Sau “lệnh” kỳ thi quốc gia chỉ xét tốt nghiệp, thí sinh ồ ạt đăng ký thi đánh giá năng lực tìm đường vào đại học

23/04/2020 - 16:57

PNO - Tính đến 16 giờ chiều nay, có 46.234 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM dùng để xét tuyển vào đại học.

Đó là thông tin được tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết vào chiều 23/4. Đây là những thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 vào 31/5 có hạn chót đăng ký đến ngày mai.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố kỳ thi 2020 chỉ còn mục đích xét tốt nghiệp THPT, số lượng học sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM đã tăng nhanh. Cụ thể, vào cuối ngày 20/4, có hơn 42.600 thí sinh đăng ký dự thi. Đến 16 giờ chiều 23/4 thì có đến hơn 46.000 thí sinh “chốt” tham dự.

Thí sinh dự kỳ thi ĐGNL 2019
Thí sinh dự kỳ thi ĐGNL 2019

Theo tiến sĩ Chính, sau khi Bộ GD-ĐT xác nhận kỳ thi 2020 có mục đích xét tốt nghiệp THPT, không chỉ số thí sinh đăng ký dự thi tăng nhiều mà số trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL làm phương thức tuyển sinh cũng tăng lên. Hiện nay, ngoài 10 trường thành viên nằm trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có 48 trường xác nhận sử dụng kết quả này để xét tuyển.

"Mới đây có thêm 2 trường đại học nữa vừa đăng ký và nhiều trường nữa đang trao đổi. Khi có quyết định chính thức sẽ cập nhật vào cổng thông tin để thí sinh nắm”, tiến sĩ Chính cho biết.  

Giải thích nguyên nhân của hiện tượng này, nhiều nhà tuyển sinh cho rằng, bởi vì trước đây, tỷ trọng lớn nhất trong các phương thức xét tuyển của các trường là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng, năm nay, do tác động của COVID-19, kỳ thi này vừa được quyết định chỉ còn mục đích xét tốt nghiệp THPT, không còn “chức năng” làm căn cứ xét tuyển đại học. Vì vậy, kế hoạch tuyển sinh của hầu hết các trường bắt buộc phải thay đổi đột ngột và phương thức xét từ kỳ thi ĐGNL là một căn cứ có hiệu quả. Chắc chắn sẽ có nhiều trường ĐH lựa chọn phương thức này và thí sinh sẽ đăng ký để không bỏ sót cơ hội vào trường mong muốn.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Các trường ĐH-CĐ sẽ xem xét lại các phương án tuyển sinh, sẽ có trường tổ chức thi riêng, sẽ có trường vẫn xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT có thể kèm thêm điều kiện khác như học bạ, hoặc cũng có thể sẽ có sự liên kết tuyển sinh theo nhóm trường. Thế nhưng, ở thời điểm này mà các trường tổ chức một kỳ thi riêng không hề đơn giản, vừa phức tạp, vừa tốn kém mà chưa chắc đạt được hiệu quả như mong đợi. Trong khi đó, kỳ thi ĐGNL có khoảng 60 trường sử dụng kết quả và chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn sau lệnh thay đổi mục đích kỳ thi.

Trưa 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM họp và quyết định công bố đề án tuyển sinh mới. Đề án mới điều chỉnh lại toàn bộ tỷ lệ phần trăm số chỉ tiêu cho mỗi phương thức xét tuyển, khác hoàn toàn với đề án công bố trước đây. Trong đó, tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả ĐGNL lên 20%.

Trường này sử dụng 4 phương thức xét tuyển cho cơ sở TP.HCM: Xét tuyển thẳng (dự kiến 10% chỉ tiêu); sử dụng kết quả học tập THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 (30% chỉ tiêu), xét điểm các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng, ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 19,50 điểm; xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (40% chỉ tiêu); sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 (20% chỉ tiêu).

Tiêu Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Huỳnh Trung 24-04-2020 12:15:38

    Khốn khổ cho lứa 2002, nhất là các em vùng sâu không có điều kiện để lên TP HCM, HN để vừa học chính khóa vừa học thêm ôn luyện thi đánh giá năng lực tại các ĐHQG này!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI