Sau đợt giảm kỷ lục nhờ COVID-19, lượng khí thải nhà kính bắt đầu tăng trở lại

04/03/2021 - 06:26

PNO - Lượng phát thải khí CO2 đã giảm đáng kể vào năm ngoái khi đại dịch buộc phần lớn thế giới phải hạn chế đi lại. Nhưng dữ liệu mới cho thấy lượng khí thải đang phục hồi nhanh chóng.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Climate Change ước tính, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã khiến lượng khí thải CO2 giảm 7% trong suốt năm 2020 - mức giảm lớn nhất từng được ghi nhận.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo trừ khi các chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư xanh trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, nếu không thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ về lượng khí thải.

Corinne Le Quéré, một trong những tác giả của nghiên cứu và là giáo sư khoa học về biến đổi khí hậu tại Đại học East Anglia, cho biết sự sụt giảm khí thải lớn xảy ra vào tháng 4/2020 (đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên) chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Sau đó, biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng, các phương tiện bắt đầu được phép di chuyển khiến lượng khí thải tăng mạnh trở lại.

Lượng khí thải nhà kính bắt đầu tăng trở lại từ cuối năm 2020.
Lượng khí thải nhà kính bắt đầu tăng trở lại từ cuối năm 2020

Và trong khi cuộc chiến của thế giới với COVID-19 còn lâu mới kết thúc, lượng khí thải đã được phục hồi. Dữ liệu mới từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 2/3, lượng khí thải liên quan đến năng lượng toàn cầu cao hơn 2% vào tháng 12/2020 so với tháng 12/2019, mặc dù nhiều khu vực trên thế giới vẫn đang bị phỏng tỏa vì dịch.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết sự phục hồi của lượng khí thải carbon là một cảnh báo rõ ràng rằng các nước chưa áp dựng đủ các chính sách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn thế giới.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong ô tô, máy bay… cũng như thông qua các hoạt động khác của con người, đã giải phóng CO2 vào khí quyển. Điều này khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng lên, có liên quan đến thời tiết khắc nghiệt hơn như băng tan và mực nước biển dâng cao. 

Theo Hiệp định khí hậu Paris năm 2015, các quốc gia cam kết giảm sản lượng carbon và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C - và nếu có thể, dưới 1,5 độ C - vào cuối thế kỷ này để tránh những tác động tồi tệ nhất.

Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nếu vượt quá ngưỡng nhiệt độ cho phép sẽ góp phần gây ra nhiều đợt nắng nóng, mực nước biển dâng cao, hạn hán tồi tệ và lượng mưa cực đoan, cháy rừng, lũ lụt, thiếu lương thực cho hàng triệu người...

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI