Nhiều người chấp nhận mất hết, ra đi tay trắng, chỉ để giành được quyền nuôi con. Thẩm phán tại tòa cũng chỉ là người phân định việc ai được nuôi con theo luật, nghĩa là việc nên - không được họ phán quyết theo lý, còn về mặt tình cảm, họ chưa chắc là người phán định chuyện đúng - sai chính xác.
Ở một góc nhìn khác, trong hoàn cảnh của nhiều đứa trẻ, ta sẽ chỉ thấy sự thiệt thòi và những nỗi buồn.
|
Việc đứng giữa cuộc chiến giành con của cha mẹ khiến đứa trẻ tổn thương lâu dài. Ảnh minh họa |
Người đẻ đương nhiên phải được nuôi?
Có bầu, sinh con với nhiều người như một bản năng, rất suôn sẻ nhưng với không ít người khác lại vô vàn gian nan. Và khi thật khó khăn, sau rất nhiều nỗ lực, thậm chí phải nhờ khoa học can thiệp mới có thể được làm mẹ, làm cha, hay mới sinh được đứa trẻ có giới tính như mong muốn của cả dòng họ, thì nếu phải ly hôn, việc tranh giành quyền nuôi con trở thành mục tiêu sống còn, chính yếu, duy nhất của cuộc đời.
Những trường hợp không quá phổ biến nhưng cũng không quá cá biệt này, cả hai bên đều cố sức tin rằng, cơ may có một đứa con khác thật hiếm hoi, nên không thể để người kia giành mất đứa con này. Họ quên rằng, chính vì đã rất khó khăn mới được ra đời, đứa trẻ là máu thịt của cả hai, bất luận ai là người nuôi nó.
Tôi còn nhớ hồi con học mẫu giáo, có lần đi đón con, đã chứng kiến một màn kịch tính thật khó quên. Hôm ấy là sinh nhật bốn tuổi của cậu bé, ba cậu mang đến một cái bánh kem lớn cho cả lớp, cùng con cắt bánh vui với các bạn, sau đó đón bé về. Ông bố hớn hở vừa đón con đi thì bà mẹ tới.
Họ đã ly hôn vài tháng trước, tòa xử quyền nuôi con thuộc về bà mẹ, mọi việc đón rước chăm sóc anh đều phải “xin phép” chị và việc tổ chức sinh nhật lẫn đón cậu bé hôm ấy đều không được báo trước cho bà mẹ.
Cô giáo không có lỗi, vì không hề được bà mẹ cảnh báo việc không được trả bé cho bố, nhưng dĩ nhiên cô nhận mọi trách móc, chì chiết, kêu gào như thể học trò của mình bị bắt cóc đến mức các phụ huynh có mặt cũng hết sức ái ngại.
Nán lại đến cùng, tôi chứng kiến ông bố phải mang con quay lại, giao trả cho vợ cũ ngay tại trường. Và điều làm tôi mủi lòng là thằng bé mặt mày đang rạng rỡ, vui sướng đã chuyển rất nhanh sang mếu xệch vì bị mẹ giật phắt khỏi tay bố, đưa lên xe đi ngay lập tức.
Tôi có thể hiểu được sự lo lắng, yêu quý và coi con như báu vật của các bà mẹ nhưng chỉ khi con gặp hiểm nguy, bị ngược đãi, chứ khi con hạnh phúc và vẫn được chăm sóc chu đáo bởi người cùng sinh ra nó, tại sao lại phải lo lắng mà dập tắt niềm vui ấy của chúng, phải giành giật và khẳng định chỉ mình mới có quyền là người duy nhất được nuôi và chăm chúng?
Người có công sinh, là các chị, thường sẽ là người được quyền nuôi con (kể cả khi các chị không đủ khả năng về tài chính thì ly hôn vẫn có quyền nuôi con và yêu cầu cha nó chu cấp).
Nhưng đừng quên, người cha cũng là người cùng mẹ sinh ra con và việc giành toàn quyền nuôi đến mức muốn cách ly con khỏi cha chúng chính là sự cực đoan chỉ đem lại thiệt thòi cho đứa trẻ.
|
Hạnh phúc của đứa trẻ cần được cân nhắc trước hết khi đôi bên giành con. Ảnh minh họa |
Giành nhưng có nuôi được không?
Lại có nhiều ông bố bà mẹ quyết liệt giành quyền nuôi con cho bằng được, dù phải lôi kéo con, tranh thủ họ hàng hai bên, thậm chí nhờ cả pháp luật, báo chí can thiệp. “Anh/cô ta không thể nuôi con tốt được như tôi”, họ ra sức thuyết phục và chứng minh rằng mình nuôi con tốt hơn người kia, có điều kiện kinh tế, chăm sóc tốt hơn… nhưng thực chất, với họ đứa trẻ như một vật sở hữu, một món trang trí cho nhãn hiệu ông bố bà mẹ thương con, hoàn hảo mà họ muốn thể hiện.
Khi giành được rồi, họ liên miên đi quay phim, lưu diễn dài ngày, tất bật với các thương vụ, với tình mới, gia đình mới… Đứa trẻ được giao cho vú em, cho người nhà, thi thoảng xuất hiện cùng bố/mẹ trong các khuôn hình tràn ngập hạnh phúc còn hằng ngày đi học, đi chơi, phó thác cho người khác.
Trong khi nếu phối hợp cùng nhau, khi mẹ đi vắng thì có bố hoặc ngược lại, trách nhiệm chăm sóc con được linh hoạt và chia sẻ văn minh thì bản thân bố/mẹ yên tâm hơn, con trẻ được sống trong vòng tay của cả hai.
Và một điều khá tế nhị nhưng không khó thấy, việc tranh giành con giữa các cặp đôi ly hôn đã đẩy đứa trẻ vào thế phải che giấu tình cảm với người còn lại, không để cho cha/mẹ, người sống chung biết.
“Mẹ ghét bố, không cho bố nuôi con, nên nếu biết con yêu bố, mẹ sẽ không hài lòng”. Có người mẹ, người cha nào không thấy đau lòng khi hiểu tâm tư này của trẻ?
Tôi tự hỏi, cậu bé ở trường mẫu giáo của con tôi khi lớn lên có nhớ về ngày sinh nhật bị mẹ giật khỏi vòng tay bố như một kỷ niệm đáng buồn không. Và mẹ cậu, khi nào mới quên được câu nức nở “Mẹ, con muốn đi với bố” của con mình hay chưa bao giờ để tâm?
Còn tôi, có lẽ cứ nhớ mãi hình ảnh ấy, để nhắc mình và những phụ nữ đôi khi phải rẽ một lối khác, không cùng nhau có được hôn nhân hạnh phúc viên mãn, thì khi ly hôn, trước khi muốn tranh giành phân định quyền nuôi con, cân nhắc đầu tiên trong các thỏa thuận sẽ chính là hạnh phúc và niềm vui sướng của những đứa trẻ. Chúng là một phần máu thịt, đã được sinh ra trong yêu thương và niềm tin của bố mẹ, rằng cả hai sẽ làm tốt nhất những gì có thể để con có một cuộc sống đủ đầy. Mà đủ đầy ở đây, là những cảm xúc trọn vẹn, không bị tổn thương giằng xé giữa hai con người lẽ ra phải thương mình nhất mới đúng.
Lê Lan Anh