Sau bão, tan hoang giấc mộng “vàng trắng”

20/09/2020 - 16:41

PNO - Đứng nhìn rừng cao su được mệnh danh là "vàng trắng" rộng hơn 3 ha bị gãy đổ, ánh mắt lão nông Đồng Hữu Sang trú ở thôn Hiền Hòa xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đượm buồn.

Ông Sang kể: "Nhìn từng cây cao su đang vào vụ thu hoạch bỗng chốc ngã gãy, rồi ứa ra từng giọt mủ tôi tiếc đứt ruột quá chú ơi. Nhiều gia đình ở đây từ nghèo khó đã vươn lên khá giả nhờ vào cây cao su. Giờ rừng cây tan hoang, bà con nợ nần chồng chất”.

Ông Đồng Hữu Sang đau đớn nhìn cây su ngã đổ sau bão
Ông Đồng Hữu Sang đau đớn nhìn cây su ngã đổ sau bão

Sau khi trồng cao su hơn 8 năm, đến năm 2017, 3 ha cây cao su của gia đình ông Sang bắt đầu cho mủ. Với diện tích cao su này đã cho gia đình ông thu nhập 1 triệu đồng 1 ngày trong vòng 8 tháng/năm, tổng thu nhập 1 năm khoảng gần 300 triệu đồng. Với số tiền đó ông Sang có thể nuôi sống cả gia đình, trả nợ ngân hàng và cho con ăn học đàng hoàng. Thế nhưng cơn bão số 5 đã làm gãy đổ phần lớn cây cao su ở các khoảnh rừng khiến gia đình ông Sang rơi vào cảnh trắng tay.

Đường vào Khe Mạ nơi nỏii tiếng trồng cao su ở xã Phong Mỹ
Đường vào Khe Mạ nơi nổi tiếng trồng cao su ở xã Phong Mỹ

Theo quan sát của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tại khoảnh rừng cao su của ông Sang, hàng trăm thân cây có đường kính gốc 50 đến 60cm bị gãy đổ ngang thân nằm la liệt. Xót của, xót công, sau khi cơn bão đi qua, gia đình ông Sang cùng nhau vào rừng cao su đốn hạ những thân cây to bị ngã đổ để chờ thương lái đến thu mua làm gỗ tạp.

“Đổ cả vốn liếng, gia tài trồng cao su với mong ước thoát nghèo, nhưng giờ gặp bão, mọi thứ tan tành hết, gỗ tạp này cũng chẳng biết có ai mua không”, ông Sang chua chát nói.

Cao su ngã đổ nằm la liệt trong khu rừng trồng thuộc Khe Mạ xã Phong Mỹ
Cao su ngã đổ nằm la liệt trong khu rừng trồng thuộc Khe Mạ xã Phong Mỹ

Trong khi đó, ông Hồ Đức Lợi (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) cho biết: “Trong thời gian vừa qua, tôi đã trồng được 2.400 cây cao su. Tuy nhiên, cơn bão số 5 đã làm gãy đổ 75% diện tích cao su, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. Tôi mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để sớm khôi phục lại diện tích cây cao su, ổn định sinh kế”.

Hàng vạn cây cao su ở Phong Mỹ đến vụ thu hoạch ngã đổ khắp khu vực rừng trồng
Hàng vạn cây cao su ở Phong Mỹ đến vụ thu hoạch ngã đổ khắp khu vực rừng trồng

Cách khu vực trồng cao su của ông Sang không xa là khu rừng trồng cao su của bà con thôn Hiền Hòa nằm ở gần khu vực dốc Khe Mạ. 10 năm trước, khu rừng cao su có diện tích gần 100 ha này được xem là mô hình “thoát nghèo bền vững”. Đồng thời cũng là lá cờ đầu của phong trào trồng cây công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vậy mà trong hơn 40 phút bão số 5 ập đến, miền đất hứa của những cư dân miệt phá Tam Giang đã tan tành theo bão. Từ những gia đình vốn sở hữu bạc tỷ với những cánh rừng cao su xanh bạt ngàn đang đến thời kỳ thu hoạch giờ đây lại trở thành những “con nợ” của ngân hàng.

Sau cơn bão số 5 bà con trồng cao su bỗng trở thành
Sau cơn bão số 5 bà con trồng cao su bỗng trở thành "con nợ" của ngân hàng

Đang loay hoay thu dọn vườn cây cao su bị gãy nát ở khu vực Khe Mạ, bà Nguyễn Thị Vui (đội 4 thôn Hiền Hòa xã Phong Mỹ) ánh mắt đỏ hoe khi kể lại quá trình lên lập nghiệp tại vùng đất này.

“Con biết không, cả nhà o (cô) trồng 4 ha cao su, dự định thu hoạch xong sẽ trả nợ hơn 200 triệu ở ngân hàng. Giờ thì mất trắng, 3 đứa con đang học đại học ở xa cũng trông chờ vào rừng cao su này, giờ thì mất sạch rồi. Trước mắt o không biết lấy tiền mô (đâu) ra để trả lãi cho ngân hàng nữa”, bà Vui than thở.

Hai mẹ con bà Vui trong khu rừng cao su ngã đổ vị bão
Mẹ con bà Vui trong khu rừng cao su ngã đổ vì bão

Ông Nguyễn Chánh Thành, Trưởng thôn Huỳnh Trúc, xã Phong Mỹ cho biết, toàn thôn có 90 hộ dân sống dựa chủ yếu vào cây cao su với diện tích 91ha (85ha đã cho thu hoạch). Bão số 5 đã tàn phá 60-70% diện tích cao su hiện có, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần.

“Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện hỗ trợ người dân tận thu gỗ cây cao su để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời có chính sách ưu đãi với người trồng cao su như: khoanh nợ, giải ngân vốn để trồng mới hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác”, ông Thành nói.

Bà vui thẩn thờ bên khoảnh rừng cao su ngã đổ
Bà Vui thẩn thờ bên khoảnh rừng cao su ngã đổ

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, toàn huyện có 1.700 ha cây cao su. Trong đó, có hơn 1.000 ha diện tích cây bị gãy, đổ sau bão số 5, nặng nhất là xã Phong Mỹ với diện tích thiệt hại lên đến 700 ha. Hiện, huyện đang chỉ đạo các xã khắc phục những thiệt hại trước mắt như: sửa chữa lại các cơ sở dạy học, nhà dân và khám chữa bệnh cho người bị nạn...

“Sau đó sẽ yêu cầu các xã, thị trấn thống kê thiệt hại về cây trồng, căn cứ chủ trương, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ người dân có cuộc sống ổn định sau bão”, ông Bình cho biết.

Sau khi đi thị sát, nắm bắt tình hình cây cao su gãy đổ do bão số 5, ông Nguyễn Văn Phương -  Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu chính quyền địa phương các cấp nghiên cứu các phương án hỗ trợ, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân.

Clip: Người dân trồng cao su đã mất trắng, mong muốn được ngân hàng khoanh nợ, giải ngân vốn để trồng mới hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác.

 Thuận Hóa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nguyen Lanh 20-09-2020 22:04:48

    Thiệt hại kiểu này là điều đương nhiên và chắc chắn xảy ra, chỉ là vào thời điểm nào thôi, vì cây cao su là loại cây không chịu được gió bão, gió to là gãy đổ ngay. Vì thế ngày xưa người Pháp không bao giờ lập đồn điền cao su ở khu vực từ miền Trung trở ra.

  • thaivannguyen 20-09-2020 18:05:15

    Thiên tai làm bà con vất vả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI