Chị Nguyễn Hồng Ngọc làm ngành bất động sản, từng có người chồng giàu và cậu con trai kháu khỉnh. Anh đi làm về đúng giờ, chăm lo cho gia đình và yêu thương vợ con… Vì vậy, chị rất sốc khi biết chồng ngoại tình từ lâu. Khi đã vượt qua cơn bão ly hôn, chị kể lại câu chuyện dưới đây:
Xoa dịu nỗi đau của cha mẹ
Trước khi quyết định ly hôn, tôi gặp bố mẹ để trao đổi. Bố mẹ tôi rất thất vọng và suy sụp. Gia đình có hai anh em thì anh tôi cũng đã ly hôn, sau đó, mối quan hệ của ông bà và các cháu cũng bị chia cắt. Giờ đến tôi ly hôn và cũng định để nhà chồng nuôi cháu. Với bố mẹ tôi, cảm giác không còn gần gũi được với cả cháu nội và cháu ngoại là quá sức chịu đựng.
Bố mẹ tôi là những người có uy tín trong dòng họ, cư xử khéo léo, được lòng mọi người nên nhiều người hay đến để hỏi xin lời khuyên nên sống thế nào cho vợ chồng hòa thuận, chăm con tốt… Thế mà hai đứa con của ông bà đều thất bại trong hôn nhân, lại đều không nuôi con. Theo quan điểm của người Việt, phụ nữ sau ly hôn không nuôi con thì hay bị coi thường, bị xem là loại “phụ nữ không ra gì”.
Nhưng theo hoàn cảnh lúc đó, nhà chồng tôi nuôi bé thuận tiện hơn. Bố khá bình tĩnh, thông cảm với tôi, nhưng mẹ tôi tự trách bà đã không nuôi dạy con chu đáo. Với bà, cuộc ly hôn của tôi là một vết nhơ lên sự kiêu hãnh và hình ảnh của bà. Bà còn lo cháu ngoại không có mẹ thì sẽ không ngoan, không được chăm sóc tốt.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifeforstock |
Với tôi, những ngày đó là giai đoạn khó khăn nhất. Tôi rất thương bố mẹ, nhưng hiểu việc gì là tốt nhất cho con và bản thân lúc đó. Tôi chọn cách đối diện với chính nỗi đau thay vì chạy trốn.
Tôi giữ lập trường và cố gắng giải thích để bố mẹ hiểu rằng ông bà vẫn có thể kết nối với cháu ngoại thường xuyên.
Tôi và chồng cũ đã thống nhất cùng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ông bà thăm cháu, đưa cháu về quê chơi, hoặc tạo các group chat để thông tin về cuộc sống/học tập của cháu đến ông bà. Gia đình nhà nội và cả vợ mới của chồng tôi cũng tận tâm chăm sóc và dạy dỗ cháu. Con trai tôi vẫn rất thương mẹ, dù không sống với tôi.
Ba năm sau, bố mẹ tôi không còn ngại với chuyện tôi ly hôn nữa. Bố tôi nhận ra, ly hôn là cánh cửa mới, bởi tiếp tục mối quan hệ không có tình yêu và nhiều mâu thuẫn là gánh nặng tâm lý cho cả mình, cho con và những người xung quanh.
Sách là chiếc phao cứu sinh
Trước khi ly hôn, tôi đọc nhiều sách về tâm lý con người, sách Phật pháp, hiểu cơ bản về nhân quả, vô thường của cuộc đời, nên bình tĩnh và chuẩn bị tâm lý. Đây là chiếc phao cứu sinh cứu tôi khỏi đau khổ.
Nếu không có trí tuệ soi vào vết thương lòng, tôi đã giận dữ, oán trách bản thân và người khác. Khi đã hiểu mọi việc trên đời đều do rất nhiều nhân duyên mới thành, không ai có thể tự mình quyết định được điều gì, tôi hiểu người ta đều đã cố gắng hết sức và làm điều mà đúng nhất trong khả năng của họ.
|
Chị Hồng Ngọc: “Tôi thích tôi bây giờ hơn cô gái ngày xưa” |
Quyết định rời xa con của tôi cũng là quyết định mà tôi cho là hợp lý nhất với hoàn cảnh thời điểm đó của tôi và chồng. Tôi chuẩn bị tâm lý cho điều đau lòng nhất có thể xảy ra là con sẽ ghét mẹ, coi mẹ là đồ tồi, hay con gặp nạn mà tôi lại không ở bên bảo vệ được. Nếu quả thật tôi và con có nhân duyên xảy ra chuyện như vậy, thì đó cũng là điều không thể tránh.
Và thực tế, sau nhiều năm sống xa mẹ, bé vẫn rất ngoan, thương mẹ. Mỗi lần gặp nhau hai mẹ con quấn quýt lắm. Những hôm biết tin mẹ bệnh ốm, bé thành tâm đi phóng sinh, đi chùa cầu phước lành cho mẹ, rất cảm động.
Chuyện ly hôn thời nay là chuyện bình thường, xã hội không còn định kiến nhiều như trước nữa. Người phụ nữ bước ra khỏi cuộc hôn nhân không có nghĩa là họ rất tệ, mà đơn giản là cách sống không phù hợp với nhau, không muốn bó buộc nhau nữa.
Chấp nhận sự thật mới về bản thân
Tuy nhiên, khi tìm hiểu những mối quan hệ mới, tôi thấy sự ái ngại của đối phương với người đã ly hôn. Họ coi tôi giống như mối quan hệ qua đường, yêu đương cho vui. Nhiều người đàn ông chưa vợ, còn trẻ, họ rất ngại khi dẫn phụ nữ một đời chồng về ra mắt gia đình. Tôi cũng cảm thấy hoàn cảnh của mình gây ra sự khó khăn cho họ: Có thể bị bố mẹ ngăn cấm, chê bai…
Mặc dù chuyện ra mắt gia đình bạn trai chưa diễn ra, nhưng trong đầu tôi đã tưởng tượng ra bao nhiêu trắc trở. Dần dần, tôi cảm thấy những chướng ngại đến từ bên trong mình. Tôi tự coi thường chính mình, và làm cho mình thấy tự ti, chứ không phải họ. Sâu thẳm dưới mặc cảm của mình, là kỳ vọng rất lớn vào việc bạn trai và gia đình bạn trai phải vui vẻ chấp nhận mình. Điều này thực sự rất khó, bởi họ đương nhiên sẽ có những nỗi lo của họ. Tôi không thể bắt họ phải chấp nhận mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Sau ly hôn, tôi quen vài người, nơm nớp sống trong hy vọng rồi lại thất vọng khi người ta đến và ra đi. Điều kỳ diệu đã đến, tôi dần chấp nhận được sự thật về bản thân mình: Một phụ nữ đã ly hôn, đã có tuổi, có con, không giàu sang, không quá xinh đẹp, thu hút hấp dẫn khiến người ta phải bất chấp tất cả mà si mê mình. Tôi có thể sẽ sống một mình, không kết hôn nữa.
Một vị thầy từng bảo: “Sứ mệnh đã cho sao chẳng hưởng”, tôi rất cảm hứng với điều này. Ly hôn - đó là một phần của con người mình và việc ly hôn đã tạo nên con người của mình ngày hôm nay: Nhiều vết thương, nhưng cũng nhiều thấu hiểu và yêu thương. Sứ mệnh đã đem ly hôn đến rồi, thì tôi hưởng nó thôi!
Nếu so tôi - 35 tuổi, đã ly hôn với cô gái mơn mởn 24 tuổi ngày xưa, tôi thích tôi bây giờ hơn: Tự lập hơn, tự tin hơn, ít phán xét hơn. Hồi chưa ly hôn, tôi hay phán xét những phụ nữ ly hôn, hay những gia đình tan vỡ, mẹ không nuôi con… Giờ thì tôi cũng như thế, nên hiểu và rất thông cảm.
Tôi yêu phiên bản bây giờ của mình, chẳng có gì phải mặc cảm! Nếu thi thoảng mặc cảm cũng chẳng sao, mặc cảm cũng là một phần của con người mình. Tôi cũng yêu cả sự mặc cảm này.
Vững vàng không phụ thuộc vào số vàng bạn có
Có một thực tế, nhiều phụ nữ tin rằng ly hôn khi kinh tế vững vàng sẽ không sợ hãi nữa, nên họ lao vào kiếm tiền, họ kiếm tiền ngày đêm. Nhưng liệu đây có phải là một giải pháp tối ưu? Bao nhiêu tiền là đủ để gọi là “kinh tế vững vàng”? Không ít người rất giỏi, kinh tế của họ không chỉ vững vàng mà chắc là “ngàn tấn vàng”, thế nhưng biến cố đến, họ mất hết tài sản, thậm chí vào tù. Theo tôi, sự vững vàng không nằm ở số vàng bạn giữ, mà là trí tuệ bên trong bạn. Càng nhiều hiểu biết, bạn càng vững vàng.
Trí tuệ là nền tảng đầu tiên, là hiểu rằng mọi sự trên đời đều thay đổi. Trí tuệ nền tảng thứ hai, là hiểu rằng mọi việc đều do vô số duyên tạo thành, những điều mình mong muốn hoặc cố gắng kiểm soát có thể không xảy ra, bởi nó còn bị chi phối bởi các hoàn cảnh, điều kiện khác. Hai nền tảng này giúp mình không sợ hãi và bình an, dù cả khi không có tiền, việc làm bấp bênh do dịch bệnh hay thất nghiệp.
Hồi tôi còn bé, mẹ tôi bảo, không kiếm được tấm chồng thì sống cô độc suốt đời kinh khủng lắm. Đó vẫn là nỗi ám ảnh vô thức với tôi nên có lúc, sau khi ly hôn, tôi nghĩ hạnh phúc gia đình và thanh xuân của mình đã hết.
Nhiều người hỏi tôi: “Làm thế nào để nếu ly hôn ta vẫn có thể bình tĩnh, bình an?”. Theo tôi, bạn nên quan tâm đến nhìn nhận thế nào, chứ không phải là làm thế nào.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Có người sau ly hôn ăn mặc quyến rũ thu hút hơn, đăng mạng xã hội để dằn mặt người cũ, hoặc lao đi tìm người mới và hy vọng rằng người mới sẽ tốt hơn người cũ.
Có người lao vào công việc, có người đi du lịch, đi học cho khuây khỏa. Các giải pháp đều có vẻ giải quyết được một lúc, nhưng thường là không bền. Có biến cố xảy đến thì sự bình an, thoải mái ấy lại mất: Bệnh tật, tai nạn, cãi vã, bất đồng quan điểm.
Nhìn nhận việc ly hôn như một thảm họa, đem đến cho bạn tổn thương và dằn vặt, bạn sẽ trải qua ly hôn nhưng chưa vượt qua. Nhìn nhận việc ly hôn như một biến cố đến để giúp bạn trưởng thành và trải nghiệm nhiều cung bậc khác nhau của cuộc đời, bình an sẽ luôn ở cạnh bạn.
Trong câu chuyện của tôi, chồng tôi tìm được người phụ nữ phù hợp cùng anh gánh vác trách nhiệm gia đình. Tôi không còn phải cố gồng lên làm người phụ nữ đảm đang. Cuối cùng, theo góc nhìn nào thì mọi chuyện cũng đều hoàn hảo, đúng lúc, đúng đắn!”.
Tuệ Nga