Sau chấm phạt đền

12/07/2014 - 07:22

PNO - PN - “Cái chết trên chấm phạt đền” không chừa bất cứ đội bóng nào. Hà Lan mới hừng hực khí thế sau khi thủ môn dự bị Tim Krul đỡ được hai cú sút trong cuộc “đấu súng” cân não khiến Costa Rica bị loại ở tứ kết, thì ngay...

edf40wrjww2tblPage:Content

Với chủ nhà Brazil, cái chết cũng đã được báo trước, dù không đến từ chấm phạt đền nhưng còn kinh khủng hơn, vì trận thua tan tác "lịch sử" trước tuyển Đức, từ đó uy hiếp vận mệnh chính trị của nữ Tổng thống Dilma Rousseff.

Sau cham phat den

Cổ động viên Brazil đau khổ, chết lặng vì đội nhà thua Đức 1-7  ở bán kết

Cuộc đấu một mất, một còn

Tại World Cup 2014, cuộc chiến trên chấm phạt đền đầu tiên diễn ra trong trận Brazil - Chile ở vòng 1/8, đội chủ nhà giành phần thắng. Nhưng, kịch tính để đời chính là cái chết đội quân màu da cam.

Mới vài ngày trước, cả nước Hà Lan mở hội sau khi đội bóng của ông Louis van Gaal thắng Costa Rica trên chấm phạt đền. Nhưng sáng qua (10/7), chính thầy trò ông van Gaal phải “ôm hận” cũng từ loạt sút luân lưu. Bóng đá bất ngờ đến… trớ trêu.

Nhớ lại lịch sử, người Hà Lan cũng không nên quá bi ai, vì trong khi cầu thủ Hà Lan được xem là sút luân lưu dở nhất nhì thế giới thì Argentina luôn có những chân sút rất tài ba. Trong lịch sử World Cup, Argentina có bốn lần phải sút luân lưu để đi tiếp hay dừng lại và họ đã thắng ba, thua một (thắng Nam Tư và Ý tại giải 1990, thắng Anh tại giải 1998; thua Đức ở tứ kết giải 2006).

Trong khi đó, lần duy nhất Hà Lan phải quyết định thắng thua trên chấm 11m là tại bán kết France 1998 và thua Brazil. Đến nay, đội Đức vẫn “bất khả chiến bại” trên chấm phạt đền của World Cup. Họ thắng cả bốn lần “đọ súng” mà trận được nhắc đến nhiều nhất là loại Pháp ở giải 1982. Đáng nói hơn, trong bốn chiến thắng đó, chỉ một lần cầu thủ Đức “hỏng ăn” trong 18 lượt sút bóng.

Sau cham phat den

Cái bắt tay với FIFA của Tổng thống Dilma Rousseff không đem lại lợi nhuận gì đáng kể cho người dân Brazil

Cái chết kéo dài

Tại vòng bán kết, đội tuyển Brazil “chết” rất nhanh, chưa tới 30 phút đầu trận đã thua Đức 0-5 và thua chung cuộc 1-7 sau 90 phút. Cái chết “yểu” của đội chủ nhà tàn khốc hơn vì nó giết chết hy vọng của cả đất nước, không chỉ ở phương diện bóng đá.

Sau khi tiêu tốn hàng tỷ USD và mất sáu năm chuẩn bị để tổ chức một World Cup hoành tráng, đột nhiên người Brazil nhận ra mình trắng tay. Những vụ gây rối, đốt xe trên đường phố Brazil sau trận thua trước Đức đã phản ánh phần nào sự cuồng nộ vì thất vọng của người dân. Hệ quả từ thất bại tại World Cup sẽ còn hằn sâu trong tâm trí và cuộc sống của người dân Brazil nhiều năm nữa.

Thất bại này, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh chính trị của Tổng thống Dilma Rousseff. Với cuộc bầu cử diễn ra vào tháng Mười tới, ai cũng biết bà Rousseff đặt mọi hy vọng vào World Cup. Ở đất nước mà bóng đá được xem như một tôn giáo thì việc đội tuyển thắng hay thua luôn tác động đến đời sống xã hội. David Fleischer, giáo sư Khoa Chính trị học ở ĐH Brasília cho rằng, cũng như thất bại của các giải 1998, 2006 và 2010, cái chết tức tưởi của đội Brazil mới đây sẽ kéo theo nhiều cuộc biểu tình lớn như tình hình trước khai mạc World Cup. Đó thực sự là điều bà Rousseff lo lắng.

Sau cham phat den

Sự đau đớn và thất vọng của người dân Brazil sau khi đội tuyển thua Đức 1-7 ở bán kết

Thua trắng

Thực tế, việc đăng cai World Cup 2014 không mang lại bất kỳ thành tựu nào đáng kể cho đất nước Brazil. Thất bại thảm hại trước đội Đức chỉ như “giọt nước tràn ly”, tước hết mọi nỗ lực bấu víu vào hy vọng của người dân nước này. Họ thất vọng về đội tuyển chỉ một phần, phần lớn còn lại là mất lòng tin vào cách điều hành xã hội của chính phủ bà Rousseff.

Hầu như không mục tiêu nào trong lĩnh vực kinh tế và xã hội mà chính quyền Brazil đề ra trước World Cup được thực hiện. Đây là một World Cup thành công của các nước thuộc thế giới thứ ba như Colombia, Costa Rica, Mexico, Nigeria… khi các đội này kéo dài sự có mặt của mình tại giải lâu hơn dự kiến. Cũng chính vì vậy mà nền kinh tế Brazil thất thu. Đội tuyển của các nước giàu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh… sớm về nước, kéo theo người dân nước họ. Ngay cả “du lịch tình dục”, điều được nói đến rất nhiều trước World Cup, cũng không bùng nổ như người ta tưởng. Thất thu nghiêm trọng là thực tế đáng buồn của kế hoạch kích cầu du lịch.

Bóng đá luôn được chính phủ Brazil xem như một phương tiện đánh bóng hình ảnh. Bà Rousseff không phải ngoại lệ. Ngay sau khi đội tuyển Brazil thua ở bán kết, bà lập tức bày tỏ nỗi buồn trên mạng xã hội. Giờ là lúc bà đối mặt với những chỉ trích ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử mà bà từng tin mình gần như nắm trong tay nhiệm kỳ thứ hai.

Đúng là World Cup đã tạo ra việc làm cho hàng trăm nghìn người Brazil, nhưng phần lớn là công việc tạm bợ với mức lương thấp. Khi World Cup kết thúc cũng là lúc mà số dân nghèo này trở lại với thảm trạng thất nghiệp triền miên. Lời cam kết của FIFA trong việc World Cup mang lợi ích đến cho mọi người dân Brazil rốt cuộc chỉ là lời của “những kẻ thích đùa”.

Lợi nhuận của World Cup 2014, ước tính lên đến hàng tỷ USD, sẽ chạy về Zurich, nơi FIFA có tài khoản, bởi chính quyền Brazil đã thỏa thuận miễn thuế cho mọi hoạt động của FIFA liên quan đến World Cup 2014. Những công ty nước ngoài nhận thầu xây dựng các sân vận động, như Công ty GMP của Đức cũng chẳng có động thái nào cho thấy họ muốn tái đầu tư tại Brazil, chỉ thấy họ đang chuyển về nước toàn bộ lợi nhuận có được từ World Cup 2014.

Brazil đã thua trắng tại World Cup 2014 và người dân Brazil phải gánh chịu thất bại nghiệt ngã này.

 THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI