Sau ly hôn, càng nên bớt 'cái tôi'

09/08/2017 - 13:00

PNO - Rất nhiều các vụ án tranh chấp quyền nuôi con căng thẳng kéo dài, có khi giằng co cả chục năm, đến khi đứa trẻ trưởng thành...

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đôi bên đã dẹp bỏ thù hận để thỏa thuận chuyện con ở với ai, người còn lại đưa đón, thăm con thế nào.

Sau ly hon, cang nen bot 'cai toi'
Ảnh minh họa

Năm 2011, chị Tr. (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) kết hôn với anh H. (quốc tịch Úc) là một doanh nhân công tác tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Họ có con chung là bé gái 5 tuổi. Thời gian đầu gia đình rất hạnh phúc, anh H. đi làm ở Vũng Tàu, cuối tuần thường về TP. HCM với vợ con; cũng có khi chị Tr. bồng con xuống Vũng Tàu để gia đình sum họp.

Một năm trở lại đây, thấy chồng đi công tác xa dài ngày, chị Tr. nghi ngờ chồng có người phụ nữ khác, còn anh H. cho rằng chị Tr. tiêu xài phung phí... Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng nên hai người sống ly thân. Rồi chị Tr. quyết định đơn phương xin ly hôn và xin giành quyền nuôi con. Chị chuyển nhà và giấu địa chỉ khiến anh H. không thể thăm con. Anh đề nghị được trò chuyện và xem hình ảnh con qua webcam, chị Tr. cũng không đồng ý. Do vậy anh H. không hợp tác trong vụ ly hôn, buộc lòng tòa án phải thực hiện ủy thác tư pháp kéo dài.

Cuối cùng, anh H. gửi email cho chị Tr., nói rằng anh sẽ đồng ý hợp tác với tòa để sớm kết thúc vụ án ly hôn với điều kiện được chia sẻ quyền nuôi con. Cụ thể, những ngày cuối tuần anh được đưa con về nhà anh, những ngày còn lại trẻ ở với mẹ; hoặc trong chín tháng đi học trẻ ở với mẹ, ba tháng hè bé được ở với cha. Qua tư vấn của luật sư, chị đã thỏa thuận chia sẻ quyền nuôi con với anh H.

Sau ly hon, cang nen bot 'cai toi'
Ảnh minh họa

Điều 81, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Sau ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên. Trường hợp không thỏa thuận được quyền nuôi con thì tòa án quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi  của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Tuy nhiên, pháp luật tôn trọng quyền tự thỏa thuận của vợ và chồng. Chỉ khi nào có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết, tòa án mới quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng.

Tóm lại, tuy vợ chồng ly hôn nhưng quan hệ giữa cha mẹ với con cái vẫn tồn tại đến suốt đời. Cha mẹ ly hôn, con trẻ đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, nếu các bên bỏ bớt cái tôi của mình, cùng nhau dành những điều tốt nhất cho con, cụ thể là hợp tác với nhau trong việc nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con, để con vẫn sống trong tình thương, sự gần gũi và sự dạy dỗ đầy trách nhiệm của cả cha và mẹ, trẻ mới bớt thiệt thòi. 

(Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI