một Vũ Hán nữa trong tỉnh Hồ Bắc”. Chín trung tâm y tế với sức chứa kết hợp gần 7.000 giường đã được mở trong thành phố và tỉnh đang lên kế hoạch mở thêm cơ sở để điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Nhiều thành phố gần Vũ Hán đã tăng cường công tác cách ly. Ngày 15/2, thị trấn Wuxue tuyên bố, trừ những người đang làm nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh, bất cứ ai khác đi trên đường đều sẽ được đưa đến một sân vận động để kiểm tra.

Ngày 15/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra phản ứng đối với coronavirus trên quy mô chính phủ. Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, “đây không phải là việc riêng của các bộ trưởng y tế và cách tiếp cận xử lý bệnh cần thống nhất và được phối hợp, được quyết định bởi bằng chứng và các ưu tiên về sức khỏe cộng đồng”. Người đứng đầu WHO một lần nữa ca ngợi Trung Quốc khi nói rằng các bước đi của chính phủ Bắc Kinh là đáng khích lệ.

Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh tại Bắc Kinh ngày 10/2 - Ảnh: Xinhua
Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh tại Bắc Kinh ngày 10/2 - Ảnh: Xinhua

Một trong những minh chứng cho điều này là Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh báo về coronavirus từ những ngày đầu khi dịch bệnh mới bùng phát. Nhân Dân Nhật báo và các cơ quan truyền thông nhà nước hôm 15/2 công bố bài phát biểu nội bộ của Chủ tịch Trung Quốc vào ngày 3/2, trong đó ông chỉ thị khống chế dịch bệnh một cách quyết liệt.

Trong bài phát biểu mới được công bố, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra một kế hoạch dự phòng để đáp ứng với cuộc khủng hoảng mà ông nói rằng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân Trung Quốc, mà còn gây nguy hiểm cho đất nước, gây mất ổn định kinh tế và xã hội, thậm chí làm tổn hại đến chính sách mở cửa của Trung Quốc.

Du thuyền Diamond Princess đang được cách ly tại cảng Yokohama (Nhật Bản) - Ảnh: AP
Du thuyền Diamond Princess đang được cách ly tại cảng Yokohama (Nhật Bản) - Ảnh: AP

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến Covid-19, Hồng Kông hôm 15/2 đã sắp xếp các chuyến bay thuê bao để hồi hương hơn 300 cư dân đặc khu mắc kẹt trên tàu du lịch Diamond Princess đang bị bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật bản. Tuy nhiên, sau khi về đến Hồng Kông, hành khách sẽ được cách ly 14 ngày tại một trung tâm y tế của đặc khu.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI