Sau ly hôn, vợ làm gì cho con cũng đòi tiền công

08/02/2025 - 17:58

PNO - Đừng để cô ấy chi phối và không nhất thiết phải làm theo tất cả yêu cầu của cô ấy nếu chúng vô lý hoặc nằm ngoài khả năng của anh.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi và cô ấy cưới nhau được 7 năm, có một con trai 5 tuổi. Chúng tôi ly hôn cách đây gần 1 năm. Khi ra tòa, vợ tôi giành quyền nuôi con. Tôi rất ngạc nhiên vì trước đây, cô ấy không hề chăm sóc con, tất cả mọi việc chăm con đều do tôi làm.

Nghĩ rằng lúc chia tay cô ấy mới thương con và người mẹ nào cũng không muốn rời xa con, tôi chấp nhận ngay yêu cầu của cô ấy và đồng ý mỗi tháng chu cấp cho con 5 triệu đồng (lương tôi là 15 triệu đồng/tháng).

Thế nhưng từ đó đến nay, cô ấy luôn hành hạ tôi về chuyện cô ấy phải chăm sóc con một mình. Làm gì, cô ấy cũng ghi ra và yêu cầu tôi trả lại tiền, từ tiền mua sắm đến tiền công chăm sóc. Có tháng, những khoản này lên tới hàng chục triệu đồng.

Tôi không tiếc tiền với con mình nhưng có cảm giác cô ấy đang giữ con tôi làm con tin chỉ để vòi tiền của tôi. Cô ấy giao con cho người giúp việc (cô ấy về sống với gia đình) để đi nhảy đầm, massage suốt ngày.

Giờ tôi muốn giành lại con về nuôi, không cần cô ấy chu cấp, có được không? Con tôi cũng luôn nói muốn về với ba, muốn ở với ba. Ý muốn của cháu có thể là lý do để thay đổi quyền nuôi con không, thưa chị Hạnh Dung?

Trần Hoàng

Minh họa: Internet

Anh Trần Hoàng thân mến,

Khi vợ chồng ly hôn, rắc rối, phức tạp và nảy sinh nhiều vấn đề nhất là chuyện chăm sóc nuôi dạy con. Tuyệt vời nhất là khi cha mẹ chia tay trong hiểu biết và văn minh, hợp tác cùng nhau để mang đến cho con sự bình ổn và có được tình yêu thương, quan tâm của cả hai người. Tệ nhất là khi cha mẹ sử dụng con cho những mục đích riêng như trả thù, làm khó dễ, đòi hỏi...

Chỉ nghe lời kể từ phía anh, Hạnh Dung không thể khẳng định vợ cũ của anh đang hành hạ anh với mục đích nào đó. Có thể đây cũng là những cảm nhận chủ quan của anh. Cũng có thể vợ anh gặp khó khăn thật sự trong việc một mình chăm sóc con, trong khi trước kia cô ấy chưa từng làm việc đó.

Dù là lý do nào chăng nữa, có một điều rõ ràng là anh không thể thay đổi cách xử sự của vợ cũ. Vậy thì anh chỉ có thể thay đổi chính mình để mọi việc nhẹ nhàng, đơn giản hơn.

Điều quan trọng nhất là làm sao cho con được bình yên và bản thân anh cũng nhẹ nhàng. Anh hãy xét xem mình đã làm đủ nghĩa vụ và trách nhiệm, làm tốt hết mức có thể hay chưa. Nếu đã đủ và đúng, anh hãy vững vàng tự tin để có thể có những hành xử đúng nhất với mọi yêu cầu, đòi hỏi của vợ cũ.

Đừng để cô ấy chi phối và không nhất thiết phải làm theo tất cả những yêu cầu đòi hỏi của cô ấy nếu chúng vô lý hoặc nằm ngoài khả năng của anh. Cứng rắn, cương quyết nhưng hết sức mềm mỏng, yêu cầu được xem xét mọi sự cần thiết thực sự của những yêu cầu đó sẽ khiến cô ấy phải thận trong hơn khi yêu cầu đòi hỏi ở anh.

Theo Hạnh Dung biết, trẻ trên 7 tuổi mới được tòa hỏi ý kiến về việc muốn sống với ba hay mẹ. Anh nên đàm phán hòa bình, thuyết phục vợ cũ có những sự lựa chọn tốt nhất cho con, để bé thoát khỏi một cuộc chiến giành giật rất dễ gây tổn thương cho trẻ.

Nếu những nỗ lực giải quyết trong hòa bình thất bại và anh thật sự mong muốn được nuôi dạy con, muốn con được lớn lên trong môi trường sống tốt hơn, hãy liên hệ với luật sư để có được hướng đi đúng đắn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI