Chuyên mục:Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

Sau khi nhiễm COVID-19, trẻ có bị triệu chứng mất tập trung như người lớn?

14/12/2021 - 06:06

PNO - Sau nhiễm COVID-19, bệnh nhân bị các triệu chứng như ho kéo dài, đau tức ngực, cảm giác khó thở, mệt mỏi, trầm cảm… và giảm khả năng ghi nhớ.

Chào bác sĩ, tôi và con trai đều là F0 và hiện đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi cảm giác người lờ đờ, thiếu sức sống và mất tập trung. Tình trạng này liệu kéo dài bao lâu, có cách nào lấy lại sức khỏe như ban đầu không? Con trai tôi học lớp 4, không có biểu hiện gì nhưng nghe nhiều người nói sau khi mắc COVID-19, trẻ cũng có thể gặp phải chứng khó tập trung học tập, có phải vậy không?

N.T.N. (Đông Anh, Hà Nội)

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trả lời: Về các triệu chứng sau nhiễm COVID-19, các nghiên cứu đã liệt kê trên 50 triệu chứng như ho kéo dài, đau tức ngực, cảm giác khó thở, mệt mỏi, trầm cảm… Ngoài ra, cũng có một triệu chứng khác, như bạn nói ở trên là có vấn đề về giảm khả năng ghi nhớ. Cũng theo các nghiên cứu, triệu chứng này được cho là có thể kéo dài tới hơn một năm sau khi bệnh nhân khỏi bệnh.

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0966.18.27.27, 0913.15.93.15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn. 

Hậu COVID-19, gia đình nên tạo cảm giác thoải mái nhất để người bệnh luôn thoải mái, vui vẻ nhất. Nên duy trì chế độ ăn uống đa dạng, bổ sung đầy đủ vi chất, đặc biệt là DHA, vitamin, bổ sung đủ nước.

Cần tăng cường vận động, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng, có thể thực hiện các hoạt động phát triển các vận động tinh tế của ngón tay như chơi đàn… Bạn cùng gia đình cũng nên theo dõi các thông tin để được cập nhật về việc điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 do các khuyến cáo sẽ thay đổi và cập nhật thường xuyên.

Huyền Anh (ghi)

 

Không tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ được không?

Không ít phụ huynh đặt vấn đề, vì sao trẻ em là nhóm bị nhiễm nhẹ nhưng vẫn phải tiêm vắc xin COVID-19. Liên quan vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, lý giải, việc tiêm vắc xin cho trẻ em có ý nghĩa trong việc giảm tỷ lệ mắc, tránh nguy cơ cho các cháu có bệnh nền, tự kỷ, bệnh lý gan, thận, suy giảm miễn dịch… Vắc xin giúp giảm tỷ lệ bệnh trở nặng và tử vong. Thời gian qua, với số liệu trẻ em ở TPHCM, tử vong chính là trẻ có bệnh nền, béo phì.

Đặc biệt, việc tiêm phòng cho trẻ còn giúp tránh tạo nguồn lây trong gia đình, bảo vệ sức khỏe của những người cao tuổi, giúp ông bà không bị lây bệnh từ các cháu. Yếu tố miễn dịch cộng đồng cũng quan trọng để đạt độ bao phủ 80 - 85%, đảm bảo cho trẻ đi học trở lại. 

Ngoài ra, việc tiêm vắc xin đối với trẻ cần phải được nhìn nhận ở góc độ quyền lợi và cả trách nhiệm. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đây là nhóm bệnh nhóm A, Nhà nước bỏ tiền mua vắc xin để tiêm miễn phí cho người dân, nếu người nào đó không tiêm là vi phạm luật. 

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI