PNO - Thi thoảng được nghe mách: “Sài Gòn việc nhiều, dễ sống”, đàn ông miền Trung, dẫu chưa hình dung về mảnh đất Sài thành, vẫn coi lời mách như món quà, mở ra cơ hội cho cuộc sống. Trong trăm ngàn cuộc thiên di vào Nam, hành trang của họ có khi chỉ là câu nói đó. Giấc mộng đổi đời chưa dám nghĩ; họ đi, vì sau lưng, đói nghèo áo cơm đã đến hồi rượt đuổi. Đàn bà ở lại, vươn vai gánh gồng, gìn giữ gia đình.
1.
“Cô còn nhớ trận lụt hồi tháng 10/2016 không? Tui đi từ dạo đó” - vừa nói, ông Bình vừa ngồi bệt xuống đất. Chậm rãi mở hộp cơm mới xin được từ một nhóm từ thiện ngay trước cổng Bệnh viện Nhân dân 115 (Q.10, TP.HCM) ra ăn, không đợi trả lời, ông tiếp: “Hôm qua gọi về, vợ kêu an toàn rồi, không cần tui về nữa. Nhưng nói thật, muốn về cũng lấy gì về? Về rồi cũng theo vợ con đi trú tránh chứ giúp được gì đâu”. Rồi ông rơm rớm: “Mà ở thì lòng dạ không làm sao yên ổn”. Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - quê ông Bình đang ngập sâu. Trận lũ lụt kinh hoàng giày xéo miền Trung mấy ngày qua chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có vị khách tiến lại, hỏi mua cái bấm móng tay, vô tình đưa ông Bình về thực tại. Ông chậm rãi: “Vào Sài Gòn gần 5 năm, tui chuyển nghề đến bốn lần”. Cái nghề mà ông Bình đang theo đuổi, là đeo miếng ván có mấy cặp kính, mớ bấm móng tay, hoa tai cho con nít, mấy chiếc nhẫn giả… đi bán dạo khắp đường sá. Trước, ông Bình bán quần áo dạo lề đường; trước nữa, là bán vé số, khuân vác ở một chợ hoa.
Tháng 11/2016, gia đình ông khánh kiệt vì trận lụt quét qua. Một con bò, bốn con heo chết sạch; mấy tạ thóc dành dụm từ vụ lúa hè - thu trôi theo lũ, ba sào ruộng vừa xuống giống cho vụ lúa đông - xuân thì phải qua tết mới gặt. Ăn tết bằng gì? Còn chọn lựa nào khác đâu. Vậy là ông Bình đi! Hai tháng sau là tết, ông mang về cho vợ được hơn bốn triệu đồng. Tết xong, vợ chồng ông bàn tính, vào thành phố làm xem ra vẫn… ngon; ở quê, việc đồng áng không nhiều, một mình vợ ông lo cũng ổn. Vịn vào lẽ đó, ông trụ lại thành phố đến giờ. Nhờ vậy mà hai con ông vẫn còn đến trường, hiện đều học cấp III.
Như mọi người chồng buộc phải bỏ lại gia đình để tìm đường mưu sinh, điều khiến ông Bình day dứt nhất, chính là nỗi đơn độc của vợ. Sáng 18/10, hay tin lũ tràn về, ông gọi mười mấy cuộc, không ai bắt máy. Gọi sang hàng xóm, ông nghe giọng oang oang: “Vợ con anh rảnh đâu mà nghe”. Người hàng xóm kể, suốt ngày 17, mưa quá lớn, nước sông dâng nhanh. Vợ con ông loay hoay khiêng chồng hai chiếc giường, đưa đàn heo lên đó; con bò đã dắt sang gửi nhà khác, mấy bao lúa dành ăn tết cũng được chở đến nhà tầng lầu của ông Tám gửi nhờ…
Chiều 18, vợ ông gọi lại, nói mà như hét giữa cơn mưa: “Đang thu xếp để cán bộ đưa đi trú tránh”. Ông Bình đứng ngồi không yên, đòi về. “Giờ này về chi đâu, dành tiền đó chờ qua lũ coi nhà cửa còn gì không, hẵng tính” - ông Bình kể, vợ ông dặn vậy. Đã đành lòng dạ bất an, nhưng ông lục túi cũng chỉ móc ra đâu hơn hai triệu đồng. Sau lũ, dựng lại nhà kiểu gì đây?
Giữa bão lũ miền Trung, hầu như chỉ thấy đàn bà gánh gồng cha mẹ già, con nhỏ (ảnh minh họa)
2.
Miền Trung tựa núi nhìn biển mà hạn hán, lũ lụt luân phiên xoay vần. Sau một đợt tai ương điêu tàn, lại thấy hàng trăm người đàn ông lần lượt xách cái túi đi đường xẹp lép, ra quốc lộ bắt xe khách đi tứ xứ mưu sinh. Trong trăm ngàn cuộc thiên di đó của đàn ông, đàn bà ở lại, một mình chống chọi, vun vén cho mái nhà khỏi ngã.
Không còn lựa chọn, đàn bà cũng chỉ cố gánh gồng, đến đâu hay đến đó. Có người vợ giỏi giang, vượt khó vươn lên làm “hậu phương” cho chồng, gia đình êm ấm, con cái hiếu thuận. Cũng có những gia đình đứt gãy như sự tất yếu của mái nhà thiếu đi một trụ cột vững vàng, thiếu đi những sẻ chia chồng vợ.
Năm 2017, mưa lớn, Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ, tỉnh Quảng Nam ngập nặng. Xong trận lụt, ông Tám Long khăn gói vào TP.HCM. Ông thuê một căn phòng nhỏ xíu ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, ngày ngày đi nhặt ve chai, rồi bán thêm vé số. Mỗi tháng, ông gửi về hơn ba triệu đồng cho vợ nuôi hai người con trai. Tháng 4/2019, ông Tám Long đang dự tính đón cậu con đầu tốt nghiệp lớp 12 vào thành phố học đại học thì đâu đó vài ngày sau, vợ ông gọi vào, nói như kẻ lạc thần: thằng nhỏ chết rồi. Nó đua xe với bạn, bị tai nạn. Ông sấp ngửa quay về. Vợ ông vỗ ngực thình thịch: “Nó trổ hư ngay từ lúc ông đi”. Ông ngửa mặt lên trời. Hình ảnh đứa con ngoan ngoãn trong mấy ngày tết ông về, thay bằng những câu chuyện khác hẳn ông được nghe từ vợ, từ người thân về một thằng nhỏ ngỗ nghịch…
“Trách mình chứ không dám trách chồng” - cho đến giờ, bà Thủy, ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, còn ngoái nhìn quá khứ. Mà, thật khó để bà không ngoái về khi mỗi ngày, bà vẫn đang sống trong cái cảnh mà bà hay tự gọi là “bi thảm”.
Người ta có thể quên trận lũ lụt kinh hoàng năm 1999, nhưng với bà Thủy, thật khó để quên vì tai ương còn quét đi hạnh phúc của chính bà. Sau trận lụt năm đó, chồng bà đi sang Lào làm gỗ. Ông đi biền biệt 5 năm trời. Chốn rừng sâu, không tiện gửi tiền về, nhưng lời hứa chỉ về khi đủ vốn làm ăn, gầy dựng lại cuộc sống của ông luôn khiến bà tin tưởng. 5 năm, ông mang về hơn hai trăm triệu đồng. Niềm vui đoàn tụ chưa được bao lâu, thì tầm hai tháng sau ngày ông về, có người phụ nữ từ đâu mang đến một đứa trẻ, nói: “Chồng đâu vợ đó”.
Không chịu cảnh chung chồng, bà bỏ ra sân kho (nơi thu gom lúa vừa gặt dành cho xóm) dựng một căn chòi, sinh sống một mình. Năm 2018, chính quyền quy hoạch khu đất sân kho, bà về lại nhà chồng, được ông cấp cho một gian bếp sau hè, lủi thủi sống đến nay…
Sau cơn lũ lịch sử này, sẽ có bao người phải khăn gói dời quê hương đi tìm cơm áo?
3.
Qua phút buồn lo, ông Bình kể về vợ như một nữ siêu nhân. “Tui chỉ biết kiếm tiền, chứ nhà cửa con cái hai bên dòng họ ra sao, một mình vợ quán xuyến hết” - ông nói. Những câu chuyện nhỏ bé rất đời của vợ ông, đơn độc trở xoay từ nơi xa xôi theo tháng năm, chồng chất trong ông ở chốn này sự biết ơn khôn cùng.
Năm ngoái, giữa đêm, con gái đau ruột thừa, vợ ông tất tả đưa con đến bệnh viện. Qua hôm sau, bà gửi con cho người ở bệnh viện rồi quày quả về nhà lo nấu cỗ cúng cha chồng. Có đợt ông buôn bán áo quần thua lỗ, không có tiền gửi về, cậu con trai đòi bỏ học, vợ ông chấp nhận bán lúa non đóng học phí cho con, đi nuôi người trong bệnh viện lấy tiền gửi ngược cho ông dăm triệu đồng…
Thi thoảng, trong vài dịp gặp người quen giữa thành phố thênh thang, ông Bình kể, ông biết có nhiều gia đình đang hạnh phúc, mà sự chia biệt vợ chồng như tình cảnh của ông, đi nơi xa vì khó khăn rượt đuổi, đã khiến mái ấm ngổn ngang, vỡ tan hạnh phúc. Cũng nhiều người hỏi ông, rằng có định liệu ngày về. Khi ấy, ông thường trả lời, đó là ước muốn như ước muốn của bao người chồng vì nghèo mà bỏ quê, nhưng về thì biết làm gì? Hiện tại, quê nhà đang lũ lụt, ông chỉ mong kiếm thêm một khoản tiền, gửi về sau bão; rồi lo cho cái tết đang đến gần.
Ông Bình tâm sự, trong hoàn cảnh chia lìa, mối gắn kết giữa vợ chồng coi như đặt trong tình thế xấu nhất, là đứt đoạn. Nhưng, nếu hiểu vì sao mình ra đi, nếu luôn biết mình đang làm gì, cần làm gì và hướng tới điều gì, thì sẽ trụ vững. Đàn ông tha hương cầu thực, đàn bà ở lại giữ nếp nhà - câu chuyện đó nằm ngoài mọi “quy hoạch” về bình đẳng hay vai trò của từng giới. Nó là câu chuyện sống còn giữa những cặp bạn đời, giữa những gieo neo khốc liệt của điều kiện sống. Cả kẻ ở người đi, dù cực khổ khác nhau nhưng vẫn chỉ nhằm một khát khao: phải sống!
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.