Để trẻ không bị kết quả thi “nhấn chìm”

Sau điểm thi là tuyệt vọng, cô đơn, mặc cảm tội lỗi…

13/07/2024 - 06:18

PNO - Mùa hè cũng là mùa có những cuộc thi mang tính chất quyết định. Và không ít học sinh phải đối mặt với nỗi buồn, thất vọng vì điểm thi không như kỳ vọng. Đáng buồn hơn, có những em suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tâm lý, tự làm tổn thương mình…

Một thí sinh vì quá lo lắng nên mất ngủ,  bật khóc trước khi bước vào kỳ thi THPT vừa qua, tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM) - ẢNH: HÀ VĂN
Một thí sinh vì quá lo lắng nên mất ngủ, bật khóc trước khi bước vào kỳ thi THPT vừa qua, tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: Hà Văn

Chuyện buồn từ điểm số

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Kim Hoàn - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM - luôn nhớ bệnh nhân đặc biệt của mình: Diễm (tên nhân vật trong bài đã được thay đổi) - một nữ sinh lớp Mười hai, học rất giỏi, luôn đứng tốp đầu của lớp. Gia đình kỳ vọng Diễm sẽ đậu vào ngành y. Diễm vào học nội trú từ lớp Mười tại một trường tư thục nổi tiếng. Tuy nhiên, việc sống xa nhà, áp lực học tập quá lớn cùng với điểm thi thấp của học kỳ I năm lớp Mười hai đã khiến Diễm rơi vào tình trạng u uất, buồn bã, mất ngủ.

Diễm được mẹ đưa đến khám với nhu cầu “lấy thuốc bổ cho con học bài mau thuộc, vì còn vài tháng nữa là về đích rồi”. Thế nhưng, bác sĩ chẩn đoán Diễm bị trầm cảm nặng và có ý định tự tử. May mắn, người mẹ đã tuân thủ điều trị của bác sĩ, đổi môi trường học đỡ căng thẳng hơn cho con.

Việc điều trị đã giúp Diễm ổn định tinh thần, vui vẻ và đã tìm được sự hứng khởi trong học tập, cuộc sống. Hiện Diễm là cô sinh viên vui vẻ, năng động của Đại học Kinh tế TPHCM. Mới đây, đọc báo thấy trường hợp tự tử, Diễm nói với mẹ: “Nếu ngày đó mẹ vẫn ép con học tiếp để vào trường y, không biết giờ con có còn đứng đây không”.

Mùa thi năm nay, bạn bè của T. - một học sinh từng nhảy lầu tự tử tại trường thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2022 ở quận B.T. - lại nhắc kỷ niệm về người bạn hiền lành, tội nghiệp.

Vốn là học sinh giỏi, đứng tốp đầu suốt những năm cấp I, II và có nguyện vọng vào lớp Mười trường điểm của thành phố. Thế nhưng, khi mới hoàn thành môn văn - môn thi đầu tiên - T. đã chọn cái chết.

Cũng từng rơi vào khủng hoảng, trầm uất vì điểm thi kém là Khang - một học sinh giỏi ở quận Tân Bình, TPHCM. Từ lớp Một đến lớp Mười hai, Khang luôn nằm trong tốp 5 của trường. Khang và gia đình cùng đặt mục tiêu vào Trường đại học Y Dược TPHCM. Thế nhưng, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Khang chỉ đạt 23,5 điểm, rớt khoa y. Ngày biết điểm, Khang hứng cơn thịnh nộ của ba: “Tao nuôi mày ăn học cực khổ, không cho mày đụng tay chân bất cứ việc gì, chỉ có mỗi việc học mà mày làm cũng không xong. Mày ngu dốt hay cẩu thả, mà làm bài như vậy? Nhục nhã quá!”. Dù đã chuẩn bị tâm lý “ăn chửi” từ người ba khó tính, sĩ diện, nhưng Khang vẫn sốc, “thấy mình vô dụng và lọt xuống hố của sự thảm bại”.

“Vai ba, con hãy tựa đầu”

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kiều Tiên - Trưởng khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TPHCM - cho biết: trung bình mỗi tuần khoa tiếp nhận khoảng 700-900 lượt bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân thường tăng vào mùa thi. Các em đến khám thường gặp các vấn đề: học bài hoài không thuộc, căng thẳng, lo lắng quá không ngủ được, ba mẹ không cho chơi điện thoại và yêu cầu tập trung vào việc học khiến các em buồn chán, cáu gắt…

Mùa thi vừa qua đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho các thí sinh và gia đình, niềm vui của người này, nỗi buồn của người kia. Điểm thấp, rớt nguyện vọng thật sự là trải nghiệm “khó trôi” với các em và gia đình. Với những học sinh giỏi bị “sẩy chân”, nỗi buồn, thất vọng càng cao. Tuy nhiên, thay vì chìm trong thất vọng, nhiều em đã may mắn nhận được sự an ủi, động viên từ ba mẹ, người thân, giúp các em sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sau khi thi tốt nghiệp THPT, Tuấn - con trai chị Thu, ở quận 7 - bỗng trầm tính hẳn, cứ chui rúc trong phòng, không nói chuyện với ai, mặt mày phờ phạc. Ban đầu, ba mẹ Tuấn nghĩ chắc em mất sức sau kỳ thi, vì gia đình không hề đặt áp lực điểm số cho con. Nhưng thấy con ngày càng xanh xao, nên chị Thu quyết định nói chuyện riêng với con. Chị Thu nhẹ nhàng hỏi: “Đã có chuyện gì xảy ra với con?”.

Tuấn im lặng một lúc rồi bật khóc như đứa trẻ lên 3: “Con sợ rớt môn sử”, điều này đồng nghĩa với việc Tuấn không thể tốt nghiệp THPT và sẽ không được vào đại học. Không cần nghĩ ngợi, chị Thu an ủi: “Cả ba và mẹ đã thấy con cố gắng, nỗ lực hết sức suốt năm qua, điểm học trong lớp của con cũng rất tốt, nếu lần này có rớt, mẹ nghĩ có lẽ do mình thiếu một chút may mắn, ba mẹ sẽ cho con gap year (nghỉ ngơi 1 năm) không sao cả, học cả đời mà con”. Chị còn nói chồng nhắn tin động viên con, cùng con đến bác sĩ để được kê toa thuốc ổn định thần kinh, giải quyết tình trạng mất ngủ.

Được ba mẹ chia sẻ, Tuấn như trút được tảng băng lo lắng và may mắn kết quả thi tốt hơn em tưởng tượng rất nhiều.

Tương tự, Phi - cô bé vừa nhận được kết quả thi 3 môn đạt 21,5 điểm, xem như rớt nguyện vọng 1 vào ngôi trường chuyên danh giá. Phi sốc, hụt hẫng. Tuy nhiên, thay vì trách mắng hay thất vọng, ba của Phi đã nhắn tin cho con gái đầy hài hước: “Vai ba, con hãy tựa đầu”. Nhờ sự động viên tinh tế này, Phi cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn.

Anh Trần Hải (ngụ quận Tân Bình) cẩn thận  đeo đồng hồ vào tay con trai và nhắc con  canh thời gian để làm bài trong kỳ thi vào Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2024 - Ảnh: Nguyễn Loan
Anh Trần Hải (ngụ quận Tân Bình) cẩn thận đeo đồng hồ vào tay con trai và nhắc con canh thời gian để làm bài trong kỳ thi vào Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2024 - Ảnh: Nguyễn Loan

Phong - học sinh lớp Mười hai ở Bến Tre, từng đứng bên bờ vực của cái chết khi quyết định tự tử vào năm lớp Tám chỉ vì bị 4 điểm môn toán - kể lại: “Điểm 4 làm em rất buồn và sợ về nhà bị ba mẹ la. Trong lớp cũng có 1 bạn bị 4 điểm, rủ em: “Đi (tự tử - PV) với tao không, chớ về nhà bị ba mẹ đánh cũng chết”. 2 đứa kéo ra cây cầu đúc ở huyện Giồng Trôm định nhảy xuống. Nhưng khi đứa này vẫn đang chờ đứa kia nhảy trước thì có một chú đi ngang, kéo 2 đứa xuống và chửi một trận. Nếu không có chú đó đi ngang, em cũng không biết giờ mình sao nữa”. May thay sau đó, ba mẹ biết Phong thi được 4 điểm thì chỉ hỏi: “Đề khó quá hay là con ôn không vô đề?”.

“Lúc đó em hối hận lắm, vì nếu em nhảy cầu thật, em sẽ không bao giờ biết được ba mẹ em thấu hiểu và thương em như vậy” - Phong nói.

Sự động viên của ba mẹ chính là nguồn sức mạnh to lớn giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi thi rớt. Thay vì chỉ trích, trách móc, ba mẹ hãy dành cho con những lời an ủi, khích lệ, giúp con lấy lại niềm tin vào bản thân. Hãy cùng con chia sẻ nỗi buồn, lắng nghe con và giúp con tìm ra hướng đi tiếp theo trên con đường chinh phục tri thức phía trước.

Thuỳ Dương

“Con biết không, mẹ cũng từng”

Chị Đào Thị Thanh Loan - Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam - cũng đã có hành động đầy bất ngờ dành cho con trai, sau khi con rớt nguyện vọng 1 vào ngôi trường cấp III yêu thích. Chị Loan đã xin nghỉ phép và rủ con đi du lịch. Những ngày đó, chị Loan tranh thủ “xuyên bức tường” im lặng của con trai. Mẹ con la cà phố xá, ngồi quán cà phê và tỉ tê đủ điều.

Chị Loan cũng tiết lộ một bí mật với con: “Ngày xưa mẹ cũng thi rớt đại học năm đầu và cũng muốn tự tử. Ông bà ngoại cắt cử cậu canh chừng mẹ. Sự động viên, yêu thương của gia đình đã giúp mẹ hiểu ra: thi rớt không phải là tận thế và mẹ có thể viết tiếp ước mơ vào kỳ thi năm sau. Mẹ đã gạt nỗi buồn qua một bên và năm sau mẹ đã thi đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, đậu á khoa. Nhờ vậy, mẹ có công việc, kinh tế ổn định như hiện nay”. Chuyến đi nghỉ mát của 2 mẹ con không những giúp con trai bình tâm, vượt qua cú sốc đầu đời mà còn giúp mẹ con chị gần gũi, hiểu nhau hơn.

Giang Thuỳ (ghi)

Lên kế hoạch cho năm học mới thay vì ngồi buồn

Hôm ấy, tôi đang ở cơ quan thì con gái lớn gọi báo: “Mẹ ơi, em khóc quá chừng, con dỗ hoài mà em không nín. Em dò điểm tuyển sinh lớp Mười, nhắm khả năng chỉ đậu nguyện vọng 3 nên cứ vùi đầu vào gối khóc, không chịu ăn uống”. Tôi ruột gan cũng rối bời theo cảm xúc thất vọng, sốc của con, nhưng không nghỉ làm ngay được, đành từ xa nhắn tin động viên con: “Học trường nào cũng được, nguyện vọng mấy, trường công hay dân lập cũng được, ăn thua là mình tiếp thu kiến thức như thế nào”. Con gái đã hết khóc nhưng vẫn buồn mấy ngày sau đó. Vợ chồng tôi bên cạnh con nhiều hơn. Tôi nói, thay vì thời gian để buồn, con hãy dành cho việc lên kế hoạch năm học mới, “ngâm cứu” về trường mới, nộp hồ sơ như thế nào, trường có bán trú hay không, chọn con đường ngắn nhất và ít kẹt xe để thuận tiện di chuyển.

Trần An Nhung

- nhân viên văn phòng, quận Bình Thạnh, TPHCM

Sẽ ổn vì con đậu trường “vừa túi tiền”

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (làm việc tại một căng tin ở quận 3, TPHCM) cho biết, nhiều khả năng con trai chị sẽ rớt nguyện vọng 1 trong kỳ thi lớp Mười, nhưng cháu không chìm ngập trong nỗi buồn, thất vọng. Cháu biết thông tin trường nguyện vọng 1 có thể phải đóng các khoản tiền khá cao - hết hơn nửa tiền lương của mẹ, còn trường nguyện vọng 2 nơi con đủ điểm chuẩn đáp ứng tương đối các điều kiện: cơ sở vật chất tạm ổn, các khoản phí phải chăng, trường gần nhà và môi trường giáo dục khá tốt. Chị Thủy thể hiện cho con thấy sự vui lòng của chị khi con đạt nguyện vọng, dù không phải nguyện vọng cao nhất.

Chị Bích Thủy chia sẻ: “Tôi không cố ý tạo áp lực, chỉ nhắc nhở, đôn đốc con đừng chủ quan, lơ là. Khi con có kết quả, tôi không đem so sánh với các cháu khác, vì biết chẳng ai thích bị so sánh. Mỗi người là một cá thể riêng, có khả năng và ý thích khác nhau”.

Hướng Vân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI