Phóng viên: Thưa bác sĩ, trong thời gian này, bác sĩ có ghi nhận những trường hợp học sinh cần can thiệp tâm lý do thi cử không đạt kết quả tốt?
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc: Từ khi các kỳ thi kết thúc tới nay, tôi chính thức khám và điều trị tại bệnh viện cho 15 trẻ bị rối loạn tâm lý nghiêm trọng. Ngoài ra, có nhiều người thân quen, bạn bè cũng liên hệ để được tư vấn kín đáo cho con em mình, vì họ ngại ảnh hưởng đến danh tiếng của gia đình nên không đưa con tới bệnh viện.
Độ tuổi của các bệnh nhân này từ 11-17, lứa tuổi bắt đầu dậy thì cho tới cuối giai đoạn vị thành niên. Đây là lứa tuổi dễ bị tổn thương tâm lý nhất vì chưa suy nghĩ thấu đáo khi gặp một biến cố lớn xảy ra trong cuộc sống.
Trong những trường hợp nói trên, tôi ấn tượng hơn cả với chuyện của bé gái tên P.T.A. - sinh năm 2012, ngụ tại TPHCM. Ba mẹ của bé đều là bác sĩ nên đặt ra yêu cầu học hành rất cao đối với con. Gia đình muốn A. phải đỗ vào trường chuyên nhưng cháu không đậu. Cha của cháu cho rằng phải đỗ vào trường chuyên thì sau này mới có cơ may đỗ vào y khoa để theo nghiệp cha mẹ.
|
Bác sĩ Đinh Thạc đang tư vấn tâm lý cho một trẻ bị sốc do không đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào trường chuyên - Ảnh: T.Đ. |
Việc A. bị trượt trường chuyên khiến gia đình thất vọng. Từ lúc biết mình không đạt kỳ vọng của ba mẹ, A. bị sốc nặng. Cô bé trốn vào phòng đóng cửa lại, đờ đẫn, không ăn uống, không giao tiếp với ai. Ban đầu, ba mẹ cháu thất vọng, thậm chí chê trách con. Nhưng khi thấy thái độ của con bất thường thì họ lại lo lắng, vội vàng tham vấn bác sĩ tâm lý.
Sau khi tiếp xúc, tôi thấy cháu A. có dấu hiệu bị trầm cảm. Phải rất khó khăn tôi mới có được lòng tin từ cháu, cô bé chia sẻ rằng bản thân chưa bao giờ muốn học trường chuyên, chỉ mong được học “trường làng”, nhưng ba mẹ không đồng ý. Sức học của cháu đến đâu, cháu biết rất rõ, nhưng ba mẹ lại luôn cho rằng cháu chưa cố gắng, hoặc cố gắng chưa đủ.
Trường hợp khác là bé trai N.M.Đ., cũng sinh năm 2012, ngụ quận 7. Cháu Đ. đang học trường quốc tế nhưng ba mẹ lại chuyển hướng, muốn con thi vào trường điểm với lý lẽ: trường điểm gần nhà, học phí rẻ hơn, có danh tiếng. Nhưng Đ. đã thi rớt và bị sốc. Cháu sốc một thì ba mẹ cháu sốc mười.
Cháu chẳng hiểu tại sao ba mẹ nhất định muốn cháu phải đậu vào trường điểm, thế nên bị trượt thì cậu bé nghĩ rằng mọi thứ đã chấm hết với mình, nên đã lấy 20 viên thuốc hạ sốt để tự kết liễu. Rất may gia đình đã phát hiện và đưa cậu bé đi cấp cứu kịp thời.
* Bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu cảnh báo trẻ không thể tự vượt qua được cú sốc thi cử và cần có sự can thiệp từ chuyên gia tâm lý?
- Nếu học sinh biết được năng lực của bản thân và chuẩn bị tốt, sẵn sàng ứng phó với kỳ thi, thì tâm lý sẽ rất thoải mái. Nhưng với những học sinh tự ti, chưa nắm chắc kiến thức, lại thêm áp lực từ gia đình, thầy cô và tự tạo áp lực cho mình thì lại khác. Các cháu này có diễn biến tâm lý rất tiêu cực, thể hiện rõ trong thời gian đợi kết quả của kỳ thi, đặc biệt khi nhận được kết quả thấp hơn kỳ vọng.
Những dấu hiệu có thể nhận biết một học sinh đang cần được can thiệp, trợ giúp bởi bác sĩ tâm lý gồm:
Trong thời gian chờ đợi kết quả thi thường lo lắng quá mức, đến độ không còn niềm vui với các hoạt động khác trong cuộc sống.
Khi biết điểm thi không tốt thì nảy sinh ý nghĩ rằng mình vô dụng. Nếu mọi người xung quanh trêu chọc, chê bai thì trẻ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
Trẻ thường phản ứng tiêu cực, rất dễ tìm tới các chất gây nghiện để lãng quên thực tại như bia rượu; đóng cửa trong phòng, không tiếp xúc trò chuyện với ai; đắm chìm vào mạng internet, game, thế giới ảo.
