Sau cuộc sàng lọc mang tên COVID-19, giáo dục sẽ thay đổi ra sao?

10/04/2020 - 07:42

PNO - COVID-19 chẳng khác nào bài học từ những bộ phim về thảm họa - một cuộc sàng lọc để sinh tồn. Hậu thảm họa là câu chuyện thích ứng để bắt đầu cho cuộc sống mới. Giáo dục cũng vậy, sau cơn địa chấn, phải tìm ra cách để sinh tồn.

Cơn địa chấn với nhà giáo

Nhiều tháng không hoạt động, không thu được học phí, nhiều trường đại học (ĐH) đã dùng gần hết quỹ dự phòng để “nuôi quân” và các khoản phí khác để duy trì nhà trường. Chưa kể, phải đầu tư số tiền không nhỏ để chuyển các hoạt động dạy học sang trực tuyến. Một bài toán kinh tế được đặt vào tay các lãnh đạo cả trường tư lẫn trường công.

Tại Malaysia, người ta dự báo sẽ có khoảng 50% trường ĐH tư phải đóng cửa sau COVID-19 bởi không thể cầm cự được. Còn tại Việt Nam, nhiều trường ĐH đã bắt đầu cắt giảm lương nhân viên và nhiều hoạt động để tồn tại.

Giảng đường không sinh viên đồng nghĩa các trường đại học không có nguồn thu - Ảnh minh họa
Giảng đường không sinh viên đồng nghĩa các trường đại học không có nguồn thu - Ảnh minh họa

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã sử dụng nguồn quỹ dự phòng để duy trì thu nhập ổn định cho nhân viên kể từ sau đợt nghỉ Tết đến nay. Tuy nhiên, nếu tình hình không thể mở cửa trường tiếp tục trong tháng Năm thì sẽ khó cầm cự, buộc phải tính đến phương án giảm thu nhập.

Trường dự kiến chia ba mức giảm: mức một, giữ lương cơ bản; mức hai, giữ lương cơ bản nhưng giảm 25% lương phụ trợ; mức ba, giữ lương cơ bản nhưng giảm 50% lương phụ trợ. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường, cho hay: từ sau Tết đến nay, trường chi 40 tỷ đồng cho nhiều khoản mà không có nguồn thu. Chưa kể, năm nay không có học kỳ hè, trường cũng sẽ không thu được học phí. Lãnh đạo trường đang tính nhiều phương án để cân đối thu chi, trong đó có việc giảm lương người lao động.

Từ tháng Tư này, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bắt đầu giảm lương từ cấp quản lý đến giảng viên và tiết kiệm chi tiêu. Bởi, nếu trường vẫn áp dụng mức chi như trước thì đến cuối năm nay sẽ lỗ 200 tỷ đồng. Vì vậy, lãnh đạo trường này phải quyết sẽ giảm 15% thu nhập của giảng viên và nhân viên. Ở cấp lãnh đạo, mức giảm còn nhiều hơn. 

Bi đát hơn, từ tháng Hai đến nay, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM phải nợ một phần lương giảng viên. Cụ thể, thu nhập của giảng viên gồm hai khoản, lương theo ngạch bậc và tiền dạy tăng thêm. Nhưng hiện nay, trường chỉ trả lương theo ngạch bậc từ quỹ dự phòng. Tiền dạy tăng thêm phải nợ giảng viên, chờ sau khi thu được học phí sẽ trả. Từ sau Tết, thu nhập của giảng viên chỉ bằng 2/3 so với trước đây. Dự kiến từ tháng Tư, giảng viên chỉ còn nhận được một nửa lương.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng: “Sinh viên học theo học chế tín chỉ, do đó, vấn đề là sinh viên học trước hay học sau thôi. Đương nhiên vẫn phải duy trì hệ thống hoạt động trong giai đoạn không có sinh viên nhưng chi phí không phải là quá nhiều. Đến khi đi học lại thì sinh viên cũng sẽ hoàn tất học phí và sẽ giải quyết được vấn đề tài chính”. 

Buộc phải thích ứng

Rõ ràng, phương thức giáo dục truyền thống đã khiến các trường học điêu đứng khi gặp lệnh tạm đóng cửa trong thời gian dài. Để không giẫm lại vết xe đổ của sự bị động trong thời gian vừa qua, thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, trong tương lai chắc chắn phải thay đổi quy chế và phương thức đào tạo.

Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng ghê gớm đến giáo dục và tất cả ngành nghề khác. Các du học sinh đang học ở Mỹ, Anh, Úc… phải về nước tránh dịch và hiện đang rất khó khăn để quay trở lại các nước đó học tiếp khi mà tâm dịch giờ đang ở Mỹ và châu Âu. Các du học sinh này bắt buộc phải điều chỉnh kế hoạch học tập so với ban đầu. Việc lựa chọn các chương trình liên kết với những trường ĐH quốc tế có kiểm định và học tại Việt Nam trong thời gian đầu cũng là giải pháp giúp các bạn không bị gián đoạn quá trình học tập”.

Các trường buộc phải gia tăng công nghệ, phải học trực tuyến và một phần trực tuyến kết hợp với truyền thống. Ít nhất các trường phải tính đến phương thức này và tỷ lệ sẽ học trực tuyến khoảng từ 10-20% trong chương trình. Trong những giờ lý thuyết, thay vì bắt buộc tất cả sinh viên lên lớp theo hình thức truyền thống đúng số giờ quy định, sinh viên có thể chọn cách phù hợp hơn với nhu cầu cá nhân là học trực tuyến hoặc kết hợp cả hai… 

Quy chế đào tạo cũng thay đổi để công nhận dạy trực tuyến thành chính quy so với trước đây. Và các trường phải chuẩn bị cho người dạy lẫn người học như một cách chính thức để khi có hay không có sự cố xảy ra vẫn duy trì hoạt động giáo dục không bị gián đoạn và loay hoay như thời gian qua.

Các nhà đào tạo thừa nhận rằng, COVID-19 cũng là cơ hội để các trường ngừng trì hoãn việc số hóa, chuyển đổi thành trường học trực tuyến. Tuy nhiên, cách học online như hiện nay vẫn còn là giải pháp tình thế, nửa vời, chắp vá. Thực tế, trường học trực tuyến không có nghĩa chỉ dạy online là đủ, mà còn đòi hỏi hạ tầng công nghệ bổ trợ, một trong số đó là xây dựng nguồn học liệu số đúng nghĩa (ví dụ như thư viện trực tuyến của ĐH Cambridge) chứ không phải để người học “Google search” như hiện nay.

Ngoài ra, điều kiện cần để xét tuyển ĐH là phải tốt nghiệp THPT, trong khi việc xét tốt nghiệp THPT hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Chẳng khác nào quy trình xét tuyển ĐH của tất cả các trường phụ thuộc vào kỳ thi này. Vì vậy, việc giao về địa phương xét tốt nghiệp THPT cũng là việc làm cần thiết, như để các trường ĐH tự chủ tuyển sinh vậy. 

Khi đó, cả việc tuyển sinh ĐH lẫn đào tạo sinh viên đều không phải bị động như hiện tại. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI