PNO - Đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, khu đại học Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên)… là những dự án nhằm di dời các trường đại học ra khỏi trung tâm thành phố. Nhưng đến nay, sau nhiều chục năm khởi động, các dự án vẫn dở dang.
Đại học Quốc gia TPHCM được thành lập năm 1995, nằm ở TP Thủ Đức (TPHCM) và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), có diện tích 643,7ha. Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, nơi thường được gọi là “làng đại học Thủ Đức” này dần thành hình một khu đô thị đại học với những trung tâm điều hành, dịch vụ công cộng, các trường đại học và ký túc xá hiện đại, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, xen vào đó là những cảnh không mấy ăn nhập.
Việc xây dựng ở khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM vẫn chưa hoàn thành nên nhiều khu vực còn ngổn ngang, nham nhở - Ảnh: Minh Huy
Đoạn đường từ thư viện trung tâm đến Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn đi qua một khu chợ chật hẹp với những gian hàng tạm bợ, những dãy nhà trọ tuềnh toàng, lòng đường loang lổ ổ gà, ổ voi, nước đọng, rác ứ. Mỗi lần có xe buýt hay ô tô con chạy ngang, con đường gần như kẹt cứng. Những đoạn không có nhà dân, có nhiều bãi rác lộ thiên, tự phát do người ta đổ bừa rác vào khu đất trống, bốc mùi cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Dọc những con đường dẫn từ trường đại học này sang trường đại học khác, không khó để bắt gặp hình ảnh những bãi đất trống ngổn ngang đất đá, cây cỏ, rác rến hay những dãy nhà tạm bợ do nằm trong vùng quy hoạch.
Khi rời quê vào TPHCM làm sinh viên một trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM, Lê Thanh rất bất ngờ trước cảnh sinh viên giành nhau từng chỗ đứng trên xe buýt từ ký túc xá đến trường và ngược lại, hay hình ảnh những đàn bò nhởn nhơ đi lại giữa dòng người, xe: “Làng đại học khá vắng vẻ, mát mẻ nên tôi thấy thoải mái, không khác gì ở quê. Nhưng ở đây còn thiếu nhiều thứ nên cuối tuần, tụi tôi thường rủ nhau vào trung tâm thành phố để giải trí hoặc mua sắm”.
Mưu sinh bằng nghề bán bánh ở làng đại học Thủ Đức gần 10 năm nay, vợ chồng bà Thu Hương - quê ở tỉnh Quảng Nam - không biết khi nào phải rời đi. Vừa đảo bánh trong chảo, bà vừa nói: “Tôi ở đây gần 10 năm nhưng thấy khu này chưa thay đổi gì nhiều, không có gì để gọi là đô thị”. Chồng bà tiếp lời: “Ở đây cũng bất tiện nhiều cái lắm, kể cả nước sinh hoạt, nấu ăn cũng là nước bơm từ giếng lên”. Ông Đặng Quang Thông - quê ở tỉnh Bình Định, làm bảo vệ cho quán cà phê sinh viên - nói: “Đường phố có nhiều đoạn hư hại nặng, rác đổ đầy đường, mùa mưa thì nước ngập, hôi hám. Vì công ăn việc làm mà tôi cố đeo bám, chứ sống ở đây vừa thiếu tiện nghi như ở trung tâm thành phố, vừa không thoải mái như ở quê”.
Đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội ở khu Hòa Lạc, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội là đô thị đại học lớn nhất cả nước. Khu Hòa Lạc rộng khoảng 1.113,7ha, trong đó diện tích cho khu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội là 887,9ha, diện tích cho các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1ha, khu tái định cư là 113,7ha. Đô thị đại học này sẽ đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập cho khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên.
Hiện nay, vẫn còn một khu nhà lụp xụp nằm trong khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: Minh Huy
Dự án đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội khởi công từ năm 2003. Theo quy hoạch, nơi đây sẽ có 500 tòa nhà, có trung tâm nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật, khách sạn, bệnh viện, siêu thị, sân vận động, công viên… Nhưng đến nay, những hạng mục cơ bản của đô thị đại học vẫn chưa được triển khai, quanh khu này cũng chưa có những tiện ích của một đô thị.
Ít các hạng mục, dịch vụ cần thiết
Ngày 19/5/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển trụ sở làm việc từ quận Cầu Giấy đến huyện Thạch Thất. Tháng 7/2022, khu giảng đường ở Hòa Lạc được hoàn thiện với 2 tòa nhà HT1, HT2. Năm học 2022-2023, đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội đón hơn 2.000 sinh viên vào học tập; năm học 2023-2024, đón 6.000 sinh viên các trường đại học Giáo dục, Y Dược, Công nghệ… và toàn bộ học sinh khối Mười của Trường THPT Khoa học Giáo dục; dự kiến năm 2025 sẽ đón 15.000 học sinh, sinh viên. Ký túc xá, nhà ăn khu nội trú, trung tâm thư viện và tri thức số cũng đã được vận hành. Tuy nhiên, số hạng mục đã thành hình và đưa vào sử dụng vẫn còn quá ít so với toàn bộ dự án đô thị đại học.
Trường đại học Thủy lợi cơ sở Phố Hiến (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) - Ảnh: M.T.
Cả đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, đô thị Đại học Quốc gia TPHCM vẫn đang trong quá trình thành hình với tốc độ chậm chạp. Bên cạnh đó, khu đại học Phố Hiến - nằm ở TP Hưng Yên và huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 60km - đìu hiu hơn rất nhiều. Theo đề án xây dựng, năm 2009, khu này sẽ có 10 trường đại học với quy mô đào tạo khoảng 80.000 sinh viên/năm và đến năm 2020, dự án sẽ hoàn thành. Nhưng đến nay, sau 15 năm, chỉ có 2 trường đại học thành hình là Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An.
Trường đại học Thủy lợi cơ sở Phố Hiến (xã An Viên, huyện Tiên Lữ) rộng 57ha, 3 mặt giáp cánh đồng, mặt tiền nhìn ra Quốc lộ 38B. Khu giảng đường gồm 2 dãy nhà hiện đại, phía sau là các sân thể thao, khu căn tin, 3 tòa nhà ký túc xá được trang bị máy điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng. Xét về hạ tầng tổng thể, việc xây dựng đã tương đối hoàn thiện. Được biết, năm 2018, khoảng 3.000 sinh viên khóa 58 của trường đã đến đây học, nhưng hạ tầng của cả khu đại học Phố Hiến cũng như các dịch vụ thiết yếu xung quanh đều thiếu nên cơ sở này chỉ được dùng để dạy bộ môn giáo dục quốc phòng, sau đó nhà trường đã chuyển cơ sở này thành trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Lương Bằng - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Trường đại học Thủy lợi - cho biết, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm, cơ sở Phố Hiến đào tạo môn giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 20.000 sinh viên của hơn 10 trường đại học. Ngoài ra, cơ sở này còn đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh nhiều trường THPT. Cơ sở này cũng có các phòng thí nghiệm, nhà xưởng để sinh viên của trường học tiết thực hành.
Theo đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến được Chính phủ phê duyệt năm 2009, quy mô đất của khu này là 1.000ha, trong đó có 700ha để xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và 300ha để xây dựng đô thị. Nhưng đến cuối năm 2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã xin dừng dự án này và điều chỉnh diện tích đất xây dựng các trường đại học thành cụm, khu công nghiệp, chỉ giữ lại khoảng 200ha cho trường đại học có nhu cầu xây dựng cơ sở đào tạo.
Dự án làng đại học “treo” 27 năm
Dự án làng đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997, nằm ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có diện tích 300ha, quy mô đào tạo dự kiến là 60.000 sinh viên, là nơi ở của gần 3.400 cán bộ, giảng viên. Theo thiết kế, làng đại học này sẽ là trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế. Nhưng đến nay, đây vẫn là dự án “treo”.
Hệ thống hạ tầng phải đầy đủ
Đô thị đại học không chỉ giải quyết vấn đề liên kết hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo giữa các trường với nhau, cung ứng dịch vụ cho các cơ sở đào tạo mà còn tránh được việc các trường đại học “chen chúc” ở trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, các đô thị đại học ở nước ta hiện nay lại chưa có yếu tố “đô thị”, phương tiện giao thông hạn chế nên mới chỉ dừng lại ở việc tập trung sinh viên về 1 khu. Nếu có tuyến xe buýt nhanh (BRT) và xa hơn, nếu đường sắt trên cao Ga Hà Nội - Nhổn kết nối được với khu Hòa Lạc thì khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phát triển hiệu quả hơn.
Bên cạnh điều kiện đi lại, hạ tầng phục vụ ăn ở, các tiện ích cũng cần phải tương xứng với quy mô đào tạo, sinh hoạt của 70.000-80.000 người. Các đô thị đại học cần được quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, quyết tâm cao, mới có thể phát triển bền vững.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT)
Lưu ý mối quan hệ kinh tế, xã hội với các địa phương
Bất kỳ đô thị đại học nào cũng phải được kết nối với giao thông, kết nối với kinh tế và kết nối với học thuật, mới tồn tại được.
Cách hiểu về đô thị đại học ở nước ta vẫn khép kín về công năng và quản lý (các chức năng giáo dục, dịch vụ phục vụ sinh viên và những người đang làm việc bên trong cơ sở giáo dục đại học) chứ chưa quan tâm nhiều đến sự tương tác của các bộ phận trong đô thị đại học với các hoạt động kinh tế, xã hội bên ngoài trường đại học, trong khi mối quan hệ cộng sinh với môi trường độc lập xung quanh là rất quan trọng. Cộng đồng xung quanh sẽ cung cấp các dịch vụ cho nhà trường, đồng thời nhà trường cũng đóng góp vào sự phát triển thông qua những hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ…
Do mối quan hệ kinh tế, xã hội của các khu đại học với các địa phương lân cận chưa được xem xét nên đã có sự “lệch pha” giữa điều kiện về giáo dục và điều kiện đảm bảo các hoạt động xã hội của sinh viên, giảng viên; thiếu tính kết nối giữa các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở sử dụng tiềm năng, dẫn đến sự e ngại về khả năng hoạt động khi các cơ sở giáo dục đại học chuyển đến các đô thị đại học.
Tiến sĩ Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT)
Đang thiếu sự liên kết, tính đồng bộ
Chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội đô TP Hà Nội được xác định trong các quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được phê duyệt vào các năm 1998, 2011. Quy hoạch vùng thủ đô gồm 10 tỉnh, thành phố quanh Hà Nội, trong đó đã xác định khu đô thị Hòa Lạc và một số đô thị vệ tinh là nơi để chuyển các trường đại học đến.
Đây là định hướng quy hoạch bài bản, đúng đắn nhưng thực tế lại không được như mong muốn. Do thiếu sự liên kết giữa các đô thị vệ tinh, chưa có sự nhất quán trong các mối quan hệ vùng, không đồng bộ trong khâu điều hành là những nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện dự án chậm chạp.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.