Đi cấp cứu vì nôn ra máu
Trong thời gian giãn cách xã hội, không ít người gặp các cơn đau dạ dày cấp tính, thậm chí nguy kịch tới mức phải đi cấp cứu. Một số người bị nhẹ hơn, có thể chịu đựng được, cũng đã phải tới bệnh viện để khám và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa ngay sau khi thành phố nới giãn cách.
Không riêng trường hợp ca sĩ M.Q. nêu trên, ông N.Đ.H. (60 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đã phải nhập viện cấp cứu vào đầu tháng 10.
|
Ăn uống không điều độ, lo lắng quá độ là nguyên nhân gây viêm dạ dày (Ảnh minh họa) |
Trước đó, ông H. đau bụng, đi tiêu ra máu nhưng giấu gia đình. Vài hôm sau, khi đang ngồi chơi, ông bỗng nôn ra cả vũng máu trên sàn. Lúc này, con ông nhận ra bệnh đường tiêu hóa của cha tái phát, vội vàng gọi xe đưa ông H. đi cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, ông H. lại tiếp tục nôn ra máu.
Tại bệnh viện, ông H. đã được can thiệp cầm máu đường tiêu hóa. Sau khi được nội soi, ông nhận được kết quả dạ dày bị nứt, đường tiêu hóa có nhiều vết loét, polyp. Ông H. phải nằm viện cả tuần tình trạng mới tạm ổn và được xuất viện cùng lời dặn tuyệt đối nói không với bia rượu, phải ăn ngủ đúng giờ, kiêng các thức ăn kích thích cay, nóng.
Con ông H. kể trước đây tửu lượng của ông rất khá, ông thường cùng bạn bè bia rượu hàn huyên. Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà buồn chán, ông ăn rất ít nhưng vẫn hay uống rượu Tây một mình.
Không chỉ thế, ông H. còn bị stress vì mấy tháng liền dãy nhà trọ của gia đình ông hầu như không có thu nhập do không có người thuê, người cũ trả phòng. Từ những nguyên nhân trên, ông hay bị đau dạ dày cấp. Tuy nhiên, mọi lần, ông chỉ cần tự uống thuốc là giảm đau, không ngờ lần này lại trầm trọng đến vậy.
Liên quan tới việc mắc bệnh lý dạ dày do hệ quả của chế độ sinh hoạt và sự căng thẳng kéo dài trong thời gian giãn cách xã hội, tiến sĩ - bác sĩ Võ Duy Long - Phó khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết ngay đầu tháng 10, ông đã tiếp nhận nữ bệnh nhân Đ.T.T. (50 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) bị viêm dạ dày cấp rất nặng do quá lo lắng khi người thân bị nhiễm COVID-19.
Bà T. có tiền sử đau dạ dày. Khi chồng bà mắc COVID-19, vì lo lắng, bà không ăn, không ngủ liên tiếp hai ngày, suy sụp tới mức khiến dạ dày lên cơn đau dữ dội. Trường hợp này, khi tới khám, đã được bác sĩ yêu cầu phải nhập viện, điều trị bằng thuốc tiêm, kết hợp trị liệu nâng đỡ cả về tâm lý.
Các giai đoạn diễn tiến của bệnh viêm dạ dày
Theo bác sĩ Võ Duy Long, trong thời gian giãn cách, mỗi người dân đều có nhiều mối lo (bản thân và/hoặc người thân trong gia đình nhiễm bệnh; kinh tế bị ảnh hưởng; công việc bấp bênh, sự nghiệp hay việc học tập gián đoạn…). Vì lo lắng, tâm trạng chúng ta bất an dẫn tới việc ăn uống không ngon miệng, thiếu điều độ. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày. Vì vậy, sau thời gian giãn cách, số lượng người đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM liên quan tới bệnh viêm dạ dày tăng so với trước dịch.
Không chỉ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, ở phòng khám ngoại trú của các bệnh viện khác cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân viêm dạ dày. Bên cạnh stress, ăn uống không điều độ, nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, hút thuốc lá, thức khuya, uống rượu bia… cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày.
Diễn tiến bệnh viêm dạ dày được phân làm ba giai đoạn: viêm, loét, biến chứng. Giai đoạn viêm: bệnh nhân có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, ăn uống khó tiêu... Nếu viêm dạ dày không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến hình thành ổ loét (giai đoạn loét). Lúc này, người bệnh đau bụng dữ dội hơn, đau nhiều khi đói, nôn… Khi loét dạ dày không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm (giai đoạn biến chứng).
Biến chứng đầu tiên của viêm loét dạ dày là chảy máu tiêu hóa. Khi ổ loét ăn vào mạch máu trong thành dạ dày sẽ gây chảy máu tiêu hóa. Do máu chảy vào trong lòng dạ dày, người bệnh thường nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen (do máu xuống ruột và bị tiêu hóa). Chảy máu tiêu hóa nhiều có thể gây sốc mất máu. Lúc này, người bệnh có biểu hiện vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt; nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong.
Biến chứng không kém phần nguy hiểm tiếp theo chính là thủng ổ loét gây viêm phúc mạc. Khi ổ loét ăn hết thành dạ dày sẽ gây thủng, dịch trong dạ dày sẽ chảy vào ổ bụng làm viêm phúc mạc. Lúc này, người bệnh có thể đột ngột đau dữ dội khắp bụng, bụng gồng cứng, nhiễm trùng nặng.
Hẹp môn vị cũng là một trong những biến chứng của viêm loét dạ dày. Khi ổ loét lâu ngày làm xơ chai thành dạ dày sẽ gây hẹp môn vị, khiến thức ăn không thể xuống tá tràng và ruột non; người bệnh ăn vào sẽ nôn ra thức ăn chưa được tiêu hóa. Khi đó, người bệnh sẽ suy dinh dưỡng, gầy gò, suy kiệt.
Khi nào cần phẫu thuật cắt một phần dạ dày?
Đối với viêm dạ dày, chủ yếu là điều trị nội khoa (dùng thuốc). Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi có biến chứng. Ngày nay, dù các loại thuốc điều trị viêm dạ dày khá phổ biến nhưng người bệnh không được tự ý mua thuốc uống mà nên đi khám để được bác sĩ kê toa phù hợp.
|
Bổ sung rau củ quả để cung cấp vitamin và khoáng chất (Ảnh minh họa) |
Khi bị viêm dạ dày nhưng điều trị không triệt để sẽ dẫn đến loét dạ dày và xảy ra biến chứng. Lúc này, có thể cần phải can thiệp thủ thuật (cầm máu qua nội soi dạ dày), phẫu thuật (khâu cầm máu ổ loét, khâu lỗ thủng, nối tắt dạ dày ruột non hay cắt dạ dày).
Ngày nay, phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị loét dạ dày rất ít khi được áp dụng. Các bác sĩ chỉ cắt dạ dày khi vết loét xảy ra biến chứng mà không thể điều trị bằng các phương pháp khác hoặc khi ổ loét đó là ung thư. Một ổ loét ở dạ dày có thể là loét lành tính hoặc có thể là loét do ung thư dạ dày. Với ổ loét do ung thư, bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Sau phẫu thuật cắt dạ dày, phần dạ dày còn lại nhỏ hơn bình thường nên người bệnh ăn uống ít, do đó dễ bị suy dinh dưỡng và thiếu các vitamin, khoáng chất. Vì vậy, hằng ngày, người bệnh cần ăn thêm các bữa ăn phụ ngoài ba bữa ăn chính. Thực đơn hằng ngày cần đầy đủ các thành phần (đạm, mỡ và tinh bột, bổ sung rau củ quả để cung cấp vitamin và khoáng chất). Sau phẫu thuật cắt một phần dạ dày, người bệnh cần nhai thật kỹ; các hoạt động khác như làm việc, luyện tập thì vẫn bình thường.
Để phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày, chúng ta cần ăn uống điều độ, không bỏ bữa, giảm stress, bỏ thuốc lá và rượu bia. Ngoài ra, mọi người phải điều trị triệt để vi khuẩn H.P nếu bị nhiễm.
Khi có các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, tiêu phân đen… nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến nặng gây biến chứng.
Cần lưu ý, ổ loét dạ dày có thể là dấu hiệu của ung thư nên bệnh nhân không được tự ý uống thuốc mà bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm bệnh ung thư dạ dày. Vì vậy, khi nội soi phát hiện thương tổn ở dạ dày (viêm, ổ loét, khối u, polyp…), người bệnh bắt buộc phải đi khám để được làm thêm các xét nghiệm và chẩn đoán chính xác, can thiệp sớm.
Thanh Huyền