Hậu quả nặng nề nhất là các hành vi gây hại cho bản thân.
* Gặp những học sinh có dấu hiệu tâm lý bất ổn như trên, theo bác sĩ, phụ huynh cần làm gì?
- Khi thấy trẻ có các biểu hiện tâm lý tiêu cực như kể trên, ba mẹ cần đưa con đi khám tâm lý. Việc đi khám sớm trước tiên là để giữ an toàn cho trẻ. Tiếp đến, bác sĩ tâm lý sẽ tùy trường hợp mà có biện pháp can thiệp riêng.
Với các bệnh nhi của mình, trước tiên tôi dùng phương pháp nhận thức hành vi để khiến trẻ hiểu hơn về vấn đề mình đang đối đầu. Các bé cần nhận ra rằng học hành để giúp ta dễ hòa nhập cuộc sống và làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn chứ không phải để cuộc sống áp lực và khó khăn. Điểm số không đại diện hết cho năng lực con người.
Nhiều khi bạn rất giỏi nhưng đi thi vẫn cần thêm yếu tố may mắn. Các cháu và gia đình phải nhận thức được kết quả thi lần này chưa là dấu chấm hết cho tất cả. Học hành là chuyện cả đời, tương lai vẫn còn rộng mở ở phía trước. Thay vì buồn khổ vì một thứ không thể thay đổi sao không thả lỏng bản thân, đi dã ngoại, và sau đó bắt đầu chuẩn bị tiếp kế hoạch cho tương lai, để lần sau sẽ chu đáo và đạt kết quả tốt hơn.
Tiếp đến, tôi sẽ dùng phương pháp trị liệu, giúp trẻ nhận định được khả năng của bản thân. Mỗi người có một năng lực và sở trường khác nhau. Chỉ khi nhận thức được điều này thì mục tiêu đặt ra mới không viển vông, trẻ mới thành công được. Ví dụ, cha mẹ cứ ép con thi y khoa nhưng đứa trẻ lại có năng lực về kinh tế, phụ huynh thích con học trường chuyên nhưng lại không biết con bị rối loạn khả năng đọc hiểu.
Nói chung phải nhìn nhận được năng lực, khả năng của bản thân để vạch ra những mục tiêu khả thi.
Chưa dừng ở đó, điều trị cho các bé bị sốc tâm lý sau thi cử rất cần sự tích cực đồng hành từ gia đình. Kết quả đã vậy rồi, dù ba mẹ có mắng mỏ, trách phạt cũng không thay đổi được mà còn đẩy con vào sự nguy hiểm. Cả gia đình nên đi dã ngoại, tham gia các hoạt động ngoài trời để giải tỏa áp lực tâm lý cho mình, hướng mối quan tâm tới những điều tốt đẹp khác.
Cuộc sống có rất nhiều thứ cần quan tâm, không phải chỉ có mỗi việc học là quan trọng. Ngoài các liệu pháp kể trên, nếu cần thiết trẻ sẽ được chỉ định thêm thuốc chống trầm cảm.
* Khi con cái nhận được kết quả thi cử không như ý, cha mẹ cần tránh những hành xử sai lầm nào, thưa bác sĩ?
- Đa số phụ huynh hay áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, không hiểu được khả năng của con cái. Trên thực tế, có những bé đi khám tâm lý mới phát hiện ra bị rối loạn khả năng đọc viết, rối loạn khả năng làm toán, khuyết tật về trí tuệ. Đến 2 đứa con sinh đôi mà khả năng của mỗi đứa còn khác nhau. Thế nên, đặt kỳ vọng quá khả năng của trẻ là đẩy trẻ vào sự nguy hiểm.
So sánh con mình với con người khác là điều mà rất nhiều phụ huynh mắc phải. Không chỉ thế, nhiều phụ huynh chạy đua theo phong trào, thấy con người ta vào trường chuyên thì cũng ép con mình thi vào trường chuyên mà không biết môi trường ấy có phù hợp với con hay không. Lúc con bị sốc tâm lý thì chưa đủ quan tâm và đưa con đi khám kịp thời vì xấu hổ, sợ ảnh hưởng danh tiếng gia đình.
* Cuối cùng, bác sĩ có lời nhắn nhủ gì với các em học sinh chưa đạt được kết quả mong muốn trong kỳ thi vừa qua?
- Tôi muốn các em học sinh hiểu rằng điểm số lần này không quyết định thành bại của tương lai. Trừ phi mình lười biếng, còn mình đã cố gắng hết sức thì không có gì phải buồn. Những em bị áp lực từ gia đình về chuyện thi cử, học hành hãy thẳng thắn trao đổi với cha mẹ để bày tỏ bản thân.
Học hành là cả đời, con đường phía trước vẫn thênh thang rộng mở. Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Thanh Huyền (thực hiện)