Sau gần 3 năm lở núi, người dân Phước Sơn vẫn chưa có đường để đi

17/08/2023 - 13:04

PNO - Kể từ khi lở núi ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) vào cuối năm 2020 khiến các tuyến đường liên xã bị vùi lấp, hư hỏng, đến nay, người dân vẫn chưa có đường để đi lại do dự án khôi phục các tuyến đường không đảm bảo tiến độ.

Hơn 2 năm thi công vẫn chưa xong

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết, dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH (tuyến đường liên xã) không được đưa vào dạng dự án cấp thiết nên buộc phải tiến hành đầy đủ thủ tục liên quan rồi mới có thể thi công. Vì vậy, phải đến gần 1 năm sau khi các tuyến đường bị phá nát thì dự án mới đảm bảo thủ tục để thi công. Cho đến nay, đã hơn 2 năm.

Hơn 2 năm thi công nhưng đến nay mọi thứ vẫn còn rất bừa bộn, người dân các xã vùng cao huyện Phước sơn vẫn chưa có được con đường an toàn để di chuyển
Hơn 2 năm thi công nhưng đến nay mọi thứ vẫn còn rất bừa bộn

“Nếu được đưa vào dự án công trình cấp thiết thì mình có thể chỉ định thầu, từ đó rút ngắn các công đoạn thành lập dự án, rồi đấu thầu công khai qua mạng… Nhưng hồi đó, anh em chạy đôn chạy đáo lo cho người dân bị chia cắt trong mưa lũ nên không kịp làm hồ sơ” - ông Trung nói.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 3539/QĐ-UBND về phê duyệt 2 dự án giao thông tại huyện Phước Sơn qua 5 xã gồm Phước Đức, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc với chiều dài hơn 50km, số tiền là hơn 300 tỉ đồng. Huyện Phước Sơn được giao làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024.

Với tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng với khoảng 40km đường, tuy nhiên tiến độ thi công vẫn chưa hoàn thành được quá 30% khối lượng công trình
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng với khoảng 40km đường, đến nay, tiến độ thi công vẫn chưa hoàn thành được quá 30% khối lượng công trình

Tuy nhiên, trong hơn 2 năm thi công, đến nay các tuyến đường vẫn là những vệt dài nham nhở, chỉ một số đoạn ở phía ngoài đã được đổ bê tông, còn lại, càng đi vào sâu địa phận các xã vùng cao thì tuyến đường này đúng như người dân gọi là “con đường đau khổ”.

“Giờ mong muốn nhất là có được con đường như trước đây để đi. Nhà sập đã được dựng lại, nhưng đường thì vẫn thế. Giờ mỗi lần mưa to, chúng tôi đâu dám đi trên những con đường này. Có đi thì cũng nơm nớp lo” - anh Hồ Văn C. (thôn 1, xã Phước Thành) chia sẻ.

Trong báo cáo tiến độ thi công của Ban quản lý dự án (BQLDA) huyện Phước Sơn cũng nêu rõ: “Hiện các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu; có nhà thầu không triển khai thi công, hiện trạng trên tuyến này do mưa lũ thường xuyên nên đã xói lở nền mặt đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, phát sinh thêm khối lượng so với thiết kế. Thời gian tới, nếu nhà thầu vẫn không triển khai thi công thì nguy cơ các đoạn tuyến bị sạt lở nền mặt đường có thể đứt đường, không thể lưu thông được”.

Dừng thi công do giá vật liệu quá cao

Được biết, dự án ĐH1.PS  do liên danh nhà thầu là Công ty TNHH dịch vụ xây dựng Minh Khang và Công ty TNHH xây dựng Thái Dương thi công,  khởi công ngày 8/1/2022, dự kiến hoàn thành ngày 4/10/2024.

Theo báo cáo của BQLDA huyện Phước Sơn, nhiều nhà thầu hiện nay không chịu thi công
BQLDA huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay nhiều nhà thầu không chịu thi công

Dự án ĐH2.PS, đơn vị thi công xây dựng là liên danh nhà thầu thuộc Công ty TNHH Thành Trí - Công ty TNHH MTV Nguyên Khang - Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ - Công ty CP phát triển Quảng Nam, khởi công ngày 6/5/2022, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/3/2025.

Theo BQLDA huyện Phước Sơn, tính đến tháng 7/2023, giá trị khối lượng đạt được của 2 nhà thầu trên tuyến ĐH1.PS chỉ đạt 30,22% giá trị hợp đồng; giá trị khối lượng đạt được của 4 nhà thầu trên tuyến ĐH2.PS chỉ đạt 14,435% giá trị hợp đồng.

Lý do được đưa ra là do giá cả vật liệu tăng quá cao so với giá trong hợp đồng đấu thầu
Nhiều nhà thầu ngừng thi công vì cho rằng giá cả vật liệu tăng quá cao so với giá trong hợp đồng đấu thầu

“Do các nhà thầu thi công dự án cố tình kéo dài, không triển khai thi công thực hiện dự án theo hợp đồng. Ban QLDA Đầu tư Xây dựng và phát triển Quỹ đất huyện Phước Sơn đã nhiều lần có văn bản yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nhưng nhà thầu vẫn cố tình không thực hiện. Ban cũng đã có văn bản báo cáo UBND huyện về tình trạng này để có cơ sở để xử lý theo pháp luật” - ông Trần Hồng Quân, Giám đốc BQLDA huyện Phước Sơn, nói.

Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương (đơn vị thi công tuyến ĐH1.PS) cho biết, sau khi nhà thầu ký kết hợp đồng thi công thì giá vật liệu tăng đột biến. Các vật liệu như đá cấp phối, cát… tăng từ 28% đến 55% so với lúc trước. “Tuy hợp đồng đang ký kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư là “Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh”, nhưng chênh lệch quá lớn giữa giá vật liệu thị trường và giá công bố của các cơ quan ban ngành áp dụng cho việc điều chỉnh giá cũng không thể nào bù đắp được khoản lỗ cho nhà thầu. Cụ thể, với khối lượng Công ty Thái Dương đã hoàn thành được 16,546 tỉ đồng (khoảng 25% khối lượng hợp đồng), thì công ty chúng tôi lỗ về chênh lệch giá vật tư khoảng hơn 3 tỉ đồng. Nếu tính toàn bộ công trình theo giá vật liệu hiện nay thì dự kiến sẽ lỗ khoảng 12 tỉ đồng” - công văn Công ty Thái Dương nêu rõ.

Việc giá cả vật liệu tăng quá cao khiến cho các đơn vị thi công chỉ hoạt động cầm chừng để đối phó. Có nhiều công ty đã dừng hẳn, không hoạt động nữa
Việc giá cả vật liệu tăng quá cao khiến các đơn vị thi công chỉ hoạt động cầm chừng để đối phó, có công đơn vị dừng hoạt động

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - nói: “Nhiều nơi chỉ có vài công nhân làm việc cho có lệ, còn lại hầu như là dừng hoạt động. So với quy mô của một công trình thì hoàn toàn không đáp ứng được. Sắp tới, chúng tôi sẽ có phương án quyết liệt để đốc thúc các đơn vị này tiếp tục thi công, đảm bảo đúng tiến độ so với kế hoạch” - ông Trung nói.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa huyện miền núi Phước Sơn sẽ bước vào mùa mưa. Với tiến độ thi công này, không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới có được con đường mới để đi lại an toàn trong mùa mưa bão.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI