Sau lòng thù hận…

10/05/2020 - 19:52

PNO - Scarlet Innocence (tựa Việt: Má hồng ngây thơ) của đạo diễn Yim Pil Sung kể một câu chuyện hiện đại, nhiều hệ lụy và đầy ám ảnh. Hai nhân vật chính đều phải đánh đổi, chịu mất mát, giày vò từ sai lầm của bản thân.

Là một giáo sư văn học trẻ tuổi, đẹp trai, lịch lãm, tài năng nhưng trong lòng Shim Hak Kyu luôn tồn tại cảm giác chán chường, mệt mỏi. Vướng vào một vụ bê bối tại trường, Hak Kyu phải đến vùng ngoại ô Seoul xinh đẹp nhưng buồn tẻ, dạy văn cho những người già ở làng trong thời gian chờ điều tra. Anh hy vọng có thể “tìm được điều gì đó thuần khiết đang biến mất dần trong mình”.

Deokee là cô gái mới lớn, làm việc trong khu giải trí trẻ em, luôn mong sớm nhận tiền đền bù khi làng quê được quy hoạch để đến Seoul, một nơi náo nhiệt và vui vẻ. Trong khi đó, người mẹ câm của cô lại luôn hy vọng con gái sớm tìm được một người chồng tử tế.

Gặp Hak Kyu, Deokee rơi ngay lập tức vào lưới tình bởi Hak Kyu hội tụ tất cả những gì Deokee mơ mộng và kỳ vọng về một hình mẫu đàn ông lý tưởng. Một cuộc tình vừa dịu dàng, vừa lén lút và đầy tính lừa dối bắt đầu với hai niềm tin, hai niềm hy vọng khác nhau.

Deokee mê muội, bị tình yêu che mờ lý trí, bỏ quên cả người mẹ câm, mặc kệ cả những lời xì xầm của hàng xóm. Vì yêu Hak Kyu, Deokee sẵn sàng phá bỏ bào thai cô đang mang. Nhưng đổi lại, cô chẳng nhận được gì ngoài những lời hứa.

Hak Kyu trông chờ từng ngày được trở về Seoul, trở về với danh vọng đã đánh mất. Lo sợ Deokee phá vỡ những gì vất vả lắm mới gầy dựng lại được, Hak Kyu trở lại làng đưa cô một số tiền. Họ cãi nhau. Tấm rèm cửa bén lửa bếp đang nấu dở. Một trận hỏa hoạn xảy ra, thiêu rụi ngôi nhà, cả người mẹ câm, cả Deokee.

Đến lúc ấy, Hak Kyu mới nhận ra, mảng thuần khiết duy nhất còn sót lại trong anh đã cháy rụi. Sợi dây cuối cùng của Hak Kyu neo nơi người vợ trầm cảm cũng đứt ngay sau đó. Khoảng cách giữa anh và đứa con gái bé bỏng xa dần. Cuộc đời anh rơi tự do, sa đà vào mọi thú vui con người có thể phạm phải. 

Không quá khó để người xem đoán được rằng Deokee không chết. Sự trở lại của cô như thế nào mới là phần đáng xem của Má hồng ngây thơ.

Ở phần hai, người xem sẽ hiểu được vì sao nỗi oán hận trong lòng Deokee bùng lên mạnh mẽ. Đặc biệt nhất phải kể đến dụng công kể chuyện từ các cảnh nóng. Có lẽ, hiếm bộ phim nào mà việc đặc tả yếu tố tình dục vừa đầy tính thẩm mỹ, vừa thể hiện tài năng của đạo diễn như Má hồng ngây thơ.

Nếu các cảnh nóng trong phần một được dùng để khắc họa tâm trạng nhân vật Deokee: vừa e thẹn, vừa cuồng nhiệt, vừa ngất ngây men say tình đầu thì cảnh nóng trong phần hai, giữa Deokee, Hak Kyu với người lạ đều là những cảnh máy móc, thiếu vắng tình yêu, bộc lộ tâm hồn chai sạn của cả hai.

Vì đặt cả trái tim vào tình yêu với Hak Kyu nên vết thương lòng Deokee dai dẳng và bùng lên u uất, dữ dội như ngọn lửa đã nuốt chửng tất cả. Trả thù là lý do duy nhất để cô sinh tồn. Cô thực hiện nó một cách nhẩn nha, đau đớn, tàn nhẫn.

Nhưng, Má hồng ngây thơ là cuốn phim trả thù hết sức khác biệt, nếu đem so với những phim cùng đề tài như Oldboy của Hàn Quốc hay Fatal attraction của Hollywood. Ngay cả khi Deokee tưởng chừng đã đạt được mục tiêu thì bộ phim lại mở ra một nhánh rẽ mới, vừa tàn bạo, vừa tạo nên tổng thể hoàn hảo dù cảm xúc và câu chuyện trong phim thay đổi thất thường qua nhiều góc khác nhau.

Điều này giúp sợi dây chủ đề của phim trở nên xuyên suốt và nhất quán: không tội ác nào không bị trừng phạt, không hành vi xấu xa nào không phải trả giá. Hak Kyu nhận ra điều đó sớm nhất. Trớ trêu thay, anh chỉ nhận ra khi đôi mắt không còn nhìn thấy, khi “thể xác và tâm hồn đã vỡ nát”. 

Hak Kyu đáng thương hay đáng trách? Deokee đáng được cảm thông hay bị lên án khi chính cô bất chấp tất cả lao vào Hak Kyu rồi chuốc lấy nỗi đau, sự thù hận và đánh mất cả tuổi xuân? Bộ phim này không trả lời những câu hỏi đó. Nó vượt qua sự đổ lỗi thông thường, vượt qua sự phán xét trên bình diện đạo đức, xã hội. Nó cũng vượt qua cả sự tụng ca thường thấy trong tình yêu.

Tất cả “phục vụ” một câu chuyện lớn hơn, mang đến góc nhìn sâu sắc hơn: trong các mối quan hệ của đời sống, không có đúng/sai, phải/trái mà chỉ có sự phiến diện, chủ quan của cảm xúc mỗi người. Sự cảm thông và tình yêu ngỡ là chiếc chìa khóa có thể hóa giải mọi nỗi đau nhưng rồi lại mang đến cảm giác xót xa, bẽ bàng và tiếc nuối. 

Hoàng Linh Lan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI