Từ khi công bố kết quả thi THPT quốc gia 2019, chỉ trong hai ngày, hàng loạt bài báo, trang Facebook của nhiều người bày tỏ niềm “vui” với kết quả Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là 3 tỉnh có điểm trung bình thấp nhất nước.
Thống kê từ dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình xếp cuối với điểm trung bình các môn thi lần lượt đạt 4,29 điểm, 4,3 và 4,7 điểm.
Cụ thể, Hà Giang xếp cuối ở các môn vật lý, hóa học, sinh học. Sơn La có điểm trung bình thấp nhất nước ở các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Trong xếp hạng điểm trung bình môn toán, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, 3 vị trí cuối cùng đều thuộc về 3 tỉnh này. Điểm trung bình 9 môn của 3 tỉnh đều thấp hơn mức chung…
Người ta thi nhau phân tích và cảm thấy hài lòng với kết quả này, xem đây như một… kết thúc có hậu cho kỳ thi vốn đã bị hoen ố bởi những sự kiện tiêu cực chấn động trước đó. Nhưng liệu diễn biến “ngã ngựa” của 3 tỉnh này trong bảng xếp hạng cả nước có đúng bản chất những gì của Caesar trả về cho Caesar không? Hay đây lại một lần nữa là bề nổi của tảng băng chìm mang tên bức tranh giáo dục?
Một chuyên viên từng nhiều năm làm công tác tuyển sinh buồn rười rượi nói: “Sau cú “dính phốt” chấn động, chuyện học sinh 3 tỉnh này đứng bét bảng có gì lấy làm vui? Thế hệ học sinh năm nay của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có lỗi gì để khi kết quả thi của các em thấp người ta lại lấy làm mừng?
Chúng càng không liên quan gì trong câu chuyện cũ để bị một bộ phận dư luận…trù ẻo và trông chờ bị điểm thấp! Hàng chục ngàn học sinh của những tỉnh này luôn trong tình trạng bị người ta săm soi, chờ coi chúng thi như thế nào? Nếu điểm cao thì nghi ngờ, điểm thấp sẽ thấy hả hê, xứng đáng. Có phải rất bất công không? Chúng ta nên “giận” đúng người, và người đó chắc chắn không phải là học trò!”
Và quả thật, lứa thí sinh dự thi năm nay của những tỉnh từng "dính phốt" phải chịu áp lực ngay từ trước, trong và sau kỳ thi. Người ta coi đây là những "điểm nóng", thí sinh bị "soi" kỹ hơn, những ngày đi thi được "chăm sóc" chu đáo hơn, quá trình chấm thi cũng được đặc biệt "quan tâm" hơn thí sinh những tỉnh khác. Cứ cho rằng, làm như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực ở những "điểm nóng". Nhưng còn những điểm chưa nóng, liệu chưa từng có tiêu cực?
Có lẽ khi những tỉnh từng dính “scandal” bị điểm thấp, người ta “vui” vì nghĩ đó là tín hiệu tích cực cho một kỳ thi đã được trả về đúng bản chất trung thực. Nhưng, liệu niềm vui đó có quá sớm? Ai dám chắc điểm thấp là trung thực? Những tỉnh không bị “soi” thì sẽ sạch? Nếu theo dõi giáo dục nhiều năm dễ dàng nhận ra, cứ hễ bị “soi” sẽ làm rất căng, kết quả rất nghiêm. Nhưng sau đó thì sao?
|
Quang cảnh một buổi họp báo sau khi phát hiện tiêu cực chấn động trong kỳ thi 2018 |
Còn nhớ cuối năm học 2005-2006, ngành giáo dục bắt đầu chiến dịch “2 không”, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Cuộc “cách mạng” làm thay đổi mạnh mẽ bảng thành tích của ngành giáo dục.
Cả ngành giáo dục ráo riết “siết” từ chấm điểm thường ngày ở lớp đến những kỳ thi cấp quốc gia. Người được gắn thương hiệu chống tiêu cực trở thành người hùng. Trường, địa phương nào điểm cao bất thường đều bị “soi” nên không còn ai dám…làm liều.
Cuối năm học 2006-2007, kết quả tốt nghiệp THPT giảm gần 30% so với năm trước đó, thậm chí có trường THPT có tỷ lệ đỗ 0%... Người người bắt đầu háo hức với niềm tin bức tranh giáo dục sẽ “sạch”, trung thực, không còn cảnh “cho điểm” hay học sinh ngồi nhầm lớp, ý nghĩa chuyện học không bị bệnh thành tích bóp méo…
Khi xã hội dần yên tâm với những kết quả trong giáo dục thì cũng là lúc những tỷ lệ đẹp như mơ bắt đầu tái xuất. Kết quả các kỳ thi, tỉ lệ tốt nghiệp THPT không ngừng tăng. Năm học 2006-2007, năm đầu thực hiện chống tiêu cực và bệnh thành tích, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ ở mức khoảng 67% nhưng đến năm 2011 đạt gần 96% học sinh tốt nghiệp THPT.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên nhiều nơi có dấu hiệu không bình thường, một số trường năm trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn thấp, năm sau liền ngấp nghé đỗ 100%.
|
Vì sao thí sinh những địa phương từng" dính phốt" phải chịu thiệt khi lỗi không thuộc về các em? |
Chương trình vẫn như thế, sách giáo khoa vẫn thế, giáo viên vẫn thế, trường lớp vẫn thế, học trò vẫn thế... thì không có lý do gì để chất lượng giáo dục bỗng một sớm một chiều “lột xác” ngoạn mục như vậy.
Sơn La từng có cú lội ngược dòng ngoạn mục, tăng từ 39% lên 91%. Hay Hòa Bình tăng từ 80% lên 95%, Thanh Hóa đạt 98,68% dù mới năm trước đó chỉ có 68,28% học sinh tốt nghiệp; Phú Yên từ 3,77% lên 28,4%; Đồng Tháp từ 9% lên 32%, Kon Tum từ 4,18% lên 34,73%, Hà Giang từ 38,61% lên 98,29%, Yên Bái từ 41,5% lên 92,17%...
Đó là những minh chứng của quá khứ để nhắc chúng ta khoan hãy vội mừng khi thấy kết quả của những địa phương đang bị “soi” thấp đi. Hiện tượng này không thể là bảo chứng đảm bảo cho sự trung thực trở thành bản chất phải có của các kỳ thi.
Có khi nó chỉ mãi là hiện tượng sau mỗi lần dính scandal, những chiến dịch “soi” được triển khai, rồi đâu lại vào đấy. Bởi vậy, khi thấy Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị điểm thấp, cũng có gì lấy làm vui!
Gia Tuệ