Sáng 20/11, ngày xét xử thứ 8 của phiên tòa sơ thẩm 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Các bị cáo bị truy tố về các tội danh "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Phan Văn Vĩnh (SN 1955, trú tại phường Vị Hoàng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Sau khi tòa vừa diễn ra ít phút, ông Phan Văn Vĩnh đã phải xin phép HĐXX cho mình được ngồi để khai báo.
Trả lời VKS về việc Công ty CNC đóng trụ sở tại số 10 Hồ Giám, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho rằng mình chỉ bút phê đồng ý chủ trương, còn thực hiện chủ trương này là hai ông Phó Tổng cục trưởng phụ trách hậu cần và Phó Tổng cục trưởng phụ trách trực tiếp C50. Theo ông Vĩnh, hai phó tổng cục trưởng này đồng ý, quyết định. Ông Phan Văn Vĩnh cho rằng, mọi quyết định đúng sai trong vấn đề này thuộc trách nhiệm người thực hiện chỉ đạo.
|
Bị cáo Phan Văn Vĩnh xin được ngồi trả lời sau khi bắt đầu phiên xét xử |
Sau câu trả lời của bị cáo Vĩnh, VKS tiếp tục truy hỏi: “Đầu giờ chiều qua (19/11), bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Nhưng trong quá trình xét hỏi, bị cáo lại có lời khai mâu thuẫn, cho rằng mình chỉ có lỗi gián tiếp. Bị cáo Vĩnh cho rằng hiện mình đang là một bị cáo bị cáo, việc đánh giá tội danh của mình thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra và VKS. Bị cáo Phan Văn Vĩnh giải thích rằng, hôm qua sau khi chủ tọa phiên tòa trình bày cáo trạng truy tố bị cáo với tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và hỏi có đúng không? Bị cáo đã trả lời là “Đúng”.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh nói: “Xin HĐXX, căn cứ trên các chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được và cáo trạng kết luận, kính mong rằng, VKS, HĐXX công tâm, khách quan, soi xét từng chứng cứ. Những chứng cứ vật chất đã thể hiện trong hồ sơ vụ án, đó là những chứng cứ khoa học định tội, định tội danh và sau này lượng hình cho phù hợp với bản thân tôi”.
Khi ông Vĩnh dừng lời, vị đại diện VKS truy tiếp: "Lời khai bị cáo đang bất nhất. Hôm qua, khi HĐXX hỏi bị cáo có thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố không, bị cáo nói đồng ý. Sau đó, quá trình khai báo, bị cáo lại nói chí "có lỗi, lỗi gián tiếp". VKS hỏi lại một lần nữa, theo bị cáo, việc nhận tội của bị cáo như ban đầu có đúng không. Bị cáo có áy náy, rút lại những lời khai này không?".
Ông Vĩnh xin trình bày và khẳng định mình không có gì bất nhất giữa lời khai và lời trình bày. Trong phần trình bày, ông đều mong VKS soi xét kỹ.
Việc thành lập công ty bình phong được lãnh đạo Bộ phê duyệt
Luật sư Hoàng Văn Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa) xin được đặt câu hỏi với bị cáo Phan Văn Vĩnh: “Có bao giờ ông chỉ đạo hoặc ông nghĩ đến lập một dự toán ngân sách trình Bộ Công an cấp ngân sách cho việc thành lập công ty bình phong không?”.
Ông Vĩnh trả lời: "Với trách nhiệm của mình, việc để cho C50 thành lập đề án thành lập công ty bình phong, sau khi C50 đề xuất, được các đồng chí trong ban thường vụ thảo luận, quyết định trình tờ trình lên thứ trưởng Phạm Quý Ngọ phê duyệt. Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã phê duyệt. Việc có lợi ích thế nào do C50 chịu trách nhiệm".
Luật sư tiếp tục hỏi: "Hôm qua ông khai theo ông biết ở Bộ Công an chưa có văn bản nào quy định thủ tục cũng như mô hình thành lập công ty bình phong. Tuy nhiên có thực tế, một số đơn vị khác của Bộ Công an cũng đã thành lập công ty bình phong. Trước khi ký Quyết định 158, ông có chỉ đạo ông Hóa hay cấp dưới tham khảo, nghiên cứu việc thành lập công ty bình phong trong Bộ Công an không?".
Bị cáo Vĩnh đáp: “Việc tìm hiểu hay không tìm hiểu do C50 chịu trách nhiệm”.
Khi luật sư nhắc lại câu hỏi, bị cáo Vĩnh từ chối trả lời vì liên quan đến bí mật lực lượng.
|
Điều tra viên Nguyễn Quang Hòa |
Luật sư tiếp tục đặt nhắc lại lời khai hôm trước của bị cáo Phan Văn Vĩnh. “Ngày 17/3/2016, ông có ký Văn bản số 712 gửi bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là đồng chí Trần Đại Quang về lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát. Trong ý thức chủ quan, trong niềm tin nội tâm của ông, thực hiện những nội dung này tức là thực hiện chỉ đạo của đồng chí bộ trưởng không?”.
“Tất cả bút phê của lãnh đạo Bộ, Tổng cục… mọi cán bộ, chiến sĩ đều phải nghiêm túc chấp hành, coi đây là mệnh lệnh”, bị cáo Vĩnh khai nhận.
Luật sư Huyền Trang (bào chữa cho ông Vĩnh) đề nghị ông Vĩnh xác nhận lại việc ông đã bút phê gửi cục trưởng C50. Ông Vĩnh khẳng định “cái quên là quên đôn đốc tiếp theo để có văn bản sớm trình Thứ trưởng Lê Quý Vương”.
Tiếp tục xin được hỏi điều tra viên, luật sư Huyền Trang đặt câu hỏi: "Trong bản kết luận điều tra không quy kết hành vi của bị cáo Vĩnh sai phạm khi ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong. Tôi xin được hỏi, CQĐT có quy kết hành vi ông Vĩnh ký quyết định 158 (công nhận công ty CNC là công ty bình phong) trái với quyết định 450, chưa xin phép Tổng cục 3 không?".
Giải thích cho sai phạm khi ký quyết định 158 của bị cáo Phan Văn Vĩnh, điều tra viên Nguyễn Quang Hòa nói: "Tờ trình quy định công ty TNHH là công ty bình phong được C50 góp 20% và cử cán bộ tham gia, đó là chủ trương của cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, đồng ý và yêu cầu chấp hành đúng pháp luật. Bị cáo phải hiểu rằng, việc đưa người vào công ty TNHH là để nắm tình hình và định hướng làm việc đúng pháp luật.
Khi chưa đủ hai yếu tố này, cụ C50 đã ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác, sau đó bị cáo Vĩnh đã ký quyết định công nhận công ty bình phong. Hai yếu tố này không có trong CNC, đó là sai chủ trương đường lối của lãnh đạo Bộ. Vì thế bị cáo không nắm được hoạt động của CNC dẫn đến sai phạm hôm nay".
An Vũ