Sau cánh cửa phòng sinh

12/04/2025 - 06:00

PNO - Người ta thường bảo, muốn biết lòng dạ đàn ông, hãy tới khoa sản. Nơi những cơn đau đẻ và muôn vàn nguy hiểm rình rập trong những “chuyến đi biển mồ côi”, không ít phụ nữ đã phải ra khơi đơn độc.

Chuyện của L.

Tôi có người bạn thân tên L. 30 tuổi. L. kết hôn trong vội vã với một người đàn ông mới quen. Tháng thứ năm của thai kỳ, chồng L. có tình nhân. Lần thứ hai bị bạo hành gia đình cũng là lúc L. quyết định dọn ra ngoài ở khi bụng mang dạ chửa. Mẹ L. vào thành phố với cô và thuê tạm một căn phòng trọ để tá túc. Nghe mẹ cô kể, hầu như đêm nào L. cũng khóc. Suốt thời gian đó, chồng L. chẳng hề liên lạc lần nào. Con chung, mà phận đàn bà sao lại khổ nhường ấy?

Nhiều người cho rằng phòng sinh là nơi thấy được tình cảm người chồng dành cho vợ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhiều người cho rằng phòng sinh là nơi thấy được tình cảm người chồng dành cho vợ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày L. sinh, người túc trực trước cửa phòng là ba mẹ ruột. Ký cái giấy đồng ý mổ vì L. đã cạn ối, tay ba cô run tới nỗi chữ ký nguệch ngoạc hệt bức vẽ của học sinh mẫu giáo.

Lúc L. được đẩy ra và chưa tỉnh vì còn thuốc gây mê, mẹ cô ẵm đứa bé, còn ba cô lo lắng đến té khuỵu xuống sàn nhà. Từ xưa đến giờ, người dân quê như ba mẹ L. chỉ toàn sinh thường, đâu có khi nào phải trải qua một ca sinh mổ. Thấy con gái mình như đi dạo qua quỷ môn quan, ông bà cảm giác trái tim bị bóp nghẹt.

L. tỉnh lại lúc gần nửa đêm, khi cả bệnh viện dần chìm trong giấc ngủ. Vết mổ đau nhức vì hết thuốc tê làm mặt mày cô tái nhợt, đến đi vệ sinh cũng trở thành một cơn ác mộng bởi L. không thể xuống nổi giường. Nhìn đứa bé đỏ hỏn khóc oe oe đòi sữa, quay ra thấy bạn mình rên rỉ thống khổ vì đau đớn, tôi chợt tự hỏi: giờ này khi vợ con đang oằn mình sau lần ra biển đơn côi, chẳng biết chồng L. đang ở đâu. Anh ta đang đắm mình trong những cuộc vui sớm tối hay lại hứa hẹn trọn đời để lừa dối ai đó ngoài kia?

Tự nhiên tôi thấy thương bạn mình, thương phận đàn bà gặp phải những người chồng tệ bạc.

Chuyện của nhiều người

Ngồi trên băng ghế đợi L., tôi vô tình chứng kiến những cảnh tượng hẳn là cả đời này sẽ chẳng thể nào quên được.

Giường trong góc phòng có một cặp vợ chồng trẻ, nom là dân quê. Cô vợ sắp sinh la đau, người chồng liền quát lớn: “Ồn ào! Đàn bà ai chả biết đẻ, cô cứ làm quá!”. Tiếng la đau im bặt. Tôi ngó sang, thấy cô vợ tủi thân thút thít, 2 tay bấu lấy cái mền, còn hàm răng thì cắn chặt muốn tứa máu.

Ảnh minh họa - Shutterstock
Ảnh minh họa - Shutterstock

Ngoài hành lang, bác sĩ đang đẩy một sản phụ khác vào phòng sinh. Phần thân dưới người vợ chảy máu lênh láng, mặt mũi trắng bệch. Cô ấy cố níu tay bác sĩ van nài được mổ vì chẳng đủ sức sinh thường nhưng mẹ chồng không chịu ký vào giấy đồng ý của bệnh viện. Tôi không biết cuối cùng cô ấy có được sinh mổ hay không, chỉ thấy mẹ con người chồng đứng ở hành lang trao đổi: “Sinh mổ vừa tốn tiền vừa không tốt cho đứa bé, lại chỉ sinh thêm được 1 đứa…”. Tim tôi chợt lạnh đến khó tả. Ôi, phận đàn bà!

Đến chiều muộn, 1 sản phụ khác nhập viện, ở giường bên cạnh L. Cô ấy trông có vẻ to con, khỏe khoắn, nghe đâu lần này là đứa thứ hai, con trai. Mọi người trầm trồ bảo: “Con rạ thì sinh dễ thôi”. Vậy mà tối đó, cô ấy bị băng huyết. Lúc người chồng còn đang tìm nơi cắm sạc điện thoại, gia đình bên vợ đã xếp hàng hiến máu.

Thời đại này, phụ nữ có kiến thức đầy đủ và tự mình đảm đương nhiều chức vụ, độc lập về tài chính. Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm chủ cuộc đời mình và thực hiện những việc bản thân thực sự muốn. Kết hôn không sợ muộn, chỉ sợ nhầm. Sinh con không lo trai hay gái, chỉ mong đứa bé được khỏe mạnh. Những điều này tưởng giản đơn, hóa ra lại chính là nghệ thuật của hạnh phúc.

Nguyên Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI