Sau COVID-19 là hội chứng trầm cảm

21/04/2021 - 06:21

PNO - Cơn đại dịch toàn cầu có thể gây ra những tác động nguy hại đến sức khỏe không chỉ về mặt thể chất. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn phân nửa bệnh nhân sống sót sau khi nhiễm COVID-19 phải chống chọi với hội chứng trầm cảm. Đặc biệt, người trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao.

 


Khảo sát hơn 3.900 người từng nhiễm COVID-19 vào giai đoạn tháng 5/2020 đến tháng 1/2021, 52% có triệu chứng của bệnh trầm cảm nghiêm trọng. Số liệu thống kê mới nhất ghi nhận bởi nhóm chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Y Harvard.

“Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ bị trầm cảm, có thể kéo dài suốt nhiều tháng sau khi họ nhiễm virus”, trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Roy Perlis - cho biết.

Ông hiện là giáo sư Khoa Tâm thần học tại Đại học Y Harvard, kiêm phó giám đốc phụ trách nghiên cứu cùng chuyên ngành tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ). Perlis lý giải, căng thẳng tâm lý nảy sinh khi dịch bệnh xuất hiện, kèm theo tình trạng chia cắt những kết nối giao tiếp thường nhật, là “nguồn cơn chính yếu” dẫn tới hội chứng trầm cảm và sợ hãi. 

“Quan sát của nhóm chúng tôi lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc vì sao mọi người cần nỗ lực thấu hiểu, liệu trầm cảm đơn thuần là một hệ quả gây ra bởi COVID-19 hay đằng sau đó tồn tại một bệnh lý tinh thần trầm trọng sẵn có, kết hợp với áp lực chúng ta đang chịu đựng từ trận đại dịch nguy hiểm”, Perlis nói. 

Nghiên cứu đồng thời chỉ ra, đối tượng bệnh nhân COVID-19 thuộc diện “nguy cơ cao” - dễ phải đối mặt với bệnh lý trầm cảm - là giới trẻ. 

Một báo cáo quy mô mới đăng trên tạp chí y khoa Psychiatry Research (Hà Lan) chứng minh cụ thể hơn cho nhận định trên. 

Nhóm chuyên viên nghiên cứu của Đại học Surrey (Anh) đã khảo sát 259 thanh niên trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 (trước khi xảy ra đại dịch) đến tháng 6/2020 (khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng). Người tham gia khảo sát được theo dõi một số chỉ số sức khỏe tinh thần: mức độ hạnh phúc, lo âu, trầm cảm cũng như thói quen ngủ nghỉ. 

Những nhà nghiên cứu nhận thấy, dấu hiệu gia tăng đáng kể của nhiều hội chứng rối loạn tâm lý ở nhóm thanh niên, cùng thời điểm xuất hiện đại dịch COVID-19. Tỷ lệ bệnh trầm cảm đặc biệt tăng gấp đôi, từ 14,9% vào tháng 8/2019, đến 34,7% vào tháng 6/2020. 

Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm và sự suy giảm chất lượng giấc ngủ. Do phải cách ly tại nhà vào mùa dịch, nhiều người trẻ đi ngủ và thức giấc trễ hơn. Hiện tượng lệch nhịp sinh học được tin rằng sẽ kéo theo nguy cơ căng thẳng thần kinh và một số bệnh lý tinh thần khác.

“Những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ phải chống chọi với bệnh lý về tinh thần. Số bệnh nhân có thể tăng cao hơn nữa do ảnh hưởng từ COVID-19. Tích cực tư vấn, hỗ trợ đối tượng thanh thiếu niên là điều rất quan trọng, giúp họ xây dựng lối sống khỏe mạnh toàn diện. Trong thời kỳ đại dịch khó khăn hiện nay, việc bảo vệ sức khỏe tinh thần trở nên đặc biệt quan trọng” - Simon Evans, giảng viên chuyên khoa thần kinh, người phụ trách dự án nghiên cứu của Đại học Surrey, nhấn mạnh. 

Như Ý 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI