Sau “giải cứu vỉa hè”, người Sài Gòn "đỏ mắt" tìm nơi giữ xe

06/03/2017 - 15:07

PNO - Bãi giữ xe khu vực trung tâm TP.HCM vốn đã khan hiếm, nay lại thêm quá tải khi chiến dịch “giải cứu vỉa hè” diễn ra quyết liệt. Lợi dụng tình hình này, nhiều điểm giữ xe đẩy giá hàng chục lần so với quy định.

Sau “giai cuu via he”, nguoi Sai Gon
Việc thu phí giữ xe trên đường Hồ Huấn Nghiệp (Q.1) khá bát nháo

Khan hiếm chỗ gửi, bãi xe vô tư “chặt chém”

Tối 4/3, chúng tôi gửi xe gắn máy tại bãi xe ở chung cư số 155 đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM. Người đàn ông giữ xe đưa cho chúng tôi một vé gửi xe không ghi giá và báo giá là 20.000đ/lượt.

Khi chúng tôi thắc mắc về mức giá gửi xe “trên trời”, ông này phản ứng: “Giá này áp dụng mấy ngày rồi, mấy chỗ gửi xe ở đây đều lấy xe số là 20.000 đồng/xe hết. Bây giờ người ta không cho để xe trên vỉa hè nữa, phải đưa xe vào nhà, giá caơn là phải rồi. Không gửi đây thì tìm không ra chỗ nữa đâu”.

Nếu như trước đây, đường Bùi Viện có đến gần chục điểm giữ xe trên vỉa hè thì nay chỉ còn hai điểm giữ xe trong nhà. Chỗ giữ xe khan hiếm lại thường xuyên quá tải nên chủ các bãi giữ xe ở khu vực này đã đẩy giá lên cao.

Sau “giai cuu via he”, nguoi Sai Gon
bãi giữ xe phố đi bộ nGuyễn Huệ nâng giá lên 7.000 đồng/ xe/ lượt trong khi chỉ được phép thu 4.000 đồng

Anh Nguyễn Hữu Huy ngụ ở Q.7, TP.HCM cho biết: “Trước đây, gửi xe ở đường Bùi Viện chỉ bị “chém” 10.000 đồng, nhưng bây giờ dẹp vỉa hè, chỗ gửi xe khan hiếm, giá gửi tăng gấp đôi. Tôi vừa gửi xe ở đây chưa đầy 15 phút mà phải mất 20.000 đồng. Mấy đứa bạn tôi thấy giá cao quá nên họ chạy qua gửi xe ở sát Trường THCS Chu Văn An (đường Cống Quỳnh) với mức giá 10.000đ rồi đi bộ qua đây”.

Tại một số bãi giữ xe khác nằm trên các tuyến đường trung tâm thành phố như Đông Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, trong những ngày này, giá gửi xe cũng bị đẩy lên chót vót. Không chỉ thu tiền gửi theo lượt xe, nhiều điểm giữ xe còn thu tiền theo giờ với mức giá dao động từ 10.000 - 50.000đ/xe máy.

Tại bãi giữ xe số 53 đường Đông Du, Q.1, nhân viên giữ xe cho biết, mức giá gửi xe sẽ được tính theo giờ: “Bây giờ là 22h rồi, anh gửi xe đến trước 12 giờ thì em lấy mười ngàn, qua 12 giờ thì em lấy hai chục, đến rạng sáng thì em lấy ba chục, đến hơi trưa thì em lấy năm chục”.

Khi chúng tôi phản ứng về mức giá gửi xe quá cao, một nhân viên của bãi xe này nói thẳng: “Bây giờ không như trước, để xe trên lề đường là công an hốt liền, nên tụi tui phải đem xe vô trong nhà gửi, giá cao hơn là đương nhiên. Không gửi bây giờ, một chút nữa thì không tìm ra chỗ gửi xe đâu nhé”.

Không chỉ các bãi xe tư nhân “chặt chém” mà ngay tại các bãi xe có niêm yết giá, nhân viên cũng tự ý tăng giá cao hơn so với quy định. Những ngày gần đây, bãi giữ xe phố đi bộ Nguyễn Huệ dường như không còn chỗ trống.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi giờ có đến hàng trăm lượt xe máy ra vào bãi xe này. Lợi dụng nhu cầu gửi xe tăng cao, nhân viên của bãi xe này đã tự ý tăng giá gửi xe lên gần gấp đôi.

Sáng 5/3, nhiều người đến gửi xe tại bãi xe phố đi bộ Nguyễn Huệ vô cùng bức xúc khi chủ bãi xe này tự ý tăng giá vé lên 7.000đ/lượt, trong khi quy định chỉ cho phép thu phí 4.000đ/lượt.

Một số người dân bất bình với mức giá trên, cự cãi với nhân viên thì được “giảm giá” xuống còn 5.000đ, còn phần lớn người gửi xe đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì chẳng biết gửi đâu.

Nhiều chủ ôtô cũng chịu cảnh tương tự khi lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, ở một số tuyến đường cho phép đậu ôtô trên đường và có thu phí 5.000đ/lượt, chẳng hạn như Ngô Đức Kế và Hồ Huấn Nghiệp (Q.1) thì trên thực tế, việc thu phí diễn ra khá bát nháo: nhiều điểm thu phí không xuất biên lai cho khách hoặc nhân viên thu phí tự ý “xin thêm” phí gửi xe từ 20.000 - 50.000đ so với quy định.

Sáng 5/3, sau khi chúng tôi đậu ôtô trên tuyến đường này thì có một người đàn ông chạy đến đòi thu 20.000đ mà không xuất biên lai. Khi chúng tôi phản ứng về mức thu phí nói trên thì người này mới gọi một nhân viên ở gần đó đến giao biên lai cho chúng tôi và cho biết, mức thu phí theo quy định chỉ 5.000đ nhưng nhân viên ở đây “xin thêm”.

Theo phản ánh của một số người dân, thời gian gần đây, khi chỗ đậu xe trở nên khan hiếm thì tại đường Sương Nguyệt Anh (Q.1) có một số đối tượng thường xuyên “cắm chốt” để thu phí đậu xe với mức thu 30.000 - 50.000đ mà không hề xuất biên lai.

Sau “giai cuu via he”, nguoi Sai Gon
Nhân viên giữ xe đường Bùi Viện hét giá giữ xe 20.000 đồng

Xây dựng bãi xe để giảm lấn chiếm vỉa hè

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, hiện toàn thành phố có hơn 2.270 tuyến đường có vỉa hè và gần 2.600 tuyến đường không có vỉa hè. Tại khu vực trung tâm thành phố, nhu cầu dừng, đậu xe của người dân là rất lớn nhưng vẫn chưa có đủ hệ thống bãi giữ xe tương ứng.

Trong những ngày các địa phương ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè thì tại một số điểm gửi xe như Nhà văn hóa Thanh niên, Sân vận động Hoa Lư, Công viên Tao Đàn… luôn đông nghẹt khách.

Vào các giờ cao điểm, những bãi xe này luôn trong tình trạng “cháy chỗ” do khách đến gửi đông hơn thường lệ. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều nhân viên giữ xe ở các bãi xe than “không có chỗ chứa”.

Được biết, để giải quyết tình trạng thiếu bãi giữ xe, trước đây, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất xây dựng một số bãi xe ở khu vực trung tâm, trong đó có bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hiện tại việc quy hoạch bãi giữ xe ngầm vẫn đang còn nằm trên giấy và nếu bắt đầu khởi công xây dựng trong năm nay thì nhanh nhất cũng phải đến năm 2019 mới đi vào hoạt động. Cho nên, song song với việc lập lại trật tự vỉa hè, cơ quan chức năng nhất thiết phải tính đến phương án bố trí chỗ gửi xe, đậu xe cho người dân.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch) cho rằng, cần phải sắp sếp, tổ chức bãi xe để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đối với các đơn vị kinh doanh, khi thiết kế xây dựng, phải có bãi để xe. Nếu đơn vị kinh doanh không có chỗ để xe riêng thì phải đóng kinh phí để địa phương hoặc các tổ chức khác xây dựng bãi xe.

“Không chỉ người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè mà còn có việc để xe lấn chiếm. Để giải quyết tình trạng này, cần phải đáp ứng được nhu cầu đỗ xe, gửi xe. Ngoài các đơn vị kinh doanh, nhà nước cũng nên thúc đẩy xây dựng các bãi xe công cộng. “Nếu tổ chức tốt các bãi giữ xe thì việc lấn chiếm vỉa hè sẽ giảm rõ rệt” - kiến trúc sư Nam Sơn nói.

Tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia ngành giao thông) cho biết, ở một số nước, vỉa hè không chỉ dành riêng cho người đi bộ mà còn để dành cho công trình hạ tầng, cây xanh và kể cả đậu xe. Trong lúc chưa đủ điểm đậu xe, giữ xe như hiện nay thì có thể nghiên cứu, tận dụng một phần các lề đường rộng làm bãi đậu xe. Những bãi đậu xe này phải được quản lý chặt chẽ và đấu giá rõ ràng.

“Muốn tận dụng vỉa hè, cần có quy chuẩn rõ ràng về kỹ thuật: lề đường rộng bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu cho người đi bộ, bao nhiêu cho hạ tầng và bao nhiêu để làm chỗ đậu xe. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành một khung pháp lý chặt chẽ về việc sử dụng vỉa hè.

Trong lúc thiếu điểm gửi xe như hiện tại thì chúng ta có thể nghiên cứu cho phép sử dụng một phần lề đường trên một số tuyến đường ở trung tâm có lề đường rộng để làm nơi gửi xe trong vòng một đến hai năm. Việc sử dụng như vậy có thể làm giảm được tình trạng thiếu bãi giữ xe và góp phần tăng thu ngân sách” - tiến sĩ Phạm Sanh đề xuất.

Chiều 5/3, phóng viên báo Phụ Nữ gọi điện vào số đường dây nóng của Ðội quản lý trật tự đô thị quận 1 để phản ánh về tình trạng thu phí không đúng quy định tại một số điểm cho phép đậu xe trên một số tuyến đường của quận 1.

Tiếp nhận phản ánh của chúng tôi, đại diện đội này cho biết, sẽ xem xét, xử lý nghiêm tình trạng trên, đồng thời qua báo Phụ Nữ, vị này cũng khuyến cáo: người dân khi bị thu phí vượt mức quy định hoặc nhân viên thu phí không xuất biên lai thì hãy gọi điện đến số 0862988888 để phản ánh. Sau khi tiếp nhận thông tin, Ðội quản lý trật tự đô thị quận 1 sẽ nhanh chóng đến hiện trường lập biên bản, xử lý vi phạm.

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI