Sau hai năm thí điểm đô thị thông minh: TPHCM được gì?

14/02/2020 - 19:36

PNO - Chiều 14/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện.

Hội nghị đã tổng kết những kết quả đạt được và những các hạn chế sau hai năm triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh tại Q.1 và Q.12, từ đó, đưa ra kế hoạch triển khai cho 22 quận, huyện còn lại.

Thành công trong việc thí điểm trên nền tảng là sự thuận lợi của trung tâm công nghệ được xây dựng năm 2013. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND Q.1 chỉ ra một số khó khăn khi thí điểm mô hình đô thị thông minh trên địa bàn quận. “Cái khó chính là công nghệ liên tục phát triển nên việc đầu tư phải kịp thời, nếu chậm một chút thì kết quả sẽ không như mong muốn” - ông Dũng nói.

Hội nghị diễn ra chiều 14/2
Hội nghị diễn ra chiều 14/2

Về kết quả của Q. 12, ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND Q.12 trình bày hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thí điểm đề án đô thị thông minh tại quận. Cụ thể: quản lý đô thị bằng hình ảnh viễn thám (những bức ảnh được chụp trước và sau một biến động như quy hoạch, xây dựng nhằm đánh giá tác động, biến đổi); triển khai dịch vụ công trực tuyến; trang bị phần mềm tư vấn miễn phí cho người dân; xây dựng bản đồ trường mầm non; hoạt động của 36 toilet công cộng được kết nối trên Google để người dân đánh giá chất lượng…

Nói về khó khăn, theo ông Hiếu, chính là kinh phí để hoàn thành dự án.

Ghi nhận nỗ lực của hai quận thí điểm nói trên, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: “Nếu không có sự quyết tâm của người đứng đầu thì rất khó thành công”.

Theo ông Phong, công bố đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là một chuyện, nhưng từ đề án thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, sự kiên trì của người đứng đầu tại mỗi quận, huyện rất quan trọng, do việc xây dựng đô thị thông minh tại các địa phương là một cấu phần trong tổng thể đề án đô thị thông minh của thành phố.

Từ kết quả của Q.1, Q.12, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, ngày 15/3, UBND TPHCM sẽ duyệt tất cả các nội dung, tiêu chí thuộc đề án xây dựng đô thị thông minh của tất cả các quận, huyện; trong đó bao gồm kế hoạch thực hiện đề án này đến tháng 8/2020.

Riêng vấn đề kinh phí, theo ông Phong, sẽ được duyệt dựa trên cơ sở các quận, huyện cần xác định tập trung trong lĩnh vực, nội dung nào để xây dựng địa phương mình trở thành đô thị thông minh, do sẽ không có đô thị nào giống với đô thị nào và nền tảng, điều kiện có sẵn của mỗi nơi mỗi khác.

Ngày 15/3, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tất cả các quận huyện phải xây dựng xong đề án và được UBND TP.HCM duyệt nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện
Ngày 15/3, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tất cả các quận huyện phải xây dựng xong đề án và được UBND TPHCM duyệt nội dung, kế hoạch triển khai thực hiện

“Phương án kế hoạch đầu tư có 2 phần, một là tổng thể đề án được phê duyệt vào tháng 3, sau đó trình Hội đồng nhân dân TPHCM. Hai là cái nào là dự án riêng của quận thì lấy từ ngân sách của quận hoặc kế hoạch chi thường xuyên” - ông Phong nói. Đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc phải lấy tiền phục vụ cho mục tiêu chứ không phải lấy tiền làm mục tiêu trong xây dựng đô thị thông minh tại các quận, huyện.

Ông Phong đề nghị, sau khi triển khai đề án đô thị thông minh tại các quận, huyện, công tác tuyên truyền cần được ưu tiên để người dân nắm bắt.

“Đây là chuyện rất quan trọng, phải mở rộng tương tác với người dân. Người dân phải hiểu rằng đề án đô thị thông minh nhằm hướng tới phục vụ người dân, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Làm sao nhờ có công nghệ thông tin, người dân không còn phải xếp hàng từ 4g sáng đến 9g sáng tại bệnh viện để được khám chỉ trong chưa đến… 15 phút. ” - ông Phong yêu cầu.

Để làm tốt nhiệm vụ này, một lần nữa, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong gửi gắm đến lãnh đạo các quận, huyện tại hội nghị: “Mình phải làm bằng cả tấm lòng, thiết tha với nó mới mong có kết quả tốt đẹp”.

Tuyết Dân

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI