Chuyên mục: Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

Sau điều trị COVID-19 thường xuyên đau cổ, vai gáy

17/12/2021 - 07:20

PNO - Khi mắc COVID-19, mọi người thường ít hoạt động hơn bình thường, điều này có thể gây ra đau nhức, cứng khớp và yếu cơ.

Tôi là người thường xuyên vận động, tập thể dục, yoga. Bình thường sức khỏe của tôi dẻo dai nhưng sau khi mắc và điều trị COVID-19, tôi thường xuyên đau vùng vai, cổ gáy và mỏi cánh tay. Tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng này?

Nguyễn Thị Mai (65 tuổi, Q.Gò Vấp, TPHCM)

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Đau vai gáy là tình trạng khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, đau mỏi vùng vai gáy và có thể kèm hạn chế vận động vùng cổ gáy. Khi mắc COVID-19, mọi người thường ít hoạt động hơn bình thường, điều này có thể gây ra đau nhức, cứng khớp và yếu cơ. Trong thời gian đó, người bệnh nằm trên giường kéo dài, sử dụng một số loại thuốc điều trị có thể gây đau nhức khớp và cơ.

Nếu trước đó, người bệnh đã có sẵn vấn đề gây đau nhức cơ xương khớp, thì trong và sau khi mắc COVID-19 các vấn đề này sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, khi mắc COVID-19, nhiều người lo sợ dẫn đến trầm cảm, stress làm cơ thể sản xuất ra cortisol là chất gây đau nhức mệt mỏi. Khi bị stress thường xuyên, lượng cortisol sản xuất ra nhiều hơn, xâm nhập và tàn phá hệ gân cơ xương khớp, khiến bệnh nhân bị co cứng cơ vùng cổ vai gáy kèm theo đau khớp…

Một số người gặp các vấn đề nghiêm trọng về vai gáy và cánh tay hậu COVID-19, đặc biệt là những người đã từng nằm viện. Đây có thể là sự kết hợp của đau, cứng, tê ở cánh tay và yếu một số cơ. Nhiều vấn đề trong số này sẽ được cải thiện khi điều trị COVID-19 ổn định, nhưng nếu người bệnh cảm thấy vấn đề của mình nặng nề và nghiêm trọng thì nên đi khám bác sĩ. 

Tại cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân sau khi được xác định đau vai, cổ gáy hậu COVID-19, sẽ được điều trị bằng cách cho dùng thuốc, tập vật lý trị liệu, tập dưỡng sinh, yoga - khí công, thái cực quyền. Đồng thời, xoa bóp bấm huyệt giúp làm mềm cơ, làm tăng độ đàn hồi của mô bằng cách tăng lưu lượng máu đến các khu vực, giảm căng cơ tổng thể, phát triển khối lượng cơ, tăng sức cơ, phòng chống teo cơ cứng khớp. Đồng thời, giúp giải phóng độc tố, hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng cường sức khỏe. 

Ngoài việc tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, trong quá trình điều trị phục hồi chức năng, người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, bổ sung khoáng chất và vitamin, luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp có chỉ định để sớm hồi phục.

Bình Minh (ghi)

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0966.18.27.27, 0913.15.93.15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